Phát hiện loại tảo biển mới ở Nam Cực giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu
Đó là loại tảo đỏ Palmaria decipiens nằm sâu dưới nước của vùng biển tại Nam Cực. Loại tảo này được cho rằng sẽ có đóng góp to lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Bằng việc sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) từ một chiếc thuyền nhỏ, các nhà nghiên cứu làm việc tại Trạm nghiên cứu Rothera trên đảo Adelaide, ngoài khơi bán đảo phía tây nam Nam Cực đã khám phá ra độ sâu 100 mét dưới bề mặt, thu thập mẫu để tiến hành các thí nghiệm kiểm tra và đã phát hiện ra một loại tảo biển tồn tại ở độ sâu khoảng 100 mét dưới bề mặt. Họ tin rằng nó có thể có "vai trò to lớn" trong việc bảo vệ môi trường.
Với thông tin chi tiết hiện đã được công bố trên tạp chí Polar Biology, Giáo sư Frithjof Kuepper, thuộc trường khoa học sinh học tại Đại học Aberdeen, cho biết: “Chúng tôi biết rằng việc thu giữ carbon sẽ rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và tảo biển có thể cô lập một lượng lớn CO2. Tảo biển có khả năng đóng một vai trò to lớn trong việc bảo vệ môi trường bằng cách lưu trữ carbon dưới đáy đại dương khi chúng chết đi và giảm quá trình axit hóa đại dương.”
Ông nói thêm: “Việc tìm thấy loại tảo Palmaria decipiens ở độ sâu 100 mét rất quan trọng để nâng cao kiến thức của chúng ta về Nam Cực, một lục địa rất quan trọng để hiểu nhằm giải quyết các thách thức môi trường mà thế giới phải đối mặt ngày nay.”
Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên Vương quốc Anh, là sự hợp tác giữa Đại học Aberdeen, Đại học Southampton, Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh và Đại học Thessaly ở Volos, Hy Lạp.
Đại Phong (T/h)