Thứ năm, 28/03/2024 16:24 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/7/2019

MTĐT -  Thứ năm, 18/07/2019 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/7/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 18/7/2019.

Làm rõ vụ hơn nửa tấn thịt lợn nhiễm vi rút được cấp phép kiểm dịch

Chiều 17/7, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết Cơ quan CSĐT Công an H.Tân Trụ (Long An) đã vào cuộc vụ 1.134 kg thịt lợn nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi bị phát hiện tại hộ kinh doanh Cao Thị Huyền ở TT.Tân Trụ, H.Tân Trụ. Trong số thịt đó, 600 kg có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM cấp.

Theo điều tra ban đầu, trưa 30.6, ngành chức năng H.Tân Trụ kiểm tra hộ kinh doanh Cao Thị Huyền, phát hiện xe tải BS 51C-732.68 của ông Nguyễn Thanh Tùng đang giao khoảng 500 kg thịt lợn cho bà Huyền. Trên xe tải và trong tủ đông của bà Huyền có tổng cộng 1.134 kg thịt lợn, nhưng chỉ có 600 kg có giấy chứng nhận kiểm dịch, số còn lại không rõ nguồn gốc. Ông Tùng khai nhận số thịt trên ông mua tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (chợ Bình Điền, TP.HCM).

Cơ quan chức năng H.Tân Trụ đã niêm phong tạm giữ số thịt này. Đến chiều 2.7, Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả xét nghiệm mẫu thịt trên dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi nên đã tiêu hủy toàn bộ.

Có thông tin rằng lô thịt này trước khi vào chợ Bình Điền đã có giấy kiểm dịch của ngành chức năng tỉnh Long An, nên BQL ATTP TP.HCM tin tưởng vào giấy này, đã cấp giấy chứng nhận tiếp theo. Bà Khanh cho biết có nghe dư luận về việc này và Sở NN-PTNT Long An đã ký công văn gửi BQL ATTP TP.HCM, yêu cầu phối hợp để làm rõ.

Ngày 17/7, trả lời Thanh Niên, đại diện BQL ATTP TP.HCM cho biết sau khi có thông tin 600 kg thịt lợn xuất phát từ chợ Bình Điền xuống Long An do Đội 10 của ban chứng nhận kiểm dịch, ban đã chỉ đạo Đội 10 kiểm tra các hồ sơ lưu, truy xuất nguồn gốc để làm rõ. Theo đó, ngày 30.6, căn cứ vào đơn đăng ký kiểm dịch của bà Thái Hồng Loan, chủ sạp H1-148, Đội 10 đã kiểm tra thực tế lô hàng, trực tiếp niêm phong phương tiện vận chuyển (xe 51C-732.68), dây niêm phong số 0048822 và 0048823 và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh gồm 1 bản gốc seri 0132128/CN-KDSPĐV-UQ và 1 bản sao seri 111707/CN-KDSPĐV-UQ; tổng khối lượng 600 kg thịt lợn pha lóc. Nơi đến thứ nhất là Công ty TNHH lương thực thực phẩm Hòa Phát - 2097 ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa (Long An) với khối lượng 100 kg thịt lợn pha lóc. Nơi đến thứ hai là Cao Thị Huyền - 21 ấp Bình Hòa, TT.Tân Trụ, H.Tân Trụ (Long An), khối lượng 500 kg thịt lợn pha lóc.

Qua truy xuất nguồn gốc và kiểm tra đối chiếu các hồ sơ lưu tại chợ Bình Điền, nguồn gốc thịt lợn tại sạp H1-148 xuất phát từ 5 cơ sở giết mổ thuộc tỉnh Long An (Nghĩa Hưng - Bến Lức; Cổ Văn Mong - Đức Hòa; Lê Hữu Binh - H.Tân Trụ; Nguyễn Văn Dần - H.Bến Lức; Long Hiệp - H.Bến Lức). Tất cả số thịt lợn đưa về TP.HCM này đều có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, do Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản Long An cấp.

Một kiểm lâm ở Bắc Giang bị lâm tặc chém trong lúc tuần tra

Sáng nay (18/7), ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm bảo tồn Tây Yên Tử (Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vừa xảy ra vụ một số đối tượng khai thác gỗ trái phép dùng dao chém cán bộ kiểm lâm.

Cụ thể, sáng 14/7, các cán bộ Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập thuộc Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử gồm: Đào Xuân Thao, Nguyễn Văn Hậu cùng lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tiến hành kiểm tra rừng tại khu vực thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một nhóm người đang khai thác gỗ trên diện tích trồng trái phép trong rừng đặc dụng.

Tổ kiểm tra yêu cầu những người này dừng ngay việc khai thác trái phép, giữ nguyên hiện trường. Qua làm việc, nhóm người cho biết khai thác thuê cho ông Nguyễn Công Yên, trú tại thôn Đồng Thông.

Các cán bộ kiểm lâm đã đi tìm ông Nguyễn Công Yên nhưng khi vừa rời khỏi hiện trường khoảng 50 m, ông Yên bất ngờ xuất hiện, cầm một con dao chạy đến chém, hành hung anh Đào Xuân Thao. Lúc bị lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng can ngăn, giằng được con dao, ông Yên tiếp tục lấy thêm một con dao khác đuổi chém anh Thao.

Vụ việc khiến anh Đào Xuân Thao bị thương với vết chém dài tại bắp tay.

Tạm giam 3 đối tượng đốt tổ ong gây cháy rừng nghiêm trọng

Ngày 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, CAH Hương Sơn (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ba đối tượng gồm: Nguyễn Văn Sửu (1973), Cao Huy Chương (1971, cùng trú xã Sơn Hồng) và Lương Xuân Thịnh (1967, trú xã Sơn Lĩnh, H. Hương Sơn) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, quy định tại khoản 1, Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015. Các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Trước đó, vào lúc 7h30 ngày 23/6, theo sự bàn bạc từ trước, Sửu, Chương và Thịnh điều khiển xe máy mang theo dao, bật lửa ga và các vật dụng khác đi vào khu vực rừng Khe Nhồng, thuộc thôn 10, xã Sơn Hồng, H. Hương Sơn để tìm tổ ong đốt lấy mật. Khi vào phía trong rừng, cả ba đối tượng phát hiện thấy tổ ong nằm trên cây gỗ cao, đồng thời châm đuốc, leo lên cây hun khói vào tổ ong để lấy mật. Tuy nhiên, do bất cẩn đã dẫn đến cháy rừng. Mặc dù cả 3 đối tượng đã tập trung dập lửa nhưng do thời tiết nắng nóng, gió Nam thổi mạnh ngọn lửa bốc cháy và lan nhanh. Vụ cháy đã làm thiệt hại khoảng 70 ha rừng.

Thu giữ nhiều hàng nhái tại chợ Bến Thành và Sài Gòn Square

Cục QLTT TP HCM cho biết đã chỉ đạo 06 đội QLTT số 1, số 25, số 26, số 27, số 28, số 29 đồng loạt kiểm tra các điểm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại 02 khu vực là chợ Bến Thành và trung tâm thương mại Sài Gòn Square.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, bóp, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel.

Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh. Tổng số hàng hóa vi phạm trị giá 256.487.000 đồng.

Trước đó, ngày 11/7, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an (Cục An ninh kinh tế, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát đặc nhiệm) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra hai Trung tâm mua sắm lớn tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Số lượng hàng hóa vi phạm tại hai trung tâm này có trị giá nhiều tỷ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới