Phát động "Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu" lần thứ 7
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7.
Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu được phát động từ ngày 15/5 đến 21/5/2023 với nhiều hoạt động được tổ chức thống nhất từ Trung ương, các bộ ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đến các địa phương, nhằm kêu gọi người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tham gia giao thông xanh-sạch-an toàn thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ. Luôn tuân thủ quy định về tốc độ khi lái xe, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, phần đường, làn đường cũng như không tuân thủ quy định về nhường đường cho người đi bộ, xe thô sơ…
Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường rà soát, chỉnh trang điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống dải phân cách, làn đường, báo hiệu dành cho xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ; sắp xếp lại vỉa hè, lề đường ưu tiên cho người đi bộ, bố trí trạm dừng đón, trả khách cho xe buýt; tăng cường kết nối các loại hình vận tải công cộng…
Tại lễ phát động, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, với sự hợp tác giữa nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông, công an, y tế và giáo dục, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để làm cho các con đường trở nên an toàn hơn. WHO khuyến khích nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em và dây an toàn; giới hạn tốc độ thấp hơn xung quanh các trường học; quy định đội mũ bảo hiểm và tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, đặc biệt là cho trẻ em; thực thi các chính sách cấm uống rượu bia khi lái xe và tiếp tục đầu tư nâng cao mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp tai nạn giao thông cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động nhằm kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân đổi mới tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn.
Vĩnh Hải (T/h)