Thứ sáu, 29/03/2024 17:39 (GMT+7)

Vắng mặt trong quá trình hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã

MTĐT -  Thứ tư, 14/08/2019 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành...

Câu hỏi: Tôi đã gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đến UBND xã, Phòng Tài nguyên môi trường, văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, hiện nay mọi đơn đều hướng dẫn tôi làm thủ tục hòa giải tại UBND xã. Sau nhiều lần lên làm việc mà phía bị đơn luôn vắng mặt không chịu lên xã tham gia giải quyết và cung cấp chứng cứ thì phải xử lý như thế nào. Xin hỏi pháp luật quy định về việc vắng mặt, không tham gia hòa giải bao nhiêu lần thì chúng tôi được quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết.

(Anh Nông Ngọc Hưng - xã Hòa Phú - Chiêm Hóa)

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì khi xảy ra tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên trong vụ việc tranh chấp tự hòa giải, tìm tiếng nói chung để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng tự thỏa thuận giữa các bên trong vụ việc dân sự. Trong trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì trước khi khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết hoặc yêu cầu UBND cấp huyện nơi có đất giải quyết, các bên phải gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013).

Theo thông tin bạn cung cấp, đưa ra thì hiện nay trong vụ việc giải quyết tranh chấp đất đai của bạn đang trong quá trình hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất. Cụ thể là giai đoạn đầu của giải quyết tranh chấp đất đai, do đó, việc hòa giải phải có sự tham gia của các bên có tranh chấp trong vụ việc tranh chấp. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 88 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai thì: “Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành”.

Vì vậy, trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành. Khi đó, UBND cấp xã đang giải quyết vụ việc này phải có trách nhiệm lập Biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo là Tòa án nhân dân hoặc UBND cấp huyện. Cụ thể như sau:

+/ Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

+/ Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai là: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Lưu ý: Việc một trong các bên vắng mặt có lý do trong quá trình giải quyết hòa giải tại UBND cấp xã sẽ vẫn được chấp nhận nếu lý do là chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh

Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961.272.396

Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Vắng mặt trong quá trình hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ