Thứ sáu, 26/04/2024 04:04 (GMT+7)

Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững

MTĐT -  Thứ bảy, 26/02/2022 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm. Đó là khác biệt rất lớn.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm. Đó là khác biệt rất lớn. Trong các Chỉ thị, Nghị quyết mà Chính phủ ban hành, điều này cũng được nêu rõ theo hướng, yêu cầu các bộ ngành, địa phương ngăn chặn dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất nguy cơ cao gây ô nhiễm.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Đẩy mạnh triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị khu kinh tế ven biển. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Chính phủ yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022.

Hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi

Năm 2021 đi qua với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống, dưới sự lãnh đạo thống nhất Đảng; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đã quyết liệt thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; kịp thời triển khai các giải pháp gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền được giữ vững; đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực; uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề...

Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường

Trong cơn say đón chào dự án tỷ đô, thời gian qua, không ít tỉnh thành đã phải “ngậm đắng” bởi những dự án chưa thấy sinh lời đã thành mối lo về ô nhiễm môi trường, kéo lùi chỉ số về hấp dẫn đầu tư.

Trong nhiều cuộc họp, Chính phủ cũng nhất quán quan điểm không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường. Hơn 10 năm qua, theo dõi các vấn đề về môi trường, tôi đã chứng kiến không ít dự án “vượt cửa ải” môi trường nhiều khi chỉ bởi “khát khao” thu hút đầu tư của địa phương mà không nghĩ đến chuyện trả giá về môi trường sau này. Nhưng tôi cũng chứng kiến không ít địa phương đã rút được bài học về môi trường, sẵn sàng từ chối các dự án, lĩnh vực đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm.

Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, để đón đầu các cơ hội mở ra từ việc Việt Nam tham gia ký kết hiệp định TPP, một số nhà đầu tư đã đến Đà Nẵng khảo sát và có dự định đầu tư vào các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm. Nhưng do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên thành phố đã không giữ chân các nhà đầu tư và giới thiệu đến các địa phương khác phù hợp hơn.

Cụ thể, vào năm 2014, một tập đoàn dệt may của Hồng Kông đã đến Đà Nẵng khảo sát để xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc có tổng vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Do dự án có công đoạn nhuộm, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên thành phố không xúc tiến dự án này. Cũng trong năm 2014, có một công ty Hàn Quốc cần trên 30 ha để làm khu liên hợp dệt nhuộm, Đà Nẵng cũng đã chối từ.

Gần hơn, năm 2018 UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án Nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL (Hong Kong) có tổng mức đầu tư 350 triệu USD, trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ 4 tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này…

Những lo ngại của các địa phương về dự án ô nhiễm là chính đáng. Bởi, không thiếu bằng chứng của việc địa phương “rước” dự án khủng về rồi phải è cổ giải quyết vấn đề ô nhiễm. Bãi rác Đa Phước ở Sài Gòn liên tục gây ra mùi hôi thối, khiến người dân khiếu kiện ròng rã. Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang cũng liên tục khiến người dân vùng lân cận khốn khổ...

Từ thực tế của các địa phương kể trên, soi lại sự phát triển của các ngành công nghiệp ở Việt Nam như: sản xuất thép, dệt may (nhuộm), không khó nhận thấy những bất cập cần điều chỉnh. Đã có một thời gian chúng ta mải mê kêu gọi thu hút đầu tư với hàng loạt dự án dệt may tỷ đô hoành tráng; những dự án luyện, cán thép lớn, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn. Thế nhưng, bên cạnh sự mừng chưa đến này là nỗi lo nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải gây ô nhiễm môi trường, nếu không có một chiến lược rõ ràng về công nghệ.

Không những thế, trong tình hình thiếu điện như hiện nay, việc chấp nhận dây chuyền sản xuất gang, thép lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện, than… sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế, đẩy Việt Nam tiến nhanh hơn đến tình trạng mất cân đối về năng lượng. Ngoài ra, việc gần đây xuất hiện một loạt dự án thép quy mô lớn cũng có thể không phải do tiềm năng thị trường, môi trường đầu tư hấp dẫn, mà có thể vì Việt Nam dễ tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều khí thải và các chất thải nguy hại cho môi trường.

Rõ ràng, quyết định từ chối của một số tỉnh thành kể trên là một bước đi sáng suốt, là sự cảnh tỉnh đối với nhiều tỉnh thành khác đang mê mải với thu hút đầu tư, với những con số tăng trưởng “ảo”, con số GDP bẩn. Bởi lẽ, đã có không ít lời cảnh báo trước đó về những dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thép, giấy, dệt nhuộm… sẽ biến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của các nước, đồng thời sẽ gây ra những tổn hại về môi trường và sự mất cân đối nghiêm trọng về năng lượng.

Xác định rõ những mục tiêu lớn

Từ câu chuyện đầu tư các nhà máy thép, dệt nhuộm, giấy… đang cho thấy, bao khoảng trống cần lấp trong chiến lược đầu tư các ngành mũi nhọn. Còn đó, những hệ lụy đang hiện hữu sau một thời gian khắp nơi bùng nổ đầu tư KCN, cầu đường, cảng biển... Bùng nổ trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải toả, bùng nổ ngân sách địa phương. Cũng theo đó, bùng nổ tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…

Xác định rõ những mục tiêu lớn, Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ cũng chỉ rõ: Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng KHCN.

Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường; phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương.

Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với trạng thái bình thường mới và điều kiện thời tiết, dịch bệnh. Đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã có liên kết sản xuất với nông dân.

Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch... Tiếp tục thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh; từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam; tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số và ứng dụng công nghệ mới.

Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình xây dựng. Tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, giảm thiểu sự cố, chống thất thoát, lãng phí. Nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng theo hướng loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên liệu, không đáp ứng được quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Đã có một thời, chúng ta viển vông trong giấc mơ được gọi là Rồng, là Ngôi sao đang lên trên bản đồ kinh tế châu lục. Nhưng nhìn lại dễ thấy, ta đã phát triển trong nhịp điệu của bất an. Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resof; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể phát triển bền vững khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những dòng sông ô nhiễm, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.

Trong rất nhiều cuộc họp, những phản biện, cảnh báo, những đề xuất, luận điểm của các nhà khoa học với mỗi dự án cũng đã được đưa ra. Song, dường như sự phát triển đang gặp phải những giới hạn, nguy cơ kéo lùi tất cả những thành tựu, sức chịu đựng của xã hội và tự nhiên. Trong giấc mơ hiện đại hóa, người ta cứ nghĩ khoa học kỹ thuật sẽ lấp đầy tất cả mọi thứ. Nhưng thế kỷ này đã bắt đầu thay đổi về chất, đụng chạm đến ý thức mới về sự giới hạn. Người đứng đầu Chính phủ cũng từng khẳng định, phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm. Đó là khác biệt rất lớn. Trong các Chỉ thị, Nghị quyết mà Chính phủ ban hành, điều này cũng được nêu rõ theo hướng, yêu cầu các bộ ngành, địa phương ngăn chặn dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất nguy cơ cao gây ô nhiễm.

Với ngành Xây dựng, Chính phủ cũng chỉ rõ, cần thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.

Phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực tăng trưởng mới. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành thể chế điều phối vùng và quy chế phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết nội vùng, liên vùng; triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, sớm tạo ra vùng động lực, cực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị khu kinh tế ven biển. Phát triển hệ thống đô thị, kết nối với phát triển đường cao tốc, không gian phát triển kinh tế mới trong vùng và xây dựng nông thôn mới, gắn với quá trình đô thị hóa; có chính sách kiểm soát, quản lý dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo dân sinh, khắc phục tồn tại hạn chế. Đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là ở thành phố trực thuộc Trung ương. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,5 - 42%.

Rà soát, phân bổ, tổ chức lại không gian phát triển các ngành, lĩnh vực hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn tại từng vùng, địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và dịch vụ có sức cạnh tranh.

Mong muốn là thế. Nhưng, giữa mong muốn và hiện thực là cả một quãng đường, có khi rất dài. Bởi lẽ, sẽ khó thực hiện khi nền kinh tế Việt Nam còn bị chia chẻ từng mảnh vụn, 63 tỉnh thành, 30 bộ ngành và cơ quan ngang bộ; rồi các tập đoàn, tổng công ty… Bàn cờ kinh tế bị chia nhỏ ra, mạnh ai nấy làm, không ai chịu nghĩ dài hạn.

Phát triển xanh, sạch, bền vững là mục tiêu dài lâu, không thể giới hạn trong nhiệm kỳ 5 năm. Những dự án về sản xuất thép, dệt nhuộm, giấy…, nếu được thực thi sẽ hiện hữu hàng chục năm trời. Vì thế, hãy cân nhắc thấu đáo trước mỗi dự án đầu tư. Không thể vì kinh tế mà đánh đổi môi trường sống.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.