Thứ sáu, 19/04/2024 18:28 (GMT+7)

Cho mượn đất nhưng người mượn không trả lại thì phải làm thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 18/05/2020 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giải quyết tranh chấp thì trước tiên bạn phải nộp Đơn đề nghị hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai đến UBND cấp xã nơi có đất để được hoà giải theo quy định của Điều 202 Luật Đất đai năm 2013

Câu hỏi: Tôi và gia đình đi khai hoang ở Hoà Bình từ những năm 1956 theo chủ trương của đảng và nhà nước, đi làm kinh tế. Năm 1986 gia đình tôi đang quản lý 3 thửa đất, trong đó có thửa đất có diện tích hơn 2.100m2; thấy gia đình bà X khó khăn, chúng tôi đã cho bà mượn 1000 m2 để trồng hoa màu, cây ăn quả. Tình hình kinh tế phát triển, đường xá giao thông được mở rộng do quy hoạch nên đất của gia đình tôi nằm cạnh mặt tiền, nên bà X đã nổi lòng tham, không trả lại và lấy làm tài sản riêng. Hiện nay đất chưa có sổ đỏ, chỉ có sổ mục thông kê năm 1995 điền tên bà X đang quản lý, xin hỏi tôi phải làm thế nào để lấy lại thửa đất của gia đình đã cho mượn, việc cho mượn không giấy tờ, chỉ có người dân xung quanh làm chứng!

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn khai hoang một thửa đất có diện tích hơn 2.100m2 và trong quá trình sử dụng đã cho bà X mượn 1.000m2 để canh tác, trồng cây, tăng gia sản xuất… Tuy nhiên, việc cho mượn đất là không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào, mà việc cho mượn chỉ bằng lời nói tại thời điểm đó và có người làm chứng.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì khi giải quyết tranh chấp đất đai thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết phải xác định xem hồ sơ, giấy tờ về quyền sử dụng đất của các bên trong tranh chấp cung cấp. Căn cứ vào Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; Điều 18, 21 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP thì Sổ Mục kê năm 1995 không phải là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, mà Sổ Mục kê năm 1995 chỉ là giấy tờ chứng minh thời điểm sử dụng đất theo quy định của điểm i khoản 2 Điều 21 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP.

Để giải quyết tranh chấp thì trước tiên bạn phải nộp Đơn đề nghị hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai đến UBND cấp xã nơi có đất để được hoà giải theo quy định của Điều 202 Luật Đất đai năm 2013: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Về trình tự, thủ tục của việc hoà giải tại cơ sở sẽ được thực hiện theo Điều 88 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 57 Điều 2 Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP quy định của Chính phủ về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất.

Trong quá trình giải quyết hoà giải, bạn có thể đề nghị UBND cấp xã nơi có đất rà soát lại toàn bộ hồ sơ địa chính về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất qua các thời kỳ; cũng như đề nghị những người làm chứng, sử dụng đất cùng thời điểm đó để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bạn trong quá trình giải quyết.

Trong trường hợp, việc hoà giải không thành giữa các bên trong tranh chấp thì khi đó bạn có thể lựa chọn một trong hai cơ quan sau đây để yêu cầu giải quyết, cụ thể:

Thứ nhất, Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện. Khi đó, Chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Thứ hai, Khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện nơi có đất theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để được giải quyết.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Cho mượn đất nhưng người mượn không trả lại thì phải làm thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...