Thứ bảy, 20/04/2024 06:21 (GMT+7)

Trình tự tham gia phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ

MTĐT -  Thứ hai, 17/08/2020 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những điều cần biết trước khi tham gia Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải?

Câu hỏi: Tôi và chồng tôi đứng đơn khởi kiện tranh chấp nhà đất, Toà án tỉnh Nam Định đã thụ lý từ tháng 6/2019 bằng thông báo thụ lý số 288/TB-DSST, hôm qua tôi mới nhận được giấy mời của Toà án tham gia phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ. Cho tôi hỏi, thủ tục này theo pháp luật là như thế nào? Trước khi đi tôi cần phải chuẩn bị những gì để phù hợp, hãy tư vấn cho tôi để tôi có thể hiểu và nắm bắt các quy định cho cuộc làm việc đạt hiệu quả.
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Theo đó, hiện nay vợ, chồng bạn đang khởi kiện tranh chấp đất đai với vai trò là Nguyên đơn trong vụ án, đã được Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xem xét, thụ lý và giải quyết.
Căn cứ vào Điều 208 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
Đối với trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Thẩm phán chỉ tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
- Về thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải gồm:
+/ Thẩm phán chủ trì phiên họp;
+/ Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;
+/ Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
+/ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
+/ Người phiên dịch (nếu có).
Lưu ý: Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự (khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
Về trình tự của Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
- Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ:
Bước 1: Trước khi tiến hành phiên họp, Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định.
Bước 2: Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:
+/ Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
+/ Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
+/ Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
+/ Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.
Bước 3: Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.
- Thủ tục tiến hành hòa giải được thực hiện như sau:
Bước 1: Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

Bước 2: Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);


Bước 3: Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);


Bước 4: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
Người khác tham gia phiên họp hòa giải (nếu có) phát biểu ý kiến;


Bước 5: Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất bằng biên bản.
Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Trình tự tham gia phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...