Thứ tư, 24/04/2024 13:06 (GMT+7)

Làm gì khi phát hiện Bản án đã có hiệu lực vi phạm pháp luật

MTĐT -  Thứ sáu, 19/07/2019 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm ........"

Câu hỏi: Gia đình tôi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết về quyền sử dụng đất, tuy nhiên tôi biết được thẩm phán đã nhận tiền của phía bị đơn nên xử rất vô lý và trái quy định của pháp luật, không căn cứ vào hồ sơ tôi cung cấp, xử một phía. Nên sau khi có bản án sơ thẩm tôi đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm lên Tòa án tỉnh Bắc Ninh để yêu cầu giải quyết. kết quả ngày 08 tháng 7 năm 2019 Tòa án giữ nguyên Bản án sơ thẩm, bác yêu cầu kháng cáo của gia đình tôi. Xin hỏi, tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của tôi, tôi muốn kêu cứu lên thủ tưởng chính phủ và một số cơ quan khác trên báo chí, mong nhận được câu trả lời, hướng tư vấn phù hợp, tôi xin cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

          Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Như vậy, trong trường hợp của bạn thì nếu có căn cứ, phát hiện Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh vi phạm nghiêm trọng pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyển xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Cụ thể, giám đốc thẩm là việc xét lại Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định của pháp luật.

          Căn cứ vào Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong ba căn cứ sau đây:

+/ Thứ nhất, Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

+/ Thứ hai, Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

+/ Thứ ba, Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra Bản án không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

          Trong trường hợp của bạn, nhận thấy và có đủ chứng cứ chứng minh kết luận trong Bản án không phù hợp với những chứng cứ, tình tiết khách quan trong vụ án mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có quyền đề nghị bằng văn bản với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và/hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

          Về trình tự, thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Bước 1: Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Bước 2: Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung chính theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

Bước 3: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Lưu ý: Trường hợp được Bản án được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của Bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của Bản án đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline, KĐT Văn Quán, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Làm gì khi phát hiện Bản án đã có hiệu lực vi phạm pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.