Thứ bảy, 20/04/2024 04:56 (GMT+7)

Phát triển đô thị thông minh: Thống nhất dữ liệu và hoàn thiện chính sách

MTĐT -  Thứ ba, 24/05/2022 08:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 57 địa phương đã và đang triển khai các đề án liên quan đến phát triển đô thị thông minh, trong số đó có 44/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là một trong mười nhiệm vụ của Đề án 950 của Chính phủ. Hiện Việt Nam có khoảng 870 đô thị được chia thành các loại từ đô thị trung ương tới các đô thị nhỏ là các thị trấn, thị xã. Mỗi đô thị có quy mô khác nhau, tính chất phát triển khác nhau. Có đô thị phát triển về du lịch, có đô thị phát triển về công nghiệp, dịch vụ, có đô thị lại phát triển về quản lý hành chính… Mỗi đô thị khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau tuỳ vào trình độ và đặc thù phát triển của đô thị ấy.

Xây dựng nguồn dữ liệu thống nhất

Trong Đề án 950 của Chính phủ cũng chỉ rõ, phát triển đô thị thông minh dựa trên ba trụ cột lớn: quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng đô thị thông minh và các dịch vụ tiện ích thông minh. Và ba trụ cột này đều trên cơ sở hệ thống dữ liệu liên thông.

Tuy nhiên, có một thực tế là, hiện nay ĐTTM ở Việt Nam đang phát triển theo hướng nhiều nhà tư vấn, nhiều thông tin công nghệ, nhiều đơn vị đến làm việc với các địa phương và đề xuất cùng làm việc với các đô thị để xây dựng đề án. Chính điều này dẫn đến thực trạng là các nguồn dữ liệu thiếu thống nhất, mỗi đề án theo một hướng.

Từng chia sẻ tại một cuộc toạ đàm về “Smart city - chuyển đổi số”, ông Lê Hoàng Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, mỗi đơn vị xây dựng đề án trên một hệ thống, một phần mềm, nền tảng khác nhau thì khi cần sự liên thông, chia sẻ thông tin không thể nào “ăn rơ” với nhau được. Việc này làm ảnh hưởng tới quá trình sau này chúng ta số hóa, chuyển đổi số. Có nghĩa là liên quan tới việc triển khai đô thị thông minh.

Không chỉ vậy, về mặt dữ liệu cũng cùng chung tình trạng rời rạc, không có sự liên thông. Ngay đô thị Hà Nội bao nhiêu năm nay vẫn loay hoay với nền tảng dữ liệu. “Khi Hà Nội triển khai đô thị Hoà Lạc mà sáu tháng sau mới hoàn thiện hệ thống bản đồ để gửi Bộ Xây dựng thẩm định và đóng dấu thì tôi hiểu là công nghệ số chưa đến với Hà Nội”, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) từng chia sẻ.

Cũng theo bà Hằng, dưới góc độ là cơ quan tham mưu về luật pháp, năm nay chúng tôi sẽ xây dựng Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, trong đó vấn đề công nghệ số và thể chế liên quan đến phát triển đô thị thông minh sẽ là rất quan trọng trong Luật Đất đai. Hai là, xây dựng nền tảng dữ liệu. Nhưng những vấn đề này không thể làm ngay mà phải lâu dài và tốn kém. Trước mắt thì chúng ta phải có sự liên thông với các hệ thống dữ liệu quốc gia.

Chúng tôi cũng hết sức nỗ lực, nhưng con số này hầu như là chưa có gì. Hiện nay, lập các quy hoạch chúng ta vẫn là khảo sát bản đồ, đo đạc, hệ thống dữ liệu cập nhật bằng tay chứ chưa có gì mang tính ứng dụng công nghệ thông tin thông minh.

Hoàn thiện chính sách cho phát triển ĐTTM

ĐTTM là sản phẩm cuối cùng. Nó cũng giống như sản phẩm xây dựng đô thị. Trước đây xây dựng đô thị đã đảm bảo tiện ích, thuận lợi cho người dân đô thị và hiệu quả sử dụng đô thị. Bây giờ áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào trong đô thị để làm cho nó thông minh hơn tạo ra tiện ích và hiệu quả hơn cho đời sống người dân đô thị.

Nhưng làm sao tạo ra tiện ích lớn nhất thì chúng ta từng bước xây dựng từng cấu phần của đô thị để nó thông minh. Để làm được thì phải từ giai đoạn xây dựng quy hoạch, thu thập số liệu và trước hơn nữa là xây dựng thể chế, chính sách thực hiện.

Hiện nay Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cùng Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành Trung ương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Nhưng quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm cung cấp số liệu, chia sẻ thông tin vẫn chưa được cụ thể.

Nhìn chung, xây dựng ĐTTM ở ta hiện nay đang vướng mắc về liên thông số liệu, không theo dõi được biến động về quy hoạch. Ngay việc người dân có thể dùng được số liệu quy hoạch cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các địa phương đã có quan tâm thể hiện ở việc ban hành nhiều văn bản liên quan tới chủ trương định hướng về xây dựng và phát triển ĐTTM. Song, việc xây dựng hệ thống dữ liệu, dù đang được triển khai, nhưng còn hạn chế.

Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc phân công cơ quan đầu mối chủ trì. Không những thế, về nhận thức và cách làm đô thị thông minh cũng mỗi nơi mỗi nhau.

Theo các chuyên gia, xây dựng ĐTTM phải dựa vào nguồn lực trong nước mới có thể phát triển bền vững. Như với TP.HCM, cần có cơ chế khuyến khích phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh. TP.HCM đang xây dựng thành phố thông minh hướng đến ba mục tiêu cơ bản gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và có được môi trường sống bền vững.

Để làm chủ công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM cần xây dựng cơ chế thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới trong điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các giải pháp về thành phố thông minh có đặc thù của Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ về thành phố thông minh.

Chẳng hạn, TP.HCM nên xây dựng một khu đô thị thông minh điển hình trong phạm vi hẹp. Tại khu đô thị thông minh điển hình thử nghiệm này, mọi ý tưởng, sáng tạo, giải pháp đều được chấp nhận thử nghiệm mà không phải xin cấp phép, bỏ qua những thủ tục hành chính rườm rà để tạo điều kiện cho ý tưởng thành sản phẩm, thành công nghệ một cách nhanh nhất.

Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng các giải pháp riêng đặc thù cho TP.HCM là cần thiết. Để làm được như vậy, TP.HCM cần có cơ chế cho việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các giải pháp thành phố thông minh trong điều kiện thực tế. Khi có cơ chế chính sách phù hợp và mang tính khuyến khích thì việc làm chủ công nghệ xây dựng thành phố thông minh sẽ không còn khó khăn, việc tập hợp lực lượng sáng tạo sẽ dễ dàng hơn và thành phố có thể hoàn toàn tự chủ trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển ĐTTM, bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển ĐTTM và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó bao gồm nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, và cũng đã rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương cùng một số cơ quan quốc tế để thúc đẩy triển khai ĐTTM bền vững tại Việt Nam.

Rõ ràng, dù chúng ta đã có sự quan tâm thống nhất từ địa phương tới Trung ương, nhưng điều quan trọng để xây dựng những ĐTTM - nội dung cốt lõi trong Đề án 950 của Chính phủ, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn. Bởi, khi chính sách chưa thông, những mong ước cao vời, những đề án hoành tráng sẽ khó có thể “về đích” nhưng mong muốn, và nó sẽ mãi chỉ là các bản báo cáo đẹp đẽ mỗi khi chúng ta nói về tương lai.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị thông minh: Thống nhất dữ liệu và hoàn thiện chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...