Thứ năm, 25/04/2024 18:56 (GMT+7)

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ -  Thứ hai, 31/05/2021 09:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kết quả kiểm kê khí nhà kính mới nhất cho thấy, năng lượng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam được gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9/2015, trước khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua. Tại thời điểm này, INDC của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác là các dự kiến đóng góp cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định đã trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và sẽ được rà soát, cập nhật 5 năm một lần.

Hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VĂN BÌNH

Thực hiện quy định quốc tế và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung NDC cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại văn bản số 1982/VPCP-QHQT. NDC cập nhật đã xác định những đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam cam kết, phù hợp hơn với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai, Cụ thể là:

Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 được xác định cho các lĩnh vực như sau:


Lĩnh vực năng lượng: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất và sử dụng năng lượng trong các phân ngành công nghiệp năng lượng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.

Lĩnh vực nông nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.

Lĩnh vực quản lý chất thải: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.

Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu

NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực.


NDC cập nhật đã bổ sung nội dung về “Hài hòa và đồng lợi ích”, phân tích tính hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích đối với việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các ngành và địa phương.

Triển khai và giám sát thực hiện NDC cập nhật

Việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

1- Tổ chức triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ, quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô, ngành nghề sản xuất tại địa phương và phạm vi quản lý nhằm góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. Đối với các Bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan có thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

2- Thực hiện lồng ghép các nội dung NDC cập nhật vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung NDC cập nhật.


3- Tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện NDC cập nhật, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Biến đổi khí hậu) trước ngày 15/1 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Các nỗ lực giảm nhẹ được đánh giá theo kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tiềm năng; các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu được đánh giá theo quá trình triển khai và kết quả thực hiện thông qua các nhóm chỉ số về khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên; đánh giá tính dễ bị tổn thương, giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu; đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng.

Tại điều 91, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 tới đây quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể:

1. Các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCS), perfluorocarbons (PFCS), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen, trifluoride (NF3).

2. Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;

b) Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;

c) Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phạt thải khí nhà kính;

d) Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

Xây dựng các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng. Ảnh TL


3. Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia 02 năm một lần;

c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

5. Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;

c) Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

đ) Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.


6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

7. Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

c) Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Bạn đang đọc bài viết Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.