Thứ tư, 24/04/2024 05:34 (GMT+7)

Tiếp bài vì sao không xử lý hình sự Phó chủ tịch huyện Sơn Động?

MTĐT -  Thứ hai, 11/05/2020 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Giáp Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động là người đứng đầu nhưng lại thoát tội, trong khi cấp dưới và nhiều cá nhân khác thì bị hầu tòa. Ông Tâm sẽ đối diện với thuộc cấp của mình ra sao?

Người có sai phạm lại thay tỉnh tham gia tố tụng

Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng bài “Sai phạm tại Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử: Vì sao không xử lý hình sự Phó chủ tịch huyện Sơn Động?” phản ánh về việc ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đã ký hàng loạt quyết định hỗ trợ đền bù GPMB cho người dân tại xã Tuấn Mậu (nay là Thị trấn Tây Yên Tử) để nhường đất cho Dự án trên, khiến hàng loạt cấp dưới bị hầu tòa, trong khi ông Giáp chỉ bị xử phạt hành chính.

Dư luận chưa hết bức xúc, ngày 2/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 670/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tham gia tố tụng; thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức theo Điều 62 cùa Bộ luật Tố tụng hình sự trong vụ án "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến Dự án trên.

Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử 

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho biết: Việc ông Tâm ra các quyết định hủy bỏ các quyết định đã ký trước đó chỉ nhằm chống chế và có chăng đó chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi định tội. Việc không khởi tố ông Giáp Văn Tâm là đi ngược lại với chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trái với quy định tại Nghị định 157/2007 NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Vậy là, ông Tâm là người đứng đầu nhưng lại thoát tội, trong khi cấp dưới của ông và nhiều cá nhân khác thì bị hầu tòa. Sắp tới phiên tòa diễn ra, với cương vị đại diện cho chính quyền tham gia tố tụng, ông Tâm sẽ đối diện với thuộc cấp của mình ra sao?.

Không bị truy tố nên dẫn đến có việc ủy quyền?

Đánh giá về sự việc, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, phải xem xét vai trò, trách nhiệm, hậu quả do ông Tâm và các cá nhân gây ra.

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nếu chỉ xem xét xử lý hành chính và cơ quan Đảng chỉ xem xét xử lý ở mức nhẹ thì không công bằng. Thứ nhất là không công bằng trước pháp luật. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật, có tội phải xử lý, có công phải được khen thưởng. Ông Tâm là người có tội, hành vi phạm tội rõ ràng đã được cơ quan điều tra chỉ rõ thì tại sao không xem xét trách nhiệm hình sự?.

Thứ hai, không công bằng với tất cả những người khác có liên quan đến vụ việc. Nhiều người bị hầu tòa, nhưng ông Tâm lại không?.

Thứ ba, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lại ra Quyết định để ủy quyền cho ông Tâm tham gia tố tụng với tư cách đại diện cho Chủ tịch UBND tỉnh trước cơ quan tố tụng, như vậy ông Tâm còn to hơn cả chức vụ bình thường, cho thấy sự việc rất “bất thường”. Bản thân ông Tâm là người trực tiếp gây thiệt hại, nhưng lại đại diện cho chính quyền thì sẽ ăn nói như thế nào?...

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: "Phải chăng ông Tâm không bị truy tố nên dẫn đến có việc ủy quyền?”.

Dự luận rất bức xúc khi ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động chỉ bị xử lý hành chính, trong khi nhiều cán bộ cấp dưới thì bị khởi tố hình sự liên quan tới GPMB Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử

Hơn nữa, ông Tâm là người trực tiếp đứng đầu, có vai trò chính trong vụ việc thì các cơ quan kiểm tra Đảng phải xem xét ở khía cạnh Đảng của ông Tâm. Ông  Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không loại trừ khả năng có việc chống lưng, bao che, bỏ lọt tội phạm.

Các bị can bị truy tố bao gồm: Phan Đức Hạnh (sinh năm 1973), Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật TN&MT Bắc Giang; Thân Đức Thanh (sinh năm 1974), Trưởng phòng Đo đạc bản đồ, Tổ trưởng Tổ công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp phụ trách công tác đo đạc bản đồ và Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1982), cán bộ Phòng Đo đạc Trung tâm kỹ thuật TN&MT về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất". Đồng thời, đề nghị truy tố bị can Ngọc Minh Phụng (sinh năm 1962), Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Động về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội nhận định: Việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang không khởi tố ông Giáp Văn Tâm là có dấu hiệu không khách quan, bỏ lọt tội phạm. Ông Tâm phải là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất đối với mọi hoạt động của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Sơn Động. Hành vi của ông Tâm đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Để làm rõ thêm về vụ việc, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Sơn Động và liên hệ trực tiếp với ông Giáp Văn Tâm, nhưng ông Tâm từ chối làm việc và hướng dẫn phóng viên lên tỉnh tìm hiểu./.

Theo Doãn Xuân-Lam Thanh/Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Tiếp bài vì sao không xử lý hình sự Phó chủ tịch huyện Sơn Động?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...

Tin mới