Thứ ba, 19/03/2024 12:24 (GMT+7)

Phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ

PGS. TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ tư, 19/01/2022 14:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chúng ta cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học.

Với quan điểm “khoa học và công nghệ là quốc sách, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, thời gian qua, nước ta luôn chú trọng phát triển thị trường khoa học và công nghệ, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Có thể thấy, trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Hiện cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ. Đặc biệt, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện, trường, các tổ chức nghiên cứu có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đáng mừng nêu trên, thì thị trường khoa học và công nghệ, nhất là hoạt động thương mại hóa sáng chế vẫn chưa phát triển thật xứng với tiềm năng của nguồn cung, cầu. Sản phẩm được thương mại hóa chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu, sáng chế. Nguyên nhân một phần do các nghiên cứu, sáng chế chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; phần khác, do môi trường kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn chưa đầy đủ...

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Trong đó, cần tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ; bổ sung cơ chế tạo động lực, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ...

Thị trường khoa học và công nghệ gồm cung và cầu. “Cung” là nhà nghiên cứu, tạo ra công nghệ và “cầu” chính là doanh nghiệp và người dân. Muốn thị trường phát triển thì việc liên kết giữa ba nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Trong đó, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu sâu, nghiên cứu những lĩnh vực có đầu ra gắn với thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh; còn doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác, “gửi đơn” đặt hàng những sản phẩm khoa học, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học... về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần tạo lập những cơ chế, chính sách thiết thực để thúc đẩy mối liên kết, hợp tác trong “tam giác” phát triển giữa ba nhà, bảo đảm quyền lợi của mỗi bên.

Để thị trường khoa học và công nghệ phát triển, vai trò của những tổ chức trung gian là rất quan trọng để kết nối từ nhà khoa học tới doanh nghiệp và ngược lại. Hiện các tổ chức trung gian ở nước ta chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ hai bên cung - cầu. Vì vậy, việc quan trọng hiện nay là cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ...

Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, thị trường khoa học và công nghệ sẽ ngày càng phát triển, phát huy tốt vai trò then chốt, góp phần tạo động lực mạnh mẽ nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

tm-img-alt
Các kỹ sư của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam học tập và thực hành chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. Nguồn ảnh: VNSC

ĐƯA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU LÀM THỰC TIỄN

Thúc đẩy trong thương mại hóa sáng chế, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống có thể coi là yêu tố quyết định, giúp phát triển thị trường khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao trình độ lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề liên kết hợp tác và chuyển giao công nghệ hiện vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc, cần phải được tháo gỡ.

Khó khăn trong thương mại hóa sáng chế

Việc sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện, trường, các tổ chức nghiên cứu... vào sản xuất, tuy đã đạt được nhiều thành công, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Là đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt, hằng năm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chuyển giao một loạt thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các bên liên quan. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ vẫn còn quá ít.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều kết quả nghiên cứu về vật liệu tiên tiến ở rất nhiều hướng hiện đại, nhưng việc đưa các vật liệu ấy vào ứng dụng trong sản xuất vẫn còn điểm nghẽn. Điều đó thể hiện chủ yếu ở hai điểm: Doanh nghiệp chưa có xu hướng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; ngành công nghiệp chưa thực sự tin tưởng và chia sẻ với các cơ sở nghiên cứu trong nước. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ cũng là rào cản lớn. Có doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ của nhà khoa học, nhưng chỉ một thời gian sau khi tiếp thu được công nghệ, thì không cần đến nhà khoa học nữa...

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh cho rằng, thương mại hóa sáng chế khó khăn, dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế; chưa có mô hình tổ chức khoa học và công nghệ mới để áp dụng cơ chế và chính sách đặc biệt.

Cần sự phối hợp toàn diện

Theo các chuyên gia, giải bài toán thương mại hóa kết qụả nghiên cứu không chỉ là việc của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học.

Ông Lâm Quang Vinh cho rằng để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác - tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”. Còn theo Trưởng ban ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) Phan Tiến Dũng, Nhà nước cần giao quyền. sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù, với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn...

Là đại học hàng đầu về khoa học và công nghệ tại Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp BK Holdings, từ đó vốn hóa được tài sản tri thức là các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings cho biết, để đưa được sáng chế ra thị trường cần hội tụ 3 yếu tố: Sáng chế có tính ứng dụng cao, giải quyết nhu cầu cụ thể và đủ lớn của thị trường; nhà khoa học có nguồn tài chính ươm tạo hỗ trợ ban đầu và phải có tố chức hỗ trợ trung gian chuyên nghiệp, độc lập với hệ thống hàn lâm trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021- 2030. Tiến sĩ Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho hay, trong xu thế ngày nay, khoa học, công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh và song hành với việc thương mại hóa kết quả, tạo thành chuỗi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. Thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám. Việc ra đời của Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị là kênh quan trọng giúp kết nối cung - cầu công nghệ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, định hướng của Bộ trong thời gian tới là ủng hộ nhũng đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để các giao dịch mua - bán công nghệ trên thị trường phải sôi động, đủ hấp dẫn để đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ... Trước mắt, Bộ đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm chính sách về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.

SÂU SÁT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

Kinh nghiệm cần lan tỏa

Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, dù dịch bệnh có làm một số kế hoạch phải thay đổi, giãn, hoãn, song tổng thể chung năm 2021, HĐND các cấp thành phố đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi. Trong đó, HĐND các cấp đã tổ chức 1.517 kỳ họp, thông qua 8.688 nghị quyết; tiến hành 1.864 cuộc giám sát, khảo sát; thực hiện 3.987 cuộc tiếp xúc cử tri và đã tiếp công dân 21.024 buổi trong điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch ở mức cao.

“Hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, được nhân dân thủ đô ghi nhận ; được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao; là điểm sáng, hình mẫu trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước”, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ kinh nghiệm, để tổ chức kỳ họp thành công, chất lượng thì công tác chuẩn bị rất quan trọng, nhất là việc phối hợp xây dựng báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Cùng với đó thường trực HĐND phải luôn động viên, gợi mở, khuyến khích phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp. Với kinh nghiệm này, năm 2021, HĐND quận đã tổ chức thành công 4 kỳ họp bảo đảm chất lượng, nội dung, tiến độ, đúng quy định.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, để các cuộc giám sát khỏa sát đạt chất lượng, ngoài việc lựa chọn vấn đề “nóng”, bức xúc, còn cần có phương pháp giám sát, khảo sát khoa học cả trực tiếp và gián tiếp, phù hợp với từng cơ sở, địa bàn. Với cách thức trên, năm 2021, HĐND huyện đã thực hiện 7 cuộc giám sát, 16 cuộc khảo sát chất lượng, hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Thường Tín nhận định, thời gian qua, khi Thường trực, các ban HĐND huyện thực hiện khảo sát, giám sát đều ghi nhận thực tế bằng hình ảnh, nên bên cạnh báo cáo đợt giám sát, khảo sát còn có cả clip trình chiếu ở các hội nghị giao ban, kỳ họp, giải trình của HĐND huyện. Đây là cách làm mới, có sự phối hợp với tổ phóng viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, được đại biểu, cử tri đánh giá cao.

Nâng cao chất lượng hơn nữa

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở những kết quả tích cực của năm 2021, HĐND các cấp thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước và thực tiễn của Thủ đô trong năm 2022. 

Theo đó, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chủ động trong công tác chuẩn bị kỳ họp với các nội dung sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, bảo đảm đúng thẩm quyền, kịp thời, chất lượng, đúng luật. Cùng với đó là thực hiện tốt Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Trong xây dựng chương trình công tác, HĐND mỗi cấp cần tính đến yếu tố thực hiện trong điều kiện phòng, chống dịch. 

“Thời gian tới, cấp ủy, Thường trực HĐND cấp huyện cần quan tâm, bố trí tăng đại biểu chuyên trách, bởi thực tế ở một số địa phương hiện chưa bố trí đủ đại biểu chuyên trách. Tăng đại biểu chuyên trách ở cấp huyện cũng thể hiện sự quan tâm thiết thực nhất đến hoạt động của cơ quan dân cử trong thời điểm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không có HĐND phường”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn  nhấn mạnh.

Theo nhiều đại biểu HĐND, để hoạt động của cơ quan dân cử ngày một thực chất, hiệu quả, thì công tác phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội, HĐND, UBND, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải được thực hiện tốt. Vì thế, thời gian tới, mỗi cấp HĐND thành phố cần triển khai ngay việc ký kết phối hợp, hằng quý có kiểm đếm công tác bằng những việc cụ thể. Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp; tiếp tục quan tâm, tổ chức hoạt động giao ban chuyên đề, phối hợp giữa Thường trực, các ban HĐND các cấp nhằm hướng dẫn, góp ý về chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát, tổ chức các phiên giải trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả

Theo Báo Hà Nội mới

Tham khảo:
 1. Quỳnh Anh “Phát huy vai trò then chốt”.
 2. Thu Hằng “Đưa kết quả vào thực tiễn”,HNM 18/01/2022.
 3. Việt Tuấn “Tiếp tục sâu sát, khoa học, hiệu quả”.

Bạn đang đọc bài viết Phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Tin mới