Thứ năm, 25/04/2024 11:17 (GMT+7)

Phân chia di sản thừa kế và những điều cần biết

MTĐT -  Thứ tư, 15/04/2020 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bố mẹ tôi mất, để lại một số bất động sản là nhà đất thì trong quá trình các con cái phân chia di sản thừa kế thì tôi là người thừa kế thì cần phải lưu ý những gì?

Câu hỏi: Bố mẹ tôi mất, để lại một số bất động sản là nhà đất thì trong quá trình các con cái phân chia di sản thừa kế thì tôi là người thừa kế thì cần phải lưu ý những gì? Nhà đất thì phải phân chia kiểu gì cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người thừa kế. Cám ơn!

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự thì Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Về nguyên tắc thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Do đó, khi phân chia di sản thừa kế thì bạn phải lưu ý và xem xét các vấn đề sau, để đảm bảo phù hợp và đúng quy định pháp luật:

+/ Đầu tiên, Phải xác định người để lại di sản trước khi mất có để lại di chúc hay không? Nếu có thì phải xem xét tính hiệu lực của di chúc theo quy của Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015;

 +/ Tiếp theo, Ai sẽ là người đứng ra phân chia di sản thừa kế. Theo quy định của Điều 657 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người phân chia di sản thừa kế có thể là người đã được chỉ định rõ ràng trong di chúc hoặc có thể là người được các đồng thừa kế thỏa thuận cử ra.

+/ Thứ ba, Cách thức phân chia di sản thừa kế là gì. Phân chia di sản theo pháp luật và/hoặc theo di chúc. Căn cứ vào quy định tại Điều 659, 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp trong di chúc đã xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Mặt khác, trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Còn đối với trường hợp mà khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì người phân chia di sản phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng và phần này sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

+/ Thứ tư, Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan tới thừa kế. Bạn và các thừa kế khác cần phải xem xét về các chi phí như mai táng cho người để lại di sản là bao nhiêu, hiện nay người đã mất có còn phải tiếp tục cấp dưỡng cho ai khác không, người đã mất có nợ nần ai khác không, có phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế hay trách nhiệm nào với Nhà nước hay không,…để thực hiện nốt các nghĩa vụ đó trước khi hưởng di sản.

+/ Thứ năm, Cần xem xét có thuộc trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế hay không? Bởi theo Điều 661 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định và chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Hoặc trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế của người đã mất mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

+/ Ngoài ra, cũng nên lưu ý trường hợp có người thừa kế mới sau khi đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hoặc trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+/ Đối với trường hợp khi phân chia di sản có nhà và đất mà có nhiều người được hưởng thì giải quyết như sau:

Bạn cần căn cứ vào di chúc của người để lại di sản để biết rõ ràng, chi tiết về việc phân chia. Trường hợp không rõ ràng thì bạn và những người thừa kế có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì bạn và những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, phường Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Phân chia di sản thừa kế và những điều cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành