Thứ bảy, 20/04/2024 06:34 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 27/08/2019 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất ngày 27/8/2019.

Vụ AVG: Khởi tố khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú 5 bị can là đồng phạm

Thông tin phát đi tối 26/8 từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố thêm năm bị can là đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; đưa hối lộ" xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị liên quan.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án và tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 26/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò đồng phạm đối với năm cá nhân.

Năm cá nhân gồm Phan Thị Hoa Mai, sinh năm 1966, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Hồ Tuấn, sinh năm 1965, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (hiện là Phó Tổng Giám đốc Mobifone); Nguyễn Đăng Nguyên, sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Nguyễn Bảo Long, sinh năm 1972, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1969, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.

Cũng theo Bộ Công an, cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Thổi giá cổ phiếu KSA để thao túng thị trường

Ngày 26/8, CQĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu KSA).

Đồng thời đề nghị truy tố 4 bị can gồm: Phạm Thị Hinh, SN 1973, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VSM và Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA); Nguyễn Anh Tuấn, SN 1981, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Trần Hồng Ngọc, SN 1981, trú tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;  Nguyễn Trong Hùng, SN 1979, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

TP Hồ Chí Minh: Thanh tra việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

Ngày 26/8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với siết chặt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), thành phố sẽ tăng cường thanh tra việc sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, theo Nghị định 15/2018-NĐ/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bắt buộc phải có chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, bao gồm những nguyên tắc, quy định về điều kiện sản xuất, áp dụng cho các cơ sở sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế... nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

“Yêu cầu sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt GMP đồng nghĩa với các tiêu chuẩn để sản xuất mặt hàng này nghiêm ngặt như đối với thuốc chữa bệnh. Việc chuẩn hóa điều kiện sản xuất là rất cần thiết, góp phần cơ bản vào việc bảo đảm chất lượng sản phẩm bởi thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng”, bà Lan cho hay.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng theo “công nghệ xô chậu”, thậm chí không đạt điều kiện tối thiểu về an toàn thực phẩm nhưng lại quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng nhầm tưởng như thuốc chữa bệnh.

Mới đây nhất, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã thu giữ gần 3 tấn thực phẩm chức năng dạng cốm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn cầu D2 Việt Nam đóng tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do không có chứng nhận GMP trong sản xuất. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đang hoàn tất hồ sơ xử lý vi phạm hành chính viên uống Halida hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhưng lại quảng cáo như thuốc đặc trị bệnh tiểu đường.

Theo kế hoạch, Ban sẽ tăng cường thanh tra việc kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng, nhất là mua bán không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý thành lập tổ công tác thường trực rà soát, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, tại các hội thảo và trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Núp bóng trung tâm ngoại ngữ để truyền đạo trái phép

Qua triển khai công tác nghiệp vụ quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài, các trinh sát (TS) Đội An ninh CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) phát hiện thông tin có hoạt động tôn giáo trái phép trên địa bàn. Điểm nghi vấn nhất chính là Trung tâm Ngoại ngữ Best One Language Academy (địa chỉ tại số 239B-Nguyễn Phước Nguyên, Đà Nẵng) có dấu hiệu hoạt động truyền đạo trái phép.

Trên cơ sở tài liệu TS, lúc 19 giờ 30 ngày 20-8-2019, thực hiện ý kiến của lãnh đạo CAQ Thanh Khê, Đội An ninh phối hợp với CAP An Khê tiến hành kiểm tra hành chính hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ Best One Language Academy do bà Trần Thị Tâm (1993, trú xã Nghĩa Hải, H. Nghĩa Hưng, Nam Định) đại diện theo pháp luật. Tại thời điểm kiểm tra, tại tầng 3 của cơ sở, TS phát hiện có 18 học viên từ 19-32 tuổi, phần lớn là sinh viên và người đi làm tại Đà Nẵng và 4 giáo viên đang tổ chức truyền đạo trái phép, trong đó có 1 người quốc tịch Hàn Quốc là Shin Book (1986), còn lại là người Việt Nam.

Bước đầu, cơ quan CA xác định các giáo viên tại trung tâm này gồm: H.M.Thy (1993), D.Q.Anh (1996), T.L.Q.Anh (1997) và 2 người khác thực hiện nhiệm vụ lễ tân, giám sát tại tầng trệt gồm: N.T.K.Ánh (1996), P.T.H.Yến (1994). Tất cả các đối tượng này đều tạm trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê. Thế nhưng, tại thời điểm kiểm tra, trung tâm này không xuất trình được giấy phép hoạt động giảng dạy ngoại ngữ. Qua kiểm tra, Đội An ninh CAQ Thanh Khê tạm giữ nhiều tài liệu bao gồm 433 quyển kinh Thánh bằng tiếng Việt, 1 quyển kinh Thánh bằng tiếng Hàn, 8 tài liệu truyền giảng kinh Thánh và một số tài liệu liên quan.

Thượng tá Hồ Thanh Hưng- Phó Trưởng CAQ Thanh Khê cho biết, thông qua các tài liệu tạm giữ của các đối tượng, bước đầu xác định, các đối tượng tham gia hoạt động tà đạo có tên là Tân Thiên Địa (tên Hàn Quốc là Shincheonji, viết tắt là SCJ). Đây là tà đạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được lập từ những năm 1980, do Lee Man Hee xưng là giáo chủ và hiện có khoảng 200.000 tín đồ. Những người theo tà đạo này tin rằng, giáo chủ không bao giờ chết và trên 144.000 thành viên của tà đạo này sẽ sống 1.000 năm trị vì với giáo chủ của họ trong thời thiên niên kỷ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...