Thứ sáu, 29/03/2024 15:15 (GMT+7)

Vụ tranh chấp di sản thừa kế: 5 phiên tòa vẫn không thỏa đáng!

Hoàng Nam -  Thứ ba, 18/08/2020 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bản án dân sự “Tranh chấp hợp đồng mua bán và tranh chấp chia di sản thừa kế” do TAND Q.11, TP.HCM thụ lý xét xử kéo dài gần 10 năm từ 2011 đến nay, qua 5 phiên tòa, nhưng bị đơn vẫn liên tục kêu cứu.

Nguyên đơn từtrên trời?

Nguyên đơn vụ án là bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ 43/1 ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) khởi kiện ông Võ Văn Khanh (ngụ E4/14 ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) về việc “Tranh chấp về di sản thừa kế” căn nhà số 70 đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TP.HCM.

Theo đơn khởi kiện ngày 28/9/2011 của bà Nguyễn Thị Cúc, bà có đứa con gái (bỏ rơi từ năm 2 tuổi, sinh năm 1960) mang tên Đường Thị Kim Hoa, trong “Tờ khai gia đình” ngày 12/6/1971 của chế độ cũ có nội dung ghi tên ông Lư Sanh là gia trưởng, còn bà Đường Thị Kim Hoa là thành viên trong hộ.

Năm 1990, bà Hoa và ông Võ Văn Khanh gặp nhau rồi sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và cũng không có con chung. Năm 1998, bà Hoa và ông Khanh mua căn nhà số 70 đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Tp Hồ Chí Minh và sống tại đây.

Ngày 25/10/2004, bà Hoa qua đời nên một nửa trị giá nhà, đất tại số 70 Lạc Long Quân nói trên của bà Hoa thành di sản thừa kế. Vì bà Hoa chung sống với ông Khanh nhưng không có con chung nên bà Nguyễn Thị Cúc (người đứng ra nhận là mẹ đẻ của bà Hoa) đứng ra khởi kiện ông Khanh để được hưởng di sản thừa kế.

Căn nhà đang tranh chấp

Thế nhưng, theo lời khai của ông Võ Văn Khanh tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, thì trong khoảng thời gian ông chung sống với bà Hoa từ năm 1990 cho đến khi bà Hoa mất, chưa bao giờ ông nghe bà Hoa nhắc đến mẹ ruột của mình. Bà Hoa cũng không biết mẹ ruột là ai, còn sống hay đã chết. Bà Hoa chỉ nói rằng bà bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ. Đến tháng 9/2011, nghĩa là sau 7 năm kể từ ngày vợ ông mất, đột nhiên xuất hiện bà Nguyễn Thị Cúc tự đứng ra nhận là mẹ ruột của bà Hoa, rồi đâm đơn khởi kiện ông, đòi chia di sản thừa kế mà bà Hoa để lại là ½ trị giá nhà đất tại số 70 đường Lạc Long Quân nêu trên mà vợ chồng ông đã phải vay mượn tiền của người thân phía ông Khanh để mua.

Chứng cứ mâu thuẫn

Tại Bản án số 152/2012/ DS-ST ngày 20/6/2012 của TAND quận 11, cũng như Bản án số 1189/2012 DSPT ngày 19/9/2012 của Tòa án Tp.HCM thì Hội đồng xét xử cả hai cấp đã căn cứ vào nội dung chứng cứ sau:

Xác nhận của Công an Quận 11 trong “Đơn xin xác nhận” của bà Nguyễn Thị Cúc đề ngày 15/4/2011 thì: Khi còn sống, bà Đường Thị Kim Hoa (vợ ông Khanh) có lập bản nhân khẩu khai có cha tên Đường Chăm (đã chết) và mẹ là Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1941, trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

Căn cứ vào “Tờ khai gia đình” số 124/894 ngày 12/6/1971 của chính quyền xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (Chế độ cũ) thì khi còn nhỏ, bà Hoa sống tại địa chỉ 23/18 Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cùng một số người thân như các ông/bà Lư Sanh; Lư Xi; Lư Thị Ni; Lư Xú Há…  

Căn cứ vào “Tờ cam kết” lập ngày 30/7/2010 và “Biên bản lấy lời khai” của ông Lư Xi (Người làm chứng) rằng: Bà Nguyễn Thị Cúc là chị ruột của mình. Do có quan hệ không chính thức với một người đàn ông không rõ lai lịch, năm 1960,bà Cúc có sinh ra một đứa con gái đặt tên là Đường Thị Kim Hoa nhưng không làm giấy khai sinh (vì không rõ cha-cha vô danh). Ông Xi đã đưa bà Hoa về nhà ông ngoại là Lư Sanh ở quận Gò Vấp để nuôi.

Từ những chứng cứ nêu trên, cả hai cấp xét xử của Tòa sơ thẩm và phúc thẩm Tp.HCM đều chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Cúc về việc được hưởng thừa kế di sản của bà Đường Thị Kim Hoa.

Tuy nhiên, nhìn vào hai bản án này, đồng thời tiếp xúc với hồ sơ vụ việc, người ta dễ nhận ra những chứng cứ mà Hội đồng xét xử đưa ra để khẳng định bà Nguyễn Thị Cúc là mẹ đẻ của bà Nguyễn Thị Kim Hoa là thiếu khách quan và không thuyết phục.

Trong bản án, ông Lư Xi khai rằng bà Nguyễn Thị Cúc là chị ruột của mình, thế nhưng bà Cúc mang họ Nguyễn, còn ông Xi lại mang họ Lư?

Cũng theo lời khai của ông Xi thì ông mang “cháu Đường Thị Kim Hoa về nhà ông ngoại là Lư Sanh” để nuôi, như vậy phải chăng ông Lư Sanh là bố đẻ của bà Nguyễn Thị Cúc? Và tại sao bà Nguyễn Thị Cúc lại không có tên trong “Tờ khai gia đình” số 124/894 ngày 12/6/1971 của hộ ông Lư Sanh?

Chưa hết, bà Nguyễn Thị Cúc khai rằng bà có quan hệ với người đàn ông không rõ lai lịch, tên tuổi và bỏ rơi con từ lúc 2 tuổi, vậy tại sao bà Hoa là con lại biết rất rõ cha mình là Đường Chăm để rồi mang họ cha từ bé cho đến khi chết?

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.  

Bạn đang đọc bài viết Vụ tranh chấp di sản thừa kế: 5 phiên tòa vẫn không thỏa đáng!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.