Thứ sáu, 26/04/2024 05:21 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 08/06/2019 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 8/6/2019.

TP. HCM tăng kiểm tra giám sát nguồn thịt lợn vận chuyển vào địa bàn

Mỗi xe vận chuyển thịt lợn đi qua trạm đều được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại, kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch…

Nhằm ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi, rạng sáng 8/6, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra công tác giám sát nguồn thịt lợn vận chuyển vào Thành phố tại các chốt kiểm dịch động vật và các chợ đầu mối trên địa bàn.

Tại Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn - chốt chặn kiểm soát nguồn thịt lợn đưa về Thành phố Hồ Chí Minh từ tỉnh Tây Ninh, mỗi xe vận chuyển thịt lợn đi qua trạm đều được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại, kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch…

Ngoài ra, chốt kiểm dịch còn kiểm tra niêm phong hàng hóa và thực hiện tiêu độc khử trùng trước khi về thành phố. Trong trường hợp nghi ngờ thịt lợn không đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ hàng hóa và tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm.

Làm việc với Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đơn vị này tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt các phương tiện vận chuyển thịt lợn đi qua địa bàn, đảm bảo thịt lợn được vận chuyển về Thành phố an toàn, không mang mầm bệnh.

Còn tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, nơi bình quân mỗi đêm có khoảng 5.000 con lợn về chợ, sau đó phân phối đến toàn bộ các chợ, siêu thị thì công tác tuyên truyền vận động tiểu thương được Ban Quản lý chợ triển khai thường xuyên.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết đơn vị này đã phối hợp với Đội 9 của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố liên tục kiểm tra chất lượng thịt trước khi vào chợ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh trang thiết bị phục vụ công tác giết mổ đồng thời tăng gấp đôi tần suất tiêu độc khử trùng toàn bộ chợ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

“Hiện chúng tôi vẫn chưa phát hiện tiểu thương nào kinh doanh, buôn bán thịt lợn liên quan đến dịch tả lợn châu Phi nhưng nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương," ông Lê Văn Tiển cho hay.

Khởi tố nhiều nghi can trong đường dây sản xuất bao cao su giả

Ngày 7/6, Công an TP.HCM cho biết vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam nhiều nghi can trong đường dây buôn bán, sản xuất bao cao su giả, gel bôi trơn giả trên địa bàn TP.

Các nghi can gồm: Trương Chí Thành (cầm đầu đường dây), Phạm Thanh Tuyền, Đặng Lê Duy, Trần Xuân Nam (cùng ngụ TP.HCM).

Theo điều tra, ngày 29/5, đội trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ập vào nhiều địa điểm trên địa bàn TP.HCM bắt quả tang đường dây sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả do Thành cầm đầu.

Tại hiện trường, công an thu giữ lượng lớn hàng hóa và nguyên liệu sản xuất bao cao su, gel bôi trơn. Bước đầu xác định, lô hàng giả này có giá trị khoảng 6 tỉ đồng.

Theo lời khai của Thành, sau khi sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả, Thành bán sỉ cho nhiều khách trong đó có Truyền. Truyền tiếp tục phân lẻ bán ra thị trường hưởng chênh lệch. Nhằm phát triển quy mô, Truyền thuê Duy bán giúp với tiền lương 10 triệu đồng/tháng.

Trước đó, vào tháng 1/2019, Đội quản lý thị trường Q.12 đã phát hiện, thu giữ lô hàng bao cao su giả số lượng lớn của Thành. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xử lý, Thành cùng đồng bọn tiếp tục tái phạm.

Hàng loạt công ty du lịch Việt bị phạt vì không hiểu luật

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành không đọc quy định của Nghị định hoặc khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn những thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn. Trong khi đó, quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Nghị định 45/2019/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017. Các mức xử phạt đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động. Thực tế, cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành không đọc quy định của Nghị định hoặc khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn những thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn.

“Do đó, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phổ biến, hướng dẫn Nghị định 45/2019/NĐ-CP để các hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật, khống chế các hoạt động phi pháp, lộn xộn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị những bất cập trong quá trình triển khai để kiến nghị xử lý”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Được biết, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; 2- Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; 3- Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 4- Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.

Nghị định 45 cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân…

Lạng Sơn tăng cường kiểm soát nhập lậu tôm hùm đất

Cuối tháng 5 vừa qua, công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ gần 50kg tôm hùm đất đang trên đường vận chuyển từ hướng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị về Hà Nội.

Tại cơ quan chức năng, chủ xe ô tô BKS: 29B- 135.04 là bà Vũ Thị Nguyệt Nga ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã khai nhận: vận chuyển thuê từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị về Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh với giá 100.000đ/thùng.

"Số tôm này không phải của tôi mà tôi chở từ cửa khẩu về. Người ta giao cho tôi và tôi chỉ nhận chở thuê. Tôi biết loại tôm này nó không tốt, phá hoại mùa màng. Tôi chỉ nghĩ rằng nó qua được cửa khẩu thì nó không phải là hàng cấm", bà Nga nói.

Với hơn 231 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh xuất hiện tình trạng thẩm lậu tôm hùm đất qua biên giới vào sâu trong nội địa.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát khu vực biên giới. Đặc biệt là lực lượng Hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, khu vực đường mòn, lối mở.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.