Thứ ba, 23/04/2024 13:46 (GMT+7)

Điều kiện chuyển nhượng QSDĐ và rủi ro khi lập vi bằng khi giao dịch

MTĐT -  Thứ hai, 24/06/2019 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Câu hỏi: Có một thửa đất gia đình tôi định mua, cụ thể: diện tích 34m2, hướng tây nam, nhưng đất chưa có sổ đỏ, và bên bán cũng không có ý định làm, gia đình tôi muốn mua để mở cửa hàng. Nhưng đang rất sợ, mua không có sổ sau nay kiện cáo hay tranh chấp gì thì quyền lợi nhà tôi bị thiệt, chỉ mỗi viết tay sẽ không đem lại căn cứ gì khi mà giá đất sẽ tăng theo thời gian.

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với quy định pháp luật tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cụ thể người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

+/ Thứ nhất, Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013;

+/ Thứ hai, Đất không có tranh chấp;

+/ Thứ ba, Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

+/ Thứ tư, Trong thời hạn sử dụng đất.

          Do đó, trong trường hợp của bạn thì người bán không đáp ứng điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên sẽ không thể thực hiện việc chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp bạn và người bán, mua bán đất bằng giấy tờ viết tay thì sẽ không đảm bảo quyền lợi của bạn vì sẽ không được pháp luật bảo vệ, công nhận quyền sử dụng đất khi xảy ra tranh chấp. Hơn nữa, cũng dễ xảy ra trường hợp một thửa đất được bán bằng giấy tờ viết tay cho nhiều người, có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

          Nếu thực sự gia đình bạn vẫn mong muốn và thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thì bạn có thể cân nhắc, xem xét việc lập vi bằng cho giao dịch này do Thừa phát lại lập để đảm bảo về việc có tồn tại giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao nhận tiền, bàn giao đất giữa các bên trên thực tế. Theo đó, bản chất của vi bằng chỉ là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện chuyển nhượng, hành vi giao nhận tiền, bàn giao đất trên thực tế, vi bằng được dùng làm chứng cứ trong xét xử của Tòa án và trong các quan hệ pháp lý khác (Điều 28 Nghị định số: 61/2009/NĐ-CP) chứ không chứng nhận nội dung của giao dịch đó là hợp pháp, cũng không phải là cơ sở để chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Số 184, đường 19/5, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Điều kiện chuyển nhượng QSDĐ và rủi ro khi lập vi bằng khi giao dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới