Thứ bảy, 20/04/2024 16:02 (GMT+7)

Trục lợi từ mua thiết bị chống Covid-19: Có dấu hiệu lợi ích nhóm?

MTĐT -  Thứ năm, 23/04/2020 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 bị can để điều tra hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội.

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Cuối chiều ngày 22/4, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 bị can để điều tra hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Vụ việc thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Các bị can gồm PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Theo C03, các bị can trong vụ án đã có hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Các đối tượng bị bắt giam trong vụ việc xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội (Ảnh: CQCA)

Cụ thể, từ đầu năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng, chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp trên.

Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội đưa vào với giá hơn 7 tỉ đồng/hệ thống, cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Được biết, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, tuy nhiên qua xác minh cho thấy các hệ thống Realtime PCR tự động có giá trị thực tế chỉ hơn 4 tỉ đồng.

Điều này cho thấy, CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc ngoặc với nhau đẩy giá lên cao để trục lợi khoản chênh lệch. Hiện, C03 đang tiếp tục làm rõ vai trò các bị can trong vụ án cũng như hành vi trục lợi cá nhân để thu hồi tài sản cho nhà nước.

Cần xử lý nghiêm 

Vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn còn là mối nguy hoại cho toàn xã hội thì công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân (đặc biệt như những hành vi phạm tội vừa bị phát hiện tại Trung tâm CDC Hà Nội) cần phải được xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Có như thế, dư luận mới có niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trao đổi với Zing dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nhóm bị can trong đó có 3 cán bộ CDC Hà Nội là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật.

Tuy nhiên, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị can gây bất bình dư luận, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang phòng chống dịch Covid-19.

Luật sư cho rằng trong vụ án này, các bị can đã có hành vi phạm tội cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc của nhóm lợi ích. Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan.

Nếu đủ căn cứ quy kết về tội danh như trên, các bị can có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 5 năm sau đó.

Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là tình tiết bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ông Cường nhận định các bị can sẽ đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể với khung cao nhất của tội danh.

Theo luật sư Cường, Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với kẻ đầu cơ, trục lợi hay lợi dụng dịch bệnh để phạm tội.

Luật sư cho rằng việc các bị can câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 đó là dấu hiệu của sự trục lợi.

Trường hợp có căn cứ xác định các bị can đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận trong đấu thầu hoặc không công bằng, minh bạch trong đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-12 năm.

Trong trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị can đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, theo quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, quá trình điều tra mở rộng nếu cơ quan tố tụng xác định vụ án có đồng phạm thì sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, xác định ai là chủ mưu, ai giúp sức? Thậm chí, nếu cơ quan tố tụng thấy có dấu hiệu của tội danh khác thì cần khởi tố bổ sung để làm rõ.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Trục lợi từ mua thiết bị chống Covid-19: Có dấu hiệu lợi ích nhóm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ