Thứ sáu, 26/04/2024 02:25 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/7/2019

MTĐT -  Thứ tư, 24/07/2019 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/7/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 24/7/2019.

Phát hiện cơ sở sản xuất dầu nhớt Castrol giả ở Đà Nẵng

Ngày 23/7, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng - Đại tá Tôn Quốc Khánh cho biết, vừa phát hiện, triệt xóa cơ sản xuất 2.000 lít dầu nhớt giả.

Trước đó, ngày 17/7, Phòng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng), phối hợp Đồn Biên phòng Non Nước tiến hành kiểm tra ô tô mang BKS 43A - 379.86 do Nguyễn Văn Hà (SN 1987, quê tỉnh Hải Dương) điều khiển khi xe này đang lấy dầu nhớt  từ căn nhà không số thuộc tổ 71 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 60 can nhựa trắng chứa dầu nhớt, loại 4 lít, in chữ Castrol GTX 20W-50.

Hà khai nhận, số dầu nhớt là làm giả nhãn hiệu Castrol chuẩn bị để mang đi tiêu thụ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tiếp tục khám xét căn nhà, lực lượng Biên phòng Đà Nẵng phát hiện thêm 1.600 lít dầu nhớt nguyên liệu.

Bên cạnh đó, còn có nhiều vỏ tem nhãn, bao bì đều in dòng chữ Castrol của Công ty TNHH Castrol BP Petco gồm: 452 vỏ can nhựa in chữ Castrol Magnatec (loại 4 lít), 48 vỏ can nhựa in chữ Castrol CRB (loại 5 lít), 115 vỏ thùng nhựa in chữ Castrol Veston (loại 18 lít), 30 vỏ thùng nhựa Vanellus (loại 18 lít), 27 vỏ thùng các tông Castrol GTX, 600 nắp can Castrol, 230 tem chống hàng giả in chữ Castrol, 1 kg lít nắp can in chữ Castrol…

Quản lý thị trường Lạng Sơn: Quyết liệt chống buôn lậu

Tin tức trên báo Công thương, ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp theo thời vụ tại một số khu vực biên giới. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, đồ điện gia dụng, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia cầm giống và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... trong đó có nhiều mặt hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ.

Phương thức, thủ đoạn vẫn là lợi dụng đêm tối, địa hình đường núi hiểm trở để mang vác hàng hóa theo các đường mòn qua biên giới thuộc một số khu vực xã Tân Mỹ, Tân Thanh của huyện Văn Lãng; thị trấn Đồng Đăng - Cao Lộc... sau đó sử dụng hóa đơn hợp thức vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Đáng chú ý, thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa dùng thủ đoạn khi nhập khẩu ghi, dán nội dung xuất xứ hàng hóa, dán nhãn phụ mờ nhạt, dễ bóc thay thế nhằm đối phó với cơ quan chức năng cửa khẩu để làm thủ tục hải quan, thông quan vào nội địa nhằm gian lận về nguồn gốc xuất xứ, kể cả giả mạo nguồn gốc hàng hóa từ nước thứ 3 (hàng từ Trung Quốc nhưng ghi ngoài bằng chữ Thái Lan...).

6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã kiểm tra 1.811 vụ, số vụ vi phạm 1.304 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính lên tới 34,05 tỷ đồng. Trong đó, đã kiểm tra, xử lý 472 vụ việc buôn lậu, xử phạt vi phạm hành chính hơn 7,93 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng, buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính 12,3 tỷ đồng; kiểm tra, xử lý 98 vụ việc hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2,1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá tương đương hàng thật khoảng 2,7 tỷ đồng...

Quảng Ninh: Tạm giữ tàu vận chuyển gần 40.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 23/7, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 1 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tạm giữ tàu vận tải mang biển hiệu QN - 0222 TS chở gần 40.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, vào lúc 6h30, ngày 21/7, trên vùng biển giáp danh giữa Hải Phòng - Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện tàu vận tải QN - 0222 TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang vận chuyển khoảng 40.000 lít dầu DO. Tàu do ông Nguyễn Kế Thức (trú tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) làm thuyền trưởng.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Thức không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số dầu trên.

Singapore bắt giữ gần 9 tấn ngà voi trên đường đến Việt Nam

Dẫn nguồn tin từ Reuters, báo Tuổi trẻ đưa tin, số ngà voi bị tịch thu có giá trị ước tính lên đến 12,9 triệu USD và có nguồn gốc từ 300 con voi châu Phi. Ngoài ra, lô hàng còn bao gồm 11,9 tấn vảy tê tê, trị giá hơn 35,7 triệu USD. Đây là lần thứ ba trong năm Singapore thu giữ lượng lớn vảy tê tê.

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Thịt của loài động vật này được xem là đặc sản ở Việt Nam và Trung Quốc, còn vảy thì được đem đi làm thuốc đông y, mặc dù lợi ích của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

"Lượng ngà voi và vảy tê tê sẽ bị tiêu hủy để ngăn chặn việc chúng quay trở lại thị trường", Cơ quan Hải quan, di trú và kiểm soát Singapore và Hội đồng Vườn quốc gia cho biết.

Khối lượng ngà voi trên gần bằng số ngà voi bị bắt giữ tại Việt Nam hồi tháng 3 là 9,1 tấn. Con số này được Tổ chức Điều tra môi trường (EIA) cho là lớn nhất từng bị phát hiện trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, có rất nhiều vụ bắt giữ, bao gồm cả sừng tê giác, được thực hiện tại Singapore, Hong Kong và Việt Nam. Các nhóm bảo tồn cho rằng Singapore là một điểm trung chuyển cho nạn buôn bán động thực vật hoang dã trái phép.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.