Thứ sáu, 19/04/2024 13:40 (GMT+7)

Định khung chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng từ rác thải

MTĐT -  Thứ sáu, 06/07/2018 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 5/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn.

Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2877/QĐ-UBND ngày 4/6/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bán kính từ trên 500m - 1.000m được quy định tại Quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 7/2/2014.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng riêng cho khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn) và có hiệu lực đến hết năm 2016. Quyết định này sau đó đã được UBND TP cho phép gia hạn đến khi Quyết định mới có hiệu lực.

Trên thực tế hiện TP còn có một số khu xử lý tập trung chất thải rắn khác ngoài khu Nam Sơn. Công tác quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải tập trung của TP đang có xu hướng mở rộng vùng ảnh hưởng đến người dân và người lao động tại một số địa phương.

Do đó, việc ban hành quy định thống nhất mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải trên địa bàn TP.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai nghiên cứu, đề xuất ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường để thống nhất thực hiện, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho người dân sinh sống, làm việc trong vùng ảnh hưởng môi trường của các khu xử lý chất thải rắn.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Quy định về chính sách hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường là cơ chế chính sách đặc thù của TP Hà Nội trên cơ sở vận dụng các quy định hiện có về môi trường và các văn bản pháp lý có liên quan, hiện nay chưa có tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nào trên cả nước thực hiện, ngoại trừ một số quyết định bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố môi trường cho người dân sinh sống gần các khu xử lý chất thải theo chế độ bồi thường, hỗ trợ 1 lần như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An...

Tại Tờ trình Liên ngành số 11383/TTr-LN ngày 29/12/2017, Sở TN&MT, Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khoá XV, UBND TP tiếp tục trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghị quyết đã được HĐND TP Hà Nội thông qua với tên chính thức: Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP Hà Nội.

Nghị quyết có một số điều chỉnh quan trọng về phạm vi ảnh hưởng, và đối tưởng được hưởng hỗ trợ. Cụ thể, phạm vi được hưởng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường của các đối tượng sẽ từ 0 - 500m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô nhỏ và vừa); từ 0 - 1.000 m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô lớn và rất lớn, tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ có nhà ở nằm trong phạm vi ảnh hưởng, hiện đang sinh sống ở khu vực thuộc phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trong phạm vi nêu trên.

Người mới sinh, về chung sống, cư trú với vợ (chồng) trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường có hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú theo đúng quy định tại Điều 12 Luật Cư trú.

Đối tượng không đăng ký hộ khẩu thường trú, là cán bộ, công chức, viên chức hoặc học sinh, sinh viên, người lao động có họp đồng lao động ký với đơn vị, cơ quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lao động nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, nằm trong danh sách đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội tại đơn vị, cơ quan sử dụng lao động nêu trên; hiện đang làm việc liên tục trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 tại các đơn vị, cơ quan này; đồng thời chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng do đơn vị sử dụng lao động chi trả theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 thì được hưởng hỗ trợ.

Mức hỗ trợ đối với các trường hợp làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng 100% mức hỗ trợ theo vùng tương ứng; làm việc dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức hỗ trợ theo vùng ảnh hưởng môi trường tương ứng.

Đối với các trường họp làm thêm giờ hoặc làm ca, mức hỗ trợ được tính tương ứng với số giờ làm thêm (đối với trường hợp làm thêm giờ) hoặc số giờ trong 1 ca (đối với trường họp làm theo ca) theo nguyên tắc trên.

Đổi tượng có nhà nằm ngoài vùng ảnh hưởng môi trường nhưng có đất canh tác nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường, vẫn thường xuyên lao động, sản xuất nông, lâm nghiệp, đã được chính quyền địa phương xác nhận.

Theo Kinh tế đô thị

Bạn đang đọc bài viết Định khung chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng từ rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?