Thứ sáu, 29/03/2024 02:20 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/10/2019

MTĐT -  Thứ tư, 02/10/2019 09:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/10/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất ngày 2/10/2019.

Tung tin sai về “vi khuẩn ăn thịt người”, cô gái bị phạt 12,5 triệu đồng

Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Phòng An ninh chính trị nội bộ mới công bố quyết định xử phạt hành chính đối với Hoàng Thanh Huyền (SN 1996, trú tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới) về hành vi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Hoàng Thanh Huyền là người trước đó đã tung tin đồn thất thiệt lên Facebook cá nhân về việc “vi khuẩn ăn thịt người” xuất hiện tại Quảng Bình.

Theo cơ quan Công an, Huyền đã có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân quy định tại điểm a, khoản 3, Nghị định số 174/2013/Đ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Với hành vi vi phạm này, Hoàng Thanh Huyền đã bị Công an tỉnh Quảng Bình xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 16/9, trên trang Facebook "Hoàng Thanh Huyền" do Huyền làm chủ tài khoản đăng thông tin: "Ở Bệnh viện Cuba vừa có 3 ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người". Thời điểm đó thông tin này đã gây hoang mang cho rất nhiều người dân tại Quảng Bình.

Sở Y tế tỉnh Quảng Bình vào cuộc xác minh khẳng định không có trường hợp nào bị vi khuẩn ăn thịt người (Whitmore) vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Thông tin trên chỉ là tin đồn thất thiệt gây hoang mang, lo lắng cho dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nói riêng, và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nói chung.

Gian lận điểm thi: Vợ ông Triệu Tài Vinh bị yêu cầu kiểm điểm

Ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thông báo kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.

Theo đó, tỉnh Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra để xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm. Tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm tính đến ngày 30-9 là 151 trường hợp.

Trong đó, hai trường hợp đã được kiểm tra, xử lý trước khi có kết luận số 486 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang là ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT.

149 trường hợp còn lại, tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý đối với 137 trường hợp, còn 12 trường hợp ngoài Đảng bộ tỉnh quản lý.

Kết quả kiểm tra, xử lý đối với 137 trường hợp cho thấy có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, đã bị xử lý kỷ luật (42 trường hợp bị khiển trách, 1 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị khai trừ Đảng); 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 57 cán bộ, đảng viên đang tiếp tục bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang kiểm tra, xem xét xử lý; 4 cán bộ, đảng viên tạm dừng kiểm tra, xem xét xử lý do 2 trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo và 2 trường hợp đang chờ kết quả xét xử của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, 1 trường hợp kiểm tra nhưng không có khuyết điểm vi phạm.

Đáng chú ý, trong số 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc sở NN&PTNT. Bà Hà là vợ của ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện đang là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Vụ VN Pharma: Tuyên án cao nhất 20 năm tù

Chiều 1/10, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên án các bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma đối với 12 bị cáo.

HĐXX xác định Helix Canada là công ty không có thật, không được Canada cung cấp mã số, các bị cáo đã làm giả giấy tờ tài liệu nhằm nhập thuốc và nâng không giá để thu lợi bất chính nên có cơ sở truy tố tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Các bị cáo là những người có trình độ nhưng chỉ vì ham lợi mà bất chấp thủ đoạn nhập thuốc về Việt Nam, gây dư luận xấu trong xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật. Do đó, VKS truy tố theo khoản 4 ( có mức án nặng nhất) là phù hợp.

HĐXX nhận định Hùng là người có hiểu biết, lẽ ra phải tìm hiểu kỹ về thuốc H-Capita trước khi nhập, nhưng bị cáo lại thuê người khác viết hồ sơ và nâng giá nên chính là chủ mưu, có vai trò tích cực.

Trong khi đó, bị cáo Võ Mạnh Cường đã thông đồng với Hùng làm giả hồ sơ. Theo HĐXX, Cường hoàn toàn chủ động và ý thức được hành động của mình, nên bị xác định là chủ mưu cầm đầu.

Tòa đã tuyên phạt các bị cáo về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, đối với Võ Mạnh Cường 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù; Nguyễn Trí Nhật 12 năm tù; Ngô Anh Quốc 11 năm tù, cùng với 5 năm tù của bản án của TAND Tối cao, tổng là 16 năm tù; Phan Xuân Thiện 7 năm tù; Lê Thị Vũ Phương 5 năm tù; Phan Cẩm Loan 7 năm tù; Bùi Ngọc Duy 6 năm tù; Phạm Văn Thông 5 năm tù; Hoàng Trúc Vy 3 năm tù cho hưởng án treo, giao cho chính quyền địa phương quản lý giám sát giáo dục; bị cáo Phạm Anh Kiệt 3 năm tù và Phạm Quỳnh Trang 4 năm tù.

Bên cạnh đó, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các nghề liên quan đến y tế trong vòng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành xử phạt 300 cơ sở vi phạm ATTP tại Hà Nội

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản báo cáo kết quả ban đầu thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, từ 10/7/2019 đến thời điểm này, 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP; 18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến xã, phường, thị trấn.

Tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra là 131/584. Tổng số cơ sở được thanh tra là 859. Lực lượng chức năng đã xử phạt 206 cơ sở với số tiền hơn 400 triệu đồng. Tại tuyến quận, huyện, thị xã, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP đã thanh tra được 310 cơ sở, trong đó có 96 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 313 triệu đồng.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đảm bảo 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo đúng kế hoạch, đảm bảo đúng quy trình thanh tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong đó, ngành y tế sẽ thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, căng tin, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, chế biến suất ăn, thức ăn đường phố; thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền; thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, cung cấp vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy hải sản, kinh doanh thuốc sử dụng trong chăn nuôi. Thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho bãi bảo quản thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt. Thanh tra các điểm kinh doanh thuốc thú y, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.