Thứ bảy, 20/04/2024 05:31 (GMT+7)

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12

MTĐT -  Thứ hai, 02/12/2019 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt chính sách mới như: Siết chặt quy định đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, chỉ còn 4 đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất… là một số chính sách có hiệu lực từ tháng 12 này.

4 đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất

Theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất, chỉ còn 4 đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12.

Trước đây, hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính cũng sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Siết chặt quy định đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe

Thông tư 38 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ có thêm nhiều quy định nhằm siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

Theo quy định của Thông tư, từ 1/1/2020, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Cũng từ thời điểm này, trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải.

Từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ôtô (trừ hạng B1).

Từ 1/6/2020, cấp Giấy phép lái xe mới có mã QR. Giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn sẽ có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên giấy phép.

Thông tư có hiệu lực từ tháng 1/12/2019.

Thu, hủy Chứng minh nhân dân hỏng, bong tróc

Trình tự cấp thẻ Căn cước công dân đã được Bộ Công an sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 48, có hiệu lực từ ngày 1/12.

Thông tư quy định khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại trong công dân trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ Căn cước công dân qua chuyển phát nhanh.

Với những Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc là điểm mới so với quy định trước đây.

Một điểm mới khác là công dân có thể kê khai thông tin trực tuyến khi làm Căn cước công dân.

Cụ thể, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết tờ khai theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến).

Nếu đã kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì in tờ khai Căn cước công dân để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.

Tăng mức phạt 10 lần nếu cạnh tranh không lành mạnh

Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1/12 đã tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần.

Cụ thể, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 1 tỉ đồng với cá nhân (trước đây 100 triệu đồng) và 2 tỉ đồng với tổ chức (trước đây 200 triệu đồng). Mức phạt đối với một số vi phạm điển hình như tiết lộ bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bị phạt 200-300 triệu đồng; cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt 100-200 triệu đồng…

Ngoài bị phạt tiền, còn áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung khác như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tịch thu khoản lợi nhuận có được do vi phạm...

Giảm mạnh mức phạt mua, bán ngoại tệ ở tiệm vàng

Có hiệu lực từ ngày 31/12, Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép.

Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 đến 100 triệu đồng, nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó, phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD; phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị 1.000-10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD mà tái phạm.

Nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đến 100.000 USD sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng; ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...