Thứ sáu, 29/03/2024 19:12 (GMT+7)

Sổ đỏ đứng tên người đã mất thì phải làm thế nào?

MTĐT -  Thứ bảy, 15/08/2020 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 gồm: vợ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi (nếu còn sống), con đẻ, con nuôi có quyền được hưởng di sản thừa kế.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Câu hỏi: Bố mẹ tôi có mảnh đất đã được UBND huyện Văn Lâm cấp sổ đỏ, đứng tên bố mẹ tôi, năm 2018 ông qua đời do một vụ tai nạn, hiện nay đất cả gia đình muốn làm thủ tục đứng tên mẹ tôi, tất cả anh chị em đều đồng ý từ chối nhận di sản để mẹ tôi đứng ra làm thủ tục và sở hữu, sau này muốn cho ai là quyền của mẹ tôi. Xin hỏi chúng tôi phải làm những gì để đất đứng tên mẹ tôi?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di sản thừa kế thì trường hợp của bố bạn trước khi mất đã không để lại di chúc và di sản mà ông để lại là ½ giá trị thửa đất hiện nay đang đứng tên bố mẹ bạn. Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 gồm: vợ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi (nếu còn sống), con đẻ, con nuôi có quyền được hưởng di sản thừa kế của bố bạn để lại.

Tuy nhiên, trong trường hợp này mọi người, tức những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều từ chối nhận di sản để cho mẹ bạn đứng ra toàn quyền sử dụng, và đứng tên trên GCNQSDĐ thì căn cứ vào Điều 620 BLDS năm 2015:

Điều 620. Từ chối nhận di sản

  1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
  2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
  3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Theo quy định trên thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất phải làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế và việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Lúc này, gia đình bạn sẽ ra Văn phòng hoặc Phòng Công chứng tại địa phương để thực hiện công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định tại Điều 58, 59 Luật Công chứng năm 2014:

Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

  1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
  2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.
  3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.”

Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì Tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện việc niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã nơi có đất trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết theo quy định Điều 18 Nghị định số: 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

Sau đó, bạn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ để nộp tại Bộ phận một cửa của Chi nhánh VPĐKDĐ cấp huyện nơi có đất, hồ sơ gồm: GCNQSDĐ (Bản gốc); Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế đã được niêm yết (Bản gốc); CMND/CCCD và Sổ hộ khẩu (Bản sao có chứng thực của mẹ bạn); Đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế; Giấy chứng tử của bố bạn (Bản sao); Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Sổ đỏ đứng tên người đã mất thì phải làm thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới