Thứ năm, 28/03/2024 23:30 (GMT+7)

Bị đơn thay đổi nơi cư trú trong quá trình khởi kiện vụ án dân sự

MTĐT -  Thứ năm, 17/09/2020 11:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Câu hỏi: Toà yêu cầu tôi phải sửa đổi bổ sung Đơn khởi kiện phần địa chỉ nơi cư trú của bị đơn. Trong đơn khởi kiện tôi ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú theo CMND của bị đơn, tuy nhiên có thể bị đơn cư trú ở nhiều nơi nên Toà án không liên lạc được do gửi nhiều tống đạt nhiều giấy tờ về địa chỉ tôi ghi trong đơn khởi kiện mà không có ai nhận. Xin được giải đáp và làm rõ.

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về các nội dung chính trong đơn khởi kiện, trong đó phải có nội dung về nơi cư trú của người bị kiện: “Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện”.

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số: 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn về xác định nơi cư trú thì:

Điều 5. Về địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

  1. Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.”

Căn cứ vào Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013:

“Điều 12. Nơi cư trú của công dân

  1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

  1. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.”

Căn cứ vào Điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về việc Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.”

Như vậy, đối với trường hợp trong đơn khởi kiện của bạn đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Nếu họ thay đổi nơi cư trú mà không báo với cơ quan có thẩm quyền về cư trú mà không nhằm mục đích che dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với bạn thì thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện, và yêu cầu bạn thực hiện việc bổ sung nơi cư trú hiện tại, nơi cư trú đó có thể nơi người đó đang sinh sống theo quy định của Khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Khoản 1 Điều 5 và Điều 6 Nghị quyết số: 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.    

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Bị đơn thay đổi nơi cư trú trong quá trình khởi kiện vụ án dân sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.