Thứ bảy, 20/04/2024 10:44 (GMT+7)

Khung khổ pháp luật môi trường còn nhiều thiếu sót

MTĐT -  Thứ năm, 13/02/2020 15:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tranh chấp về môi trường có tính thời sự, phức tạp chỉ sau tranh chấp về đất đai nhưng khung khổ PL, cơ chế và biện pháp thực thi khởi kiện, đòi bồi thường do ô nhiễm môi trường còn nhiều thiếu sót.

                                                                          Ảnh minh hoạ

Khó khởi kiện tranh chấp ra tòa án

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Chủ tịch Công ty Tư vấn Vietpro cho biết: Qua việc tham gia vào các vụ án về môi trường liên quan đến việc xả thải nước và khói của Công ty giấy Bắc Hà tại thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho thấy, mặc dù các tình tiết của vụ án khá rõ ràng như có hành vi gây ô nhiễm môi trường, có thiệt hại phát sinh, cơ quan chính quyền đã tiến hành xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm, đồng thời các luật sư có kinh nghiệm và tận tâm giúp đỡ, bao gồm cung cấp toàn bộ dịch vụ miễn phí và hỗ trợ án phí, các hộ dân là nạn nhân của hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn ở thế rất yếu và bất lợi khi khởi kiện dân sự và tranh tụng tại tòa án nhằm đồi bồi thường thiệt hại theo tranh chấp ngoài hợp đồng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, nếu không có sự hỗ trợ về pháp luật, bao gồm các quy định rõ ràng, cụ thể, thuận lợi cho việc khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại và có luật sư trợ giúp thì những người dân nghèo là nạn nhân – bên bị hại trong các vụ ô nhiễm môi trường rất khó có điều kiện khởi kiện tranh chấp ra tòa án, hoặc nếu khởi kiện thì cũng rất khó để theo đuổi vụ kiện đến cùng và thắng kiện.

Qua vụ án môi trường ở tỉnh Bắc Giang, luật sư Nguyễn Tiến Lập và cộng sự đề xuất các khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế và biện pháp thực thi liên quan đến khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bao gồm các nội dung về: Quyền khởi kiện, nhập án và khởi kiện tập thể, nghĩa vụ chứng minh, giám định hậu quả, chi phí tố tụng, trợ giúp pháp lý, xử phạt hành chính, trách nhiệm của chính quyền, hòa giải và trọng tài, thủ tục tố tụng rút gọn.

Quy định trách nhiệm của UBND cấp xã

Hiện nay, quyền khởi kiện thay cho bên bị hại mới được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Còn đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường có tính chất tương tự với số đông người bị hại có dân trí thấp, e ngại khởi kiện vụ án thì lại chưa quy định cụ thể. Do đó, cần mở rộng trao quyền cho phép tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư được chủ động khởi kiện bảo vệ lợi ích của nhiều người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

Về xử phạt hành chính, theo Luật xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, khi xử phạt vi phạm cơ quan chính quyền có thể yêu cầu người vi phạm khắc phục hậu quả hành vi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, biên bản thanh tra, xử phạt lại không có phần xác định hậu quả, bao gồm tình trạng suy thoái môi trường và thiệt hại vật chất, ít nhất ở mức độ chung như thế nào, ở đâu và cho ai.

Các nạn nhân ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều khó khăn khi khởi kiện, bởi nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa bị xử phạt hành chính thì không thể chứng minh vi phạm pháp luật, hoặc nếu có quyết định xử phạt nhưng không bao gồm việc xác định hậu quả và thiệt hại vật chất thì rất khó chứng minh lỗi của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp gây ô nhiễm không e sợ các quyết định xử phạt hành chính.

Hay như vấn đề về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Nghị định 03/2015/NĐ-CP quy định trách nhiệm đánh giá để xác định hậu quả, thiệt hại do ô nhiễm môi trường của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, chưa có nội dung về quyền của người dân được yêu cầu các cơ quan này cung cấp thông tin về việc đánh giá này. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của UBND xã trong việc hỗ trợ người dân lập biên bản hành vi gây ô nhiễm, tính toán và kê khai các thiệt hại vật chất, sức khỏe và tính mạng theo thông lệ tại địa phương.

Và UBND xã cần được coi là người làm chứng bắt buộc trong các vụ án dân sự về môi trường, bởi thực tế cho thấy vai trò của UBND xã rất quan trọng, là cơ quan nắm sát tình hình đời sống, tài sản của người dân cũng như các hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thái độ của UBND xã hiện nay khá thụ động và tránh né khi ứng xử với các yêu cầu hỗ trợ của người dân.

Theo báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Khung khổ pháp luật môi trường còn nhiều thiếu sót. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ