Thứ năm, 25/04/2024 23:30 (GMT+7)

Phát triển không gian đô thị tại Hà Nam theo hướng bền vững

MTĐT -  Thứ sáu, 01/10/2021 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá trình phát triển kinh tế trên cơ sở công nghiệp hóa là động lực chính để hình thành và mở rộng các đô thị ở Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng.

Quá trình phát triển kinh tế trên cơ sở công nghiệp hóa là động lực chính để hình thành và mở rộng các đô thị ở Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Ở chiều ngược lại, sự hình thành và phát triển không gian các đô thị lại giúp hình thành một không gian kinh tế phát triển, tạo ra một thị trường tiêu thụ cũng như sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, đô thị hóa mặc dù mang lại tăng trưởng kinh tế, song cũng đem lại nhiều bất cập trong đời sống xã hội cũng như xuống cấp về môi trường sống…

Hà Nam là một tỉnh nhỏ gần Hà Nội, có trên 81% dân cư sống tại nông thôn, nhưng thu nhập chỉ có 9,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh [1]. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh dẫn đến hình thành các đô thị thiếu kiểm soát. Sự bất ổn của đô thị có nguyên nhân từ dòng dịch cư từ nông thôn, luôn tác động bất lợi tới khả năng phát triển hạ tầng đô thị do không thể theo kịp với quá trình phân bố lại dân cư. Đây cũng là nguyên nhân của không gian đô thị phát triển thiếu bền vững. Ở thế kỷ trước, công nghiệp hóa đã có vai trò to lớn trong sự phát triển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, dưới tác động của các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, có nhiều mô hình phát triển khác bền vững hơn đang dần khẳng định vị thế của mình . Bài báo đặt vấn đề xem xét phát triển không gian đô thị Hà Nam theo hướng phát triển bền vững (PTBV) trên cơ sở sự kết hợp hài hòa giữa không gian phát triển công nghiệp và không gian phát triển nông nghiệp hàng hóa, dựa vào công nghiệp hóa nông nghiệp, giúp kiểm soát quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện cho không gian đô thị PTBV.

Phát triển không gian đô thị tại Hà Nam theo hướng bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
Đô thị Hà Nam

Gần đây, khái niệm “đô thị phát triển theo hướng bền vững” còn được xem xét dưới góc độ “phát triển cộng đồng bền vững” để làm rõ trọng tâm của mọi sự phát triển chính là vì con người. Ngoài ra còn có những xu hướng nghiên cứu đô thị PTBV của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh thái cảnh quan, đặt nền móng cho một đô thị PTBV dưới góc độ các quy luật của hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn kết hợp với nhau [8] . Phát triển đô thị bền vững là một khái niệm động, sự bền vững chỉ là trạng thái ổn định ở một thời điểm, sau đó sẽ lại phải phát triển, tự điều chỉnh để đạt được sự cân bằng, bền vững ở mức độ cao hơn trong việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Do đó, không gian đô thị theo hướng PTBV chính là tổ chức một hình thức vỏ vật chất – không gian, có thể đáp ứng hài hòa, cân bằng được các hoạt động chức năng kinh tế-môi trường-xã hội của sự phát triển bền vững.

Các đô thị của Hà Nam hiện nay có chủ trương đẩy nhanh phát triển nâng quy mô đô thị lên cấp cao hơn trên cơ sở tập trung thu hút phát triển các dự án công nghiệp, dịch vụ nhằm giảm cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Mong muốn này chỉ có thể phát huy được tại các khu vực đô thị có nhiều thuận lợi về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật, những khu vực thiếu thuận lợi sẽ kém phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân phát triển đô thị theo chiều rộng trong khi chưa quan tâm đầy đủ tới chất lượng đô thị, tạo nên sự thiếu bền vững trong phát triển đô thị. Việc phát triển, nâng cấp đô thị theo các tiêu chí thường chưa quan tâm đúng mức tới mối quan hệ liên kết giữa các thành phần với nhau và giữa đô thị với nông thôn. Vì vậy, mục tiêu của bài báo được đặt ra là phát triển đô thị trên cơ sở các mối quan hệ liên kết cùng phát triển giữa đô thị – nông thôn, giữa công nghiệp – nông nghiệp, nhằm tránh sự đơn phương phát triển công nghiệp, dễ hình thành các bất cập liên quan tới xã hội và môi trường. Đô thị hóa có thể được coi là thước đo sự phát triển của các địa phương, vì vậy trong thực tế không tránh khỏi sự nóng vội, dẫn đến đô thị hóa mở rộng về hình thức, nhưng không gian đô thị lại kém về chất lượng.

Việc lựa chọn nghiên cứu quy hoạch không gian các đô thị tại Hà Nam dưới góc độ PTBV vì đây là một tỉnh có quá trình đô thị hóa mới chỉ ở giai đoạn gần đây, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện sự phát triển không đồng đều và thiếu bền vững tại các đô thị trong tỉnh và giữa các địa phương

Một số mô hình phát triển kinh tế bền vững

Không gian đô thị là hình thái vật chất chuyên chở các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường, do đó mô hình phát triển kinh tế đô thị bền vững, sẽ tạo điều kiện hình thành không gian bền vững. Có thể kể đến các mô hình phát triển kinh tế bền vững sau:

  • Mô hình khu đô thị – công nghiệp – dịch vụ (KĐT-CN-DV): Gắn việc phát triển KCN, CCN với đô thị và dịch vụ. Đây được coi là hướng đi đúng đắn, là giải pháp tối ưu khắc phục những hạn chế của KCN hiện có, đồng thời mở ra các cơ hội đầu tư mới [11]. Khi khu công nghiệp gắn với khu đô thị và dịch vụ, đòi hỏi các KCN phải đảm bảo yếu tố xanh, sạch, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, nhằm tạo ra một không gian sống và làm việc an toàn, chất lượng, giúp cho việc phát triển các không gian đô thị bền vững;
  • Cụm liên kết ngành (Industrial Cluster – IC). Lý thuyết cụm ngành do M. Porter [12] đưa ra có bản chất khác với khái niệm cụm công nghiệp (CCN) như chúng ta thường hiểu. IC là cụm liên kết ngành công nghiệp (CLKNCN) bao gồm các XNCN không chỉ tập trung về mặt không gian địa lý, mà còn là một chuỗi các liên kết sản xuất, dịch vụ nhằm đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, nhưng lại tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Giai đoạn đầu của IC là sự tập trung các XNCN có các mối quan hệ chủ đạo, phụ trợ liên kết với nhau. Sang giai đoạn phát triển thứ 2, là bước hiện đại hóa và tăng cường sáng tạo thông qua các liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để hình thành một môi trường sinh thái có tính tuần hoàn trong sản xuất;
  • Công nghiệp hóa nông nghiệp (CNHNN): Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp một cách toàn diện, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học kỹ thuật vào tăng năng xuất sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thực tế, chính CNHNN cũng tạo tiền đề hình thành đô thị nông nghiệp tại các vùng nông thôn;
  • Ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống. NNĐT dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị, góp phần phát triển cộng đồng bền vững trong đô thị.

Bên cạnh các mô hình phát triển bền vững nêu trên, các đô thị cần phát triển hệ thống hạ tầng xanh (HTX) là mạng lưới kết nối các không gian xanh bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, tạo khả năng thích ứng với sự biến đổi của khí hậu [13] . Hạ tầng xanh sẽ như một khung thiên nhiên kết nối các không gian chức năng của đô thị với nhau và với vùng nông thôn.

Tùy theo các điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, Hà Nam có thể vận dụng các mô hình nêu trên để có thể định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững hơn. Hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường do tiêu thụ tài nguyên tự nhiên (núi đá vôi, đất đai…), thực hiện tốt hơn quá trình ly nông, bất ly hương nhằm tạo ra sự ổn định tương đối của các đô thị

Phát triển không gian đô thị Hà Nam theo hướng bền vững

1. Bối cảnh của Hà Nam

Hà Nam là một tỉnh liền kề với Hà Nội, do đó có nhiều lợi thế trong vùng tác động phát triển kinh tế với Hà Nội. Sau một số lần tách nhập, hiện nay, tỉnh Hà Nam có thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên (mới thành lập năm 2020) và 4 huyện: Lý Nhân (thị trấn Vĩnh Trụ); Bình Lục (thị trấn Bình Mỹ); Thanh Liêm (thị trấn Hòa Mạc); Kim Bảng (thị trấn Quế). Xem (hình 1a). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến 2018 là 37% với 16,7% trên tổng số 850 ngàn dân sống ở đô thị và 83,3% còn lại sống ở nông thôn [16] .

Địa hình Hà Nam có 2 dạng chính: Đồi núi ở phía Tây thuận lợi cho trồng cây lâm nghiệp, ăn quả. Đồng bằng ở phía Đông được hình thành nhờ phù sa của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu rất thuận lợi cho canh tác lúa nước, hoa màu, thực phẩm. Tài nguyên khoáng sản là dãy núi đá vôi thuận lợi cho phát triển vật liệu xây dựng tập trung chủ yếu ở phía Tây.

Các làng nghề phát triển mạnh ở Duy Tiên, ngoài ra giáo dục phát triển mạnh là một loại tài nguyên nhân văn đặc biệt của Hà Nam. Tuy nhiên, hiện nay khu vực phía Tây gồm Kim Bảng và Thanh Liêm đang có sự tập trung nhiều loại nhà máy XNCN sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở khai thác núi đá vôi trên địa bàn huyện, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên sẵn có (2c) . Nhìn vào biểu đồ hình 1b, cho thấy tỷ trọng kinh tế công nghiệp tăng, còn nông nghiệp giảm, trong khi đó 83% dân số của Hà Nam lại sống tại nông thôn, nhưng thu nhập chiếm chưa tới 10%. Ngoài ra công nghiệp hóa là một trong những yếu tố động lực quan trọng hình thành và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sự mất cân đối trong tỷ lệ đô thị hóa (hình 1c), cũng như trong phân bố các khu công nghiệp (hình 2a) và mất cân đối giữa tỷ trong kinh tế của đô thị với nông thôn chính là nguyên nhân tiềm ẩn sự phát triển không bền vững của đô thị. Để khắc phục nhược điểm nêu trên, tránh tập trung chỉ phát triển công nghiệp sản xuất hàng hóa cho thị trường nói chung tại đô thị , thành phố lớn, mà còn phải tập trung cho các ngành công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp địa phương.

  • Xác định khung thiên nhiên: Để có thể có các đô thị PTBV, cần xác định khung thiên nhiên của toàn tỉnh, sau đó tại mỗi đô thị cũng phải cụ thể hóa khung tự nhiên đó trong không gian của mình. Tại Hà Nam, khung tự nhiên chính là hệ thống đồi núi hang động đá vôi chạy từ phía Tây. Ngoài ra còn có hệ thống các sông Hồng, Đáy, Châu giang với các nhánh của nó. Đây là khung tự nhiên phải bảo vệ, như là nguồn tài nguyên du lịch, tạo tiền đề cho các đô thị PTBV (Hình 2b),
  • Phân vùng phát triển: Nhằm mục đích ưu tiên đầu tư, giúp hình thành cơ cấu chức năng đô thị hợp lý dựa trên các lợi thế về tiềm năng của các khu vực trong tỉnh, nên phân thành 4 vùng chính là:
    • Vùng 1, phía Tây nhiều đồi, núi đá vôi sẽ thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, kết hợp trồng rừng giúp hình thành một khu vực có hệ sinh thái tự nhiên giầu có, cảnh quan đẹp để hình thành một nền kinh tế xanh (du lịch và dịch vụ), kết hợp công nghiệp phục vụ cây công nghiệp;
    • Vùng 2, phía Đông, được hình thành bởi phù sa sông Hồng, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, các loại cây đặc sản địa phương và công nghiệp chế biến cho nông nghiệp. Ngoài ra tại đây cũng có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, là một dạng tài nguyên nhân văn cho du lịch phát triển;
    • Vùng 3, khu vực giữa theo hướng Bắc-Nam bao gồm thành phố Phủ lý với nhiều KCN đã và đang hình thành, phát triển xung quanh do có kết nối giao thông thuận lợi giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi qua thành phố Phủ lý. Tuy nhiên các KCN này cần phát triển theo mô hình cụm (Industrial Cluster);
    • Vùng 4, là khu vực ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu là khu vực đất ngập nước rất thuận lợi cho phát triển các khu nghỉ dưỡng, nông trại sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao …kết hợp bảo vệ và cân bằng nguồn nước tự nhiên 2. Định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững tại Hà Nam

a. Sự hình thành và phát triển không gian đô thị cấp xã (dưới hình thức tiền đô thị-thị tứ)

Đây là những khu vực nếu phát triển tốt, sẽ trở thành những điểm “đô thị hóa” ngay tại làng xã. Như vậy, tiền đô thị là điểm dân cư chuyển tiếp nông thôn – đô thị, sẽ lan tỏa dần sang các khu vực khác để rồi có thể phát triển thành thị trấn. Sự phát triển xen kẽ này sẽ hình thành một mạng lưới đô thị phân tán, giúp quá trình phát triển nông thôn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đô thị lớn PTBV (hình 3a)

b. Tổ chức không gian đô thị cấp huyện (thị trấn, thường là đô thị loại 3 hoặc 4)

Để các đô thị này có thể PTBV, cần tập trung phát huy nhiều mô hình phi nông nghiệp đa dạng khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các mô hình nông trại sử dụng cơ giới hóa nông nghiệp, mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…Trung tâm thị trấn cũ sẽ tiếp tục phát triển mật độ cao, trên cơ sở định hướng hệ thống giao thông công cộng. Phát triển các khu vực nông nghiệp công nghệ cao trong sự liên kết với các khu công nghiệp . Cuối cùng là khu vực nông thôn, các xã ngoại thị với mô hình nông trại và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng (hình 3b)

Phát triển không gian đô thị tại Hà Nam theo hướng bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
c) Tỷ lệ đô thị hóa chênh lệch cao giữa các huyện, thành phố tiềm ẩn bất cập trong phát triển ĐTBV (biểu đồ xây dựng trên cơ sở tổng hợp số liệu từ [16], [17])

c. Tổ chức không gian thành phố Phủ Lý (đô thị loại 2 của Hà Nam)

Để đảm bảo chất lượng không gian đô thị PTBV, cần có các mô hình kinh tế bền vững tại đô thị, do đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong thành phố cần có lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch và tạo ra cụm liên kết ngành công nghiệp nhằm hướng tới việc hình thành các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, bao gồm cả các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. KCN càng lớn, mức độ tập trung công nhân càng cao vì vậy hệ thống giao thông công cộng phải được giải quyết ngay, hình thành cơ sở cho các tuyến giao thông đô thị khác. Hiện nay trục động lực phát triển của Phủ Lý hướng dọc theo hướng Bắc –Nam trên cơ sở tuyến giao thông kết nối Hà Nội – TPHCM. Dọc theo tuyến hiện nay đã và đang phát triển các KCN, CCN . Ngoài ra còn có dự án khu đô thị Đại học Nam cao ở phía Bắc và phía Nam có dự án trung tâm nghiên cứu y học và bệnh viện chất lượng cao. Đây là điều kiện giúp Phủ Lý phát triển không gian đô thị – công nghiệp – dịch vụ bên cạnh khu vực đô thị cũ. Như vậy, bên cạnh đô thị cũ sẽ được chỉnh trang lại theo hướng hình thành đô thị nén, tạo điều kiện liên kết các khu chức năng bằng giao thông công cộng thuận lợi, kết nối hệ thống cây xanh với hồ, sông suối tự nhiên thành hạ tầng xanh, tạo điều kiện phát triển hệ thống không gian công cộng phục vụ người dân. Đô thị phát triển thông qua dự án các đô thị mới theo mô hình đô thị – công nghiệp – dịch vụ. Mô hình này đòi hỏi phải sắp xếp lại các ngành công nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao và có khả năng hô trợ nhau phát triển (hình 4).

Phát triển không gian đô thị tại Hà Nam theo hướng bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
c) Nhà máy xi măng và tác động của nó tới môi trường

Đô thị PTBV là một vấn đề không mới. Tuy nhiên, để hình thành một đô thị bền vững là một quá trình tự cân bằng. Không gian đô thị là vỏ bọc vật chất cho các hoạt động chức năng trong lòng đô thị, do đó sự phát triển đô thị cũng là sự phản ánh trạng thái mất cân bằng bên trong. Vì vậy, để đô thị PTBV, phải luôn thiết lập sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường

Kết luận

Phát triển đô thị tại các địa phương có đa số dân cư sinh sống bằng nông nghiệp như Hà Nam sẽ không chỉ dựa vào công nghiệp hóa, mà phải cần kết hợp các mô hình phát triển nông nghiệp dựa vào công nghiệp .

Hệ sinh thái tự nhiên luôn tự cân bằng do có sự liên kết chặt chẽ với nhau của các yếu tố trong hệ thống, vì vậy khi đô thị là một không gian bao gồm cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo cũng sẽ phải thiết lập một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nhằm hướng đến sự phát triển cân bằng.

Bền vững chỉ là một trạng thái của cân bằng, trong khi đó phát triển lại là sự phá vỡ, nên PTBV là hai mặt của một vấn đề cần được xem xét có tính hệ thống. Sự phát triển quá nhanh của một yếu tố luôn dẫn đến sự phá vỡ cân bằng của hệ thống, và cần được điều chỉnh lại bằng cách điều chỉnh tương ứng các yếu tố cấu thành trong hệ thống. Vì vậy, các dự án phát triển đô thị phải được cân nhắc trên cả 3 yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường

Phát triển bền vững đô thị là một quá trình lâu dài cân bằng các yếu tố kinh tế – xã hội môi trường, do đó các quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn với các mục đích rõ ràng trong từng lĩnh vực.

Các nhà hoạch định chính sách cần tập trung hướng các nguồn đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị bền vững như: hạ tầng xanh, giao thông công cộng, sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả và hạ tầng số trong quản lý đô thị.

KTS Nguyễn Nam

Khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng – Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia http://vbpl.vn/hanam/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=140196;

2. C.A. Brebbia &W.F.Florez-Escobar – Editors. The sustainable City X. Tenth International Conference on Urban Regeneration and Sustainability. Sponsored by WIT press;

3. Andre sorenso, Peter J. Marcotollio and Jill Grant. Towards sustainable cities. Pub. Routledge;

4. Jingjzu Jzao. Towards sustainable cities in China , Analysis and Assessemant of some Chinese cities 2008. Pub. Springer;

5. Luật quy hoạch đô thị. Chương 1, điều 13;

6. Lester R. Brown, Xây dựng một xã hội bền vững (New York: W W Norton and Co, 1981);

7. Centre de Prospective et d’Études Urbaines – trung tâm Dự báo và Nghiên cứu Đô thị – PADDI;

8. Jianguo Wu. Urban ecology and sustainability: The state-of-the-science and future directions , Đại học Bang Arizona, Mỹ;

9. Lewis, W. Arthur (1954). “Economic Development with Unlimited Supplies Labour”. The Manchester School, No 22: pp 139-191;

10. Dr.Jean-Paul Rodrigue Transportation and the Urban Form. https://transportgeography.org/transportation-urban-form/;

11. Webside https://diendankinhte.vn;

12. Michael E. Porter.M, Clusters and Competition, Harvard Business School Press. 1998;

13. Countryside Agency, Countryside In and Around Towns: The Green Infrastructure of Yorkshire and the Humber, Countryside Agency, Leeds, 2006. webside https://moc.gov.vn/;

14. Sổ tay quy hoạch và thiết kế đô thị tại Việt Nam – Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch, năm 2010);

15. Jim Lee, ASLA; Ashley Langworthy; Wan Chih-Yin; Alec Hawley; and Shannon Bronson . Nanhu Farm town in the big city. Landscape Architect: SWA Group, San Francisco;

16. Thuyết minh tổng hợp Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030. Sở xây dựng Hà Nam;

17. Niên giám thống kê 2019;

18. webside đảng bộ tình Hà Nam-html//tuhn.vn];

19. Nguyễn Nam. Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao – giải pháp phát triển Bắc giang theo định hướng phát triển bền vững. Tạp chí kiến trúc Việt Nam số 1 năm 2020.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển không gian đô thị tại Hà Nam theo hướng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.