Thứ bảy, 20/04/2024 04:15 (GMT+7)

Trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong sai phạm của CDC

MTĐT -  Thứ sáu, 24/04/2020 07:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, phải tiếp tục làm rõ có hay không sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có trách nhiệm khảo sát, đánh giá giá trị thiết bị y tế.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội vào sáng ngày 17/4, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói về một số biểu hiện sai phạm của CDC TP. Hà Nội trong việc mua sắm trang thiết bị xét nghiệm dịch Covid-19, trong đó có việc các bệnh viện và các trung tâm y tế không được dùng các trang thiết bị này phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thông thường.

7 bị can liên quan đến việc nâng giá thiết bị y tế bị cơ quan Công an bắt tạm giam.

“Sở Y tế phải thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ là tiến hành giao cho Sở Y tế mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện cũng như các bệnh viện. Chúng ta phải dự trữ chiến lược để phục vụ cho lâu dài”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, thống kê trên áp dụng với những gì mua sắm trong giai đoạn tháng 1, tháng 2; còn các quyết định mua sắm riêng lẻ sau đó đều bị hủy và giao Sở Y tế rà soát, mua tập trung.

“Trong quá trình chỉ đạo thì Ban Chỉ đạo rất sát sao về phòng chống dịch, nhưng Sở Y tế được giao toàn quyền trong vấn đề chỉ đạo công tác mua sắm”, theo ông Chung.

Như vậy, có thể thấy vai trò, trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc này khi được Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ giao cho mua sắm tập trung trang thiết bị xét nghiệm dịch Covid-19. Tuy nhiên, Sở Y tế đã có những chỉ đạo như thế nào để dẫn đến sai phạm “khủng khiếp” khi CDC Hà Nội khai khống tiền mua sắm thiết bị phòng dịch lên đến 4,7 tỉ đồng cho một thiết bị xét nghiệm. Việc mua sắm có được CDC Hà Nội báo cáo cho Sở Y tế biết theo phân cấp quản lý hành chính nhà nước cho đến thời điểm sai phạm được cơ quan Công an điều tra làm rõ.

Theo Quyết định số 4016/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 06/8/2018 về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trực thuộc Sở Y tế thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế…

Trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định hành vi của Giám đốc CDC Hà Nội và các đồng phạm trong việc nâng khống giá thiết bị y tế phòng dịch là việc làm vi phạm nghiêm trọng cả về pháp luật và đạo đức.

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã được huy động vào cuộc, tập trung rất cao độ cho nhiệm vụ này. Nhưng không thể vì thế mà bỏ quên, lơ là các công việc khác, ví dụ như việc kiểm tra, giám sát chi tiêu ngân sách cho các hoạt động thường xuyên, đặc biệt là với nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch.

“Mọi hoạt động dù cấp bách hay thường xuyên vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật. Nhất là trong việc mua sắm bằng ngân sách, phải đảm bảo nguyên tắc đấu giá, đấu thầu, xác minh thông tin giá thành, nguồn gốc tài sản. Đặc biệt, luôn phải có kiểm soát chặt chẽ, không thể vì tập trung chống dịch mà bỏ qua”, ông Vân lưu ý.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Theo ông, phải tiếp tục làm rõ có hay không sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có trách nhiệm khảo sát, đánh giá giá trị thiết bị y tế. Những vi phạm này xảy ra do sự thờ ơ, buông lỏng hay có thông đồng, cấu kết, tranh thủ khi tất cả đang tập trung chống dịch để làm bậy.

Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, là đơn vị chủ quản của CDC, việc mua sắm vật tư phòng dịch được giao toàn quyền cho Sở Y tế thực hiện. Việc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, cán bộ tiến hành các hoạt động trên là thực hiện công việc theo thẩm quyền được phân công và phải có trách nhiệm với công vụ nêu trên.

Là đơn vị chủ quản nhưng lại để cấp dưới của mình có dấu hiệu, có hành vi vi phạm thì Sở Y tế phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời phù hợp. Không những vậy, cần phải tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cán bộ liên quan và toàn tổ chức.

Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

“Trách nhiệm sai phạm của hành vi do các cá nhân thực hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, tổ chức chủ quản cũng phải tiến hành chấn chỉnh lại bộ máy của mình.

Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ các cá nhân thì một phần lỗi không thể chối cãi được đó là sự lơ là, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Do đó, các cơ quan, ban ngành cần phải nghiêm túc thực hiện công vụ và trách nhiệm của mình. Cần chú ý sát sao, tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các cấp dưới quyền trực tiếp để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Tùng nói.

Cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm nâng giá hệ thống xét nghiệm Realtime PCR từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng.

Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015:

– Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

7 đối tượng bị cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam, gồm:

– Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963 – Giám đốc CDC;

– Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979 – Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC;

– Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982 – nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC;

– Đào Thế Vinh, sinh năm 1975 – Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST);

– Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980 – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành;– Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986 – nhân viên Công ty

TNHH Phát triển khoa học Vitech;

– Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985 – nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

Chiều 23/4, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam; Sở Y tế đã phân công ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội điều hành hoạt động của CDC Hà Nội để đảm bảo duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ông Hạnh cũng là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội.

Theo Luật Sư VN

Bạn đang đọc bài viết Trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong sai phạm của CDC. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...