Thứ năm, 28/03/2024 22:07 (GMT+7)

Tp.HCM: Vi phạm xây dựng và môi trường, bao giờ giải quyết dứt điểm?

Phạm Đăng -  Thứ ba, 26/05/2020 14:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng ô nhiễm môi trường và vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Hóc Môn, Tp.HCM đang là vấn đề nhức nhối.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương này có thời điểm diễn ra tràn lan, trở thành điểm nóng về xây dựng tại Tp.HCM. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, huyện này đã ghi nhận 118 trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Tuy nhiên, số trường hợp bị xử lý rất ít, có nhiều vụ vi phạm kéo dài nhiều năm mà không hề bị xử lý khiến người dân bức xúc. Điển hình, một cửa hàng điện máy trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng xây dựng sai phép hàng trăm mét vuông và đã có quyết định cưỡng chế từ tháng 5/2019 nhưng đến nay vẫn tồn tại và đưa vào kinh doanh tại một trong những vị trí đẹp nhất trên đường Phan Văn Hớn. Ngoài ra, một đơn vị kinh doanh mặt hàng điện tử có tiếng tăm khác cũng xây dựng cửa hàng lấn chiếm cả mốc lộ giới quy hoạch đường Phan Văn Hớn.

Cũng tại xã Xuân Thới Thượng, một công trình khác tới nay vẫn đang được xử lý là công trình nhà liền kề do ông L.V.D làm chủ đầu tư, theo giấy phép xây dựng số 3272/GPXD được UBND huyện Hóc Môn cấp ngày 30/8/2018. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng xây dựng sai nội dung thiết kế. Đến 15/8/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM đã ban hành quyết định cưỡng chế, trong đó yêu cầu chủ đầu tư bít hai cửa đi, tháo dỡ bốn cầu thang phát sinh.

Tại xã Thới Tam Thôn, từ phản ánh của người dân và báo chí, Sở Xây dựng Thành phố đã  yêu cầu UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo UBND xã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình do ông V.V.V - L.V.H làm chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại thửa đất 1905, ấp Đông, xã Thới Tam Thôn. Theo Sở Xây dựng, công trình này vi phạm khi có bốn cửa trổ ra phía trước (sai phép), đồng thời vi phạm lộ giới. Ngoài ra, tại ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, có Công ty Sản xuất bao bì nhựa Phúc Khang có hành vi xây dựng hàng trăm mét vuông nhà xưởng trái phép nhưng đến nay chưa bị xử lý.

Công ty Sản xuất bao bì nhựa Phúc Khang trong khu dân cư.

Tại ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, có hàng chục cơ sở giặt nhuộm và tái chế nhựa thường xuyên xả khói đen kịt và nước thải đổ thẳng ra những con kênh thoát nước. Tại ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, một số cơ sở sản xuất bao bì nhựa và cơ sở thuộc ngành in cũng đang bị người dân tố gây ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù đã phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng sự chậm trễ xử lý khiến người dân xung quanh chỉ biết “than trời” và chấp nhận sống chung với tình trạng trên. Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, hoạt động rầm rộ của các cơ sở này còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông khu vực, đường sá hư hại, công tác an ninh trật tự khu vực cũng không đảm bảo.

Các hoạt động tái chế nhựa trong Nhà máy.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường, trường hợp công ty sản xuất, tái chế phế liệu có hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì vấn đề xử lý sẽ căn cứ tại Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Thời gian qua, Thành ủy - UBND Tp.HCM đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý các công trình xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn Thành phố, trong đó, Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Huyện ủy Hóc Môn cũng có Nghị quyết 05 về tăng cường, chấn chỉnh về công tác trật tự xây dựng. Do đó, chúng tôi đề nghị lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý các vấn đề nêu trên, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và môi trường sống an toàn, trong lành cho người dân./.

Theo Luật Đầu tư 2014, kinh doanh sản xuất nhựa, bao bì nhựa không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cá nhân, tổ chức có thể tự do thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nhựa, bao bì nhựa tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nhựa, bao bì nhựa sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực tới môi trường, con người cũng như cảnh quan khu vực. Do đó, trước khi triển khai dự án sản xuất nhựa, bao bì nhựa phải chú trọng đến bước lập hồ sơ môi trường.

Nghị định 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường quy định các dự án xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa, hạt nhựa công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên thì phải đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ngược lại, dự án có công suất dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm thì lập Kế hoạch bảo vệ môi trường (KH BVMT).

Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Vi phạm xây dựng và môi trường, bao giờ giải quyết dứt điểm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.