Thứ năm, 25/04/2024 11:27 (GMT+7)

Hết thời hiệu yêu cầu Toà chia di sản thừa kế thì giải quyết thế nào

MTĐT -  Thứ ba, 26/05/2020 13:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Câu hỏi: Bố mẹ tôi qua đời cũng được hơn 40 năm nay, di sản để lại của ông bà gồm 2 thửa đất, và các công trình trên đất, tôi là chị cả, gần đây đứa em gái út quay lại đòi đứa em trai của tôi, cũng là anh trai của nó chia 3 phần tài sản mà các cụ để lại cho. Tôi được biết, thời hiệu chia là 30 năm, xin hỏi khi đưa ra toà thì phân chia kiểu gì?

Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu phân chia di sản, cụ thể:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Theo quy định nên trên thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”.
Không những thế, tại Mục 2.4 của Nghị quyết số: 02/2004/NQ-HĐTP thì: “Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.”

Như vậy, trường hợp em trai bạn yêu cầu Toà án áp dụng thời hiệu vào để giải quyết vụ việc trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì quan hệ tranh chấp sẽ là tranh chấp tài sản chung là di sản của bố mẹ bạn để lại. Khi đó, việc phân chia sẽ áp dụng các quy định của pháp luật dân sự về chia tài sản chung để giải quyết.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.
Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, phường Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected] 

Bạn đang đọc bài viết Hết thời hiệu yêu cầu Toà chia di sản thừa kế thì giải quyết thế nào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành