Thứ sáu, 29/03/2024 04:58 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/5/2019

MTĐT -  Thứ tư, 08/05/2019 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/5/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 8/5/2019.

TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào chợ, siêu thị

Ngay sau khi 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai công bố dịch tả lợn châu Phi, chính quyền TP HCM đã lên kế hoạch phối hợp, siết chặt công tác kiểm soát nguồn lợn vào thành phố tại các cửa ngõ.

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi bắt đầu thâm nhập vào khu vực phía Nam, cụ thể là tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM khẳng định, thành phố chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao. TP HCM đang phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y và Chăn nuôi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang… để kiểm dịch nguồn lợn sống và sản phẩm thịt lợn nhập về thành phố tiêu thụ.

Đơn cử, với tỉnh Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã có buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất biện pháp phối hợp trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo kế hoạch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hai tỉnh thành phối hợp kiểm soát nguồn heo nhập về thành phố giết mổ đảm bảo đúng quy định. Thống nhất sử dụng tuyến đường quốc lộ 1A và 1K để vận chuyển lợn từ Đồng Nai về TP HCM giết mổ. Trong quá trình vận chuyển sẽ tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch.

Ngoài phối hợp với các tỉnh lân cận kiểm soát chặt nguồn lợn thịt vào thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM còn làm việc với đoàn liên ngành của thống nhất tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực tuyến Cao tốc Long Thành – Dầu Giây – TP HCM. Đối với quận – huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ thâm nhập TP HCM, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho rằng, thành phố chưa phát hiện dịch nhưng nguy cơ nhiễm dịch bệnh không hề nhỏ. Ông Trung giải thích, hiện nay vẫn có một lượng lợn thịt vận chuyển từ miền Trung đi thẳng vào Tây Nam Bộ (không vào TPHCM), ước khoảng 1.300 – 1.500 con. Mặc dù, số lợn trên không vào TP HCM nhưng thành phố vẫn lo sợ vào miền Tây rồi lại đi vòng lên thành phố. Sợ nhất là lượng lợn trên tuồn vào các lò mổ trái phép rồi đưa ra thị trường.

Chấn chỉnh các quán ăn “chặt chém” khách

Theo CAND, ngày 1/5, anh N.X.Q.M (38 tuổi) chở vợ là P.T.C.D (34 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) từ quê lên do trời mưa lớn nên vào quán Bảo Châu trú mưa và gọi 2 chai nước ngọt.

Lúc tính tiền, bà chủ quán Lê Thị Kim Huệ (38 tuổi, quê Cần Thơ) tính 60 ngàn đồng cho 2 chai nước, anh M. Chê đắt, một khách ngồi bàn kế bên còn “đốc” thêm vào “trước đây ăn tô hủ tíu giá ở đây giá 100 ngàn”.

Mâu thuẫn xảy ra, bà Huệ kêu chồng là Trần Văn Ngoan (42 tuổi) cùng 3 người thân gồm Lê Chí Tâm (36 tuổi, quê Đồng Tháp, em bà Huệ), Lê Minh Cảnh (26 tuổi, quê Cần Thơ), Lê Chí Tâm (17 tuổi, quê Cần Thơ) xông vào đánh anh M. chảy máu đầu.  

Khi anh M. nói sẽ báo Công an, bà Huệ đã thách thức. Công an xã Nhựt Chánh đã đưa một số người liên quan về trụ sở làm việc và đưa vợ chồng anh M. về TP Hồ Chí Minh để tránh sự cố đáng tiếc.

Thông tin vụ việc được tung lên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận, một ngày sau vụ việc xảy ra, quán của bà Huệ bị một nhóm hơn chục người xông vào đập phá tài sản trong quán và đánh ông Lê Văn Cẩm (65 tuổi, cha bà Huệ) rách da, tụ máu vùng đầu, rách mí mắt, môi, người em tên trai bà Huệ tên Cảnh bị truy đuổi, bỏ chạy té gãy ngón tay cái. Tài sản thiệt hại sau vụ đập phá tổng cộng trị giá khoảng 4,5 triệu đồng.

Việc nhóm người tự ý hành xử kiểu “bức xúc” như trên vô tình gây mất an ninh trật tự nên Công an huyện Bến Lức đã vào cuộc điều tra, truy xét và xử lý theo pháp luật.

Sau vụ việc, ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đã chỉ đạo Công an huyện Bến Lức khẩn trương thu thập chứng cứ để xử lý những cá nhân có liên quan và nhanh chóng giải quyết để ổn định trật tự xã hội.

Nhiều người khi lưu thông qua khu vực này phản ánh không chỉ quán Bảo Châu làm ăn kiểu chụp giựt, “chặt chém” khách vào quán mà dọc tuyến quốc lộ 1A rất nhiều quán hoạt động tương tự như vậy. Người dân mong muốn UBND các huyện dọc tuyến đi qua Long An, Tiền Giang… cần có biện pháp chấn chỉnh các hàng quán hoạt động kinh doanh như quán Bảo Châu để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Phú Yên: Phát hiện hàng trăm thùng sữa hiệu Glucerna, Ensure không rõ nguồn gốc

Vào khoảng 17h ngày 7/5/2019, tại khu vực Trạm kiểm soát giao thông An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ một số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong đó đó có hàng trăm thùng sữa không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Xe chở số hàng hóa trên là xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 74B-00614. Tài xế điều khiển là Lê Thành Tín, (SN 1986), trú quán thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Xe được điều khiển lưu thông theo hướng Bắc vào Nam từ tỉnh Quảng Trị vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đến địa phận tỉnh Phú Yên tại khu vực trên thì bị kiểm tra và phát hiện có chở hàng hóa không hợp pháp.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, trên chiếc xe này chở 230 thùng sữa nhãn hiệu Glucerna và 100 thùng sữa nhãn hiệu Ensure.

Đáng chú ý trên nhãn mác của sữa nhãn hiệu Ensure có ghi rõ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (Không bán ở Việt Nam hoặc Mexico).

Ngoài các loại sữa này, trên xe còn có các mặt hàng khác như: lò nướng mang nhãn hiệu Panasonic; bàn là điện mang nhãn hiệu Philips. Toàn bộ số hàng hóa này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Lĩnh án chung thân vì thao túng chứng khoán

Ngày 7/5, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Cty CP Mỏ và xuất nhập khẩu miền Trung (MTM).

Theo truy tố, Cty MTM vốn do Nguyễn Văn Dĩnh làm chủ và không có hoạt động kinh doanh. Nhằm đưa MTM “lên sàn” để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư chứng khoán, Dĩnh đã chỉ đạo lập danh sách giả thể hiện MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần tương đương 310 tỷ đồng.

Tiếp đến, Dĩnh chỉ đạo người thân tới chi nhánh của một ngân hàng  làm giả chứng từ thể hiện MTM có cổ đông nộp tiền, có hoạt động kinh doanh. Các bị cáo được nhóm cán bộ, nhân viên ngân hàng này hạch toán dòng tiền của MTM qua các tài khoản nhằm lập chứng từ nộp - rút tiền, ủy nhiệm chi với mỗi giao dịch chỉ cách nhau vài phút…

Năm 2015, Dĩnh bị bắt vì trốn thuế ở Bắc Kạn nên phía MTM rút hồ sơ đăng ký. Lúc này, Trần Hữu Tiệp đã gặp vợ Dĩnh là Vũ Thị Hoa để tiếp nhận hồ sơ của MTM, đưa doanh nghiệp này “lên sàn”.

Tháng 4/2016, cổ phiếu MTM có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Upcom với giá tham chiếu 10.500 đồng/1 cổ phiếu. Các đối tượng biết MTM không thu hút nhà đầu tư nên đã lập 59 tài khoản tại nhiều Cty CP chứng khoán để tạo giao dịch ảo bằng cách liên tiếp đặt lệnh mua - bán, tạo cung cầu giả.

Trần Hữu Tiệp bị tuyên án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Văn Dĩnh nhận 4 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Còn lại, 13 bị cáo khác nhận từ 20 tháng tù treo tới 12 năm tù giam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.