Thứ sáu, 29/03/2024 13:49 (GMT+7)

Phát triển kinh tế biển: không chỉ có đô thị nghỉ dưỡng!

MTĐT -  Thứ ba, 04/05/2021 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM không thể chỉ đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển “trên đất” và “trên vai” của Cần Giờ, xây dựng “khu nghỉ dưỡng” hay “khu du lịch sinh thái”, kể cả “đô thị biển” ở Cần Giờ.

TP.HCM không thể chỉ đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển “trên đất” và “trên vai” của Cần Giờ, xây dựng “khu nghỉ dưỡng” hay “khu du lịch sinh thái”, kể cả “đô thị biển” ở Cần Giờ với quy mô phù hợp như thế nào, đặc biệt chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà chỉ nên xem là một trong nhiều nội dung và dự án để thực hành kinh tế biển.

Từ năm 2007 đến nay, đã có một số nhà đầu tư đề nghị xây dựng “biển nhân tạo” hoặc “khu du lịch đô thị lấn biển” ở Cần Giờ để đẩy mạnh kinh tế du lịch của TP.HCM(1). Mới nhất, đã có thêm nhiều ý kiến xây dựng cả huyện Cần Giờ thành “đô thị biển”(2). Việc phát triển đô thị Cần Giờ được coi là một nội dung quan trọng để phát triển kinh tế biển trên địa bàn thành phố(3). Trong đó, loại hình đô thị nghỉ dưỡng sinh thái đang được nói đến nhiều.

“Cận cảnh” chứ không còn là “viễn cảnh” của một đô thị tấp nập du khách, sắp ra đời bên bờ đại dương đã và đang làm giá đất ở Cần Giờ leo thang, không khác chi Phú Quốc. Phải chăng hình ảnh đô thị sáng chói, đầy hấp dẫn đó có thể làm che lấp nhiều nội dung “sáng giá” khác của kinh tế biển? Phải chăng phát triển kinh tế biển cho Việt Nam, trong đó có TP.HCM chỉ có thể dựa vào trụ cột duy nhất là “công nghiệp không khói”?

Thiết nghĩ, câu trả lời đã có ở một thực tế rộng lớn hơn.

Bãi biển Cần Thạnh còn hoang dã, hướng ra phía Vũng Tàu (Ảnh tác giả chụp ngày 29.3.2021)

Ra biển với hơn 20 ngành nghề sinh lợi

Oceans Economy - Kinh tế biển ngày nay phục vụ ba mục tiêu mang tính toàn cầu, đó là Khai thác Thực phẩm và Khoáng sản,  Ngăn ngừa biến đổi khí hậu và Duy trì trục giao thông đại dương – xương sống của thương mại

Kỳ họp thứ 14 năm 2016 của tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2016 đã xác định như trên(4). Các quốc gia khi tiến ra biển để làm kinh tế cần nhắm đến cột mốc cuối cùng chính là phát triển bền vững, tăng trưởng doanh thu đi liền với tăng trưởng chất lượng sống.

Theo người viết, hiện tại do đại dịch Covid-19, người ta càng nhận ra chính biển và kinh tế biển sẽ là nguồn lực quý giá đáp ứng được nhu cầu gia tăng các nguồn thực phẩm và dược phẩm đặc biệt. Đồng thời, biển và kinh tế biển góp phần tạo ra môi trường và cách thức ăn ở, đi lại, làm việc mới để tránh tập trung dân số cao độ, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan lớn.

Bước vào thế kỷ 21, kinh tế biển không chỉ bao gồm các hoạt động đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí hay kinh doanh du lịch đơn thuần. Nhiều nghiên cứu quốc tế trong những năm gần đây cho thấy kinh tế biển hiện đại là một bộ máy lớn, bao gồm một loạt ngành sinh lợi rất đa dạng và chuyên sâu(5). Trong đó, có hơn 20 nhóm ngành kinh tế - kỹ thuật – những “binh chủng” phong phú và tinh nhuệ như sau:

1. Đánh bắt hải sản (Fisheries)

2. Chế biến hải sản (Fish processing)

3. Nuôi trồng hải sản (Aquaculture, bao gồm cả các loại tảo, cỏ biển…)

4. Năng lượng tái tạo (Renewable Energy như gió, thủy triều, mặt trời…)

5. Khử mặn (Desalination)

6. Chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt (Water makers)

7. Bảo vệ môi trường biển (Sea Environmental Science and Engineering, nghiên cứu khoa học và chế tạo thiết bị xử lý nước thải và rác trên biển…)

8. Phòng chống bão và biến đổi khí hậu (Storm and Climate change protection)

9. Sử dụng rừng ngập mặn (Mangroves)

10. Sử dụng các rặng san hô (Coral Reefs)

11. Dược phẩm biển (Medicine from the Sea)

12. Khai thác khoáng sản biển (Sea Water Mining)

13. Khai thác dầu khí (Offshore Oil and Gas)

14. Công nghiệp hóa dầu (Chemical Petroleum )

15. Đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền (Ship building and repairs)

16. Vận chuyển biển (Sea Transport)

17. Xây dựng và điều hành cảng (Port activities)

18. Chế tạo phương tiện đi lại dưới biển (Underwater vehicle manufacturing)

19. Xây dựng trên biển và dưới biển (Marine Civil Engineering)

20. Lấn biển, khai phá đất mới (Land Reclaimation)

21. Du lịch ven biển và trên biển (Coastal and Maritime Tourism)

Mặt khác, còn phải kể đến các nhóm ngành kết hợp xã hội - nhân văn và kinh tế như khảo cổ biển (Maritime Archeology), nhân học biển (Maritime Anthropology), văn hóa biển (Maritime Culture)  hay nghiên cứu cư dân vùng biệt lập (Isolated Community) và các bảo tàng hàng hải (Maritime Museum) cùng nhiều loại bảo tàng liên quan tự nhiên và lịch sử các quốc gia biển đảo. Ngoài ra, còn phải kể đến các ngành công nghiệp quốc phòng liên quan biển.

Đồng thời, càng không thể quên các ngành đào tạo và cung cấp nhân lực cho Kinh tế Biển từ thuyền trưởng, thủy thủ, hoa tiêu đến kỹ sư các ngành, nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu, chuyên viên hải quan, pháp lý, tổ chức du lịch…

Lấy điện và khắc phục biến đổi khí hậu từ biển. Từ tháng 3.2021, Singapore triển khai 13.000 tấm pin mặt trời trên biển để tạo ra 5 Mega Watt điện năng, đủ cung ứng cho điện cho 1.400 căn hộ/ năm (nguồn: Báo BR news của Indonesia)

Chọn hướng ưu tiên và phát triển liên ngành

Dĩ nhiên, khi mở ra kinh tế biển, không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành ven biển khác đều phải xem xét, chọn lọc kỹ để ưu tiên đầu tư cho những ngành nghề nào sinh lợi cao nhất và khả thi nhất.

Muốn thế, chúng ta không thể chỉ xem xét trên cơ sở các nguồn lực hiện có mà còn cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường thế giới. Nhất là hiện trạng phát triển và cạnh tranh kinh tế biển của các nước trong khu vực và các nước tiên tiến. Trong đó, rất cần chú ý thực tế và kinh nghiệm của Singapore - một đảo quốc láng giềng Việt Nam, có quy mô và khởi điểm phát triển tương đồng với TP.HCM.

Nhìn lại quá trình xây dựng kinh tế của Singapore, chúng ta thấy vào hai thập niên 1960 -1970, đảo quốc này từng “vất bỏ” các ngành thâm dụng lao động (may mặc, giày dép, lắp ráp máy móc…), kể cả ngư nghiệp và nông nghiệp. Singapore cũng không “mơ” đến chế tạo xe hơi hay sản xuất hàng tiêu dùng. Thay vào đó, Singapore tập trung phát triển thành công công nghiệp hóa dầu, cảng container và sửa chữa tàu thuyền.

Bên cạnh đó, Singapore mở mang nhanh chóng và hùng mạnh các ngành tài chính - chứng khoán - ngân hàng và đặc biệt là viễn thông và hàng không. Sang hai thập niên 1980 - 1990, Singapore đẩy mạnh phát triển công nghiệp du lịch, trong đó điển hình là xây dựng Khu du lịch phức hợp trên đảo Sentosa (đầu những năm 2000 đưa thêm Casino vào đây) và các tour lữ hành xuyên đại dương (Cruise Tour).

Trong vòng 30 năm trở lại đây, Singapore kiên trì lấn biển, lấy đất mở sân bay mới, mở rộng khu phố tài chính, xây dựng hệ thống kênh giữ nước sông và đê ngăn nước biển xâm nhập. Singapore đã mở ra Khu du lịch sinh thái (Gardens by the Bay) ngay trên đất lấn biển, thu hút thêm hàng triệu du khách. Những năm gần đây, Singapore tiên phong khởi động công nghiệp lọc nước biển thành nước ngọt, thành lập trang trại trên biển, sử dụng năng lượng mặt trời, xây dựng dân dụng trên biển và dưới biển.

Để thực hiện những ngành kinh tế liên quan biển như trên, từ nhiều thập niên trước, Singapore còn nỗ lực xây dựng các trường đại học, cao đẳng công lập trở thành các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và đào tạo nhân lực bậc cao.

Việt Nam có dân số đông, “rừng vàng, biển bạc” không nhỏ, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia biển đảo ở nhiều châu lục để xác định các hướng hoạt động kinh tế Biển hiệu quả cho từng thời kỳ khác nhau.

Với TP.HCM, chúng tôi đề nghị không thể chỉ đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển “trên đất” và “trên vai” của Cần Giờ, xây dựng “khu nghỉ dưỡng” hay “khu du lịch sinh thái” và kể cả “đô thị biển” ở Cần Giờ với quy mô phù hợp như thế nào, đặc biệt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà chỉ nên xem là một trong nhiều nội dung và dự án để thực hành kinh tế biển.

Trại nuôi cá trên biểnTừ tháng 11.2019, Singapore lập trại nuôi cá đầu tiên ngoài biển khơi và sẽ thay thế dần cho các trại nuôi hải sản ven bờ. Chính phủ Singapore đặt mục tiêu các trang trại nuôi cá ngoài biển khơi sẽ đóng góp 30% nguồn dinh dưỡng cho quốc gia này vào năm 2030. Các trang trại trên biển vừa tiết kiệm đất đai, nhà xưởng, vừa sử dụng năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường (nguồn: báo Today online)

Khởi động kinh tế biển từ đào tạo!

Hơn bao giờ hết, chính quyền cần triển khai nghiên cứu sâu rộng khả năng thực hiện nhiều ngành kinh tế biển thiết thực nhất trên không gian toàn thành phố và liên kết vùng. Qua đó, cần chú ý nghiên cứu ngay việc đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế biển. Về mặt này, TP.HCM đã và đang kế thừa một số các cơ sở đào tạo và nghiên cứu liên quan biển đã có mặt từ rất sớm với nhiều kinh nghiệm và nhân lực quý báu(6).

Chẳng hạn Trường Cơ khí Á châu – École des Mechaniciens Asiatiques (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), thành lập năm 1906, tại trung tâm thành phố. Đây là trường đào tạo nhân lực hàng hải chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta, chuyên “sản xuất” thợ cơ khí tay nghề cao cho tàu thuyền hải quân và dân sự. Học viên của trường được huấn luyện để chế tạo, sửa chửa và vận hành máy tàu và các thiết bị liên quan.

Mặt khác, học viên còn được học tiếng Pháp, kỹ năng bơi, kỹ năng công tác vệ sinh và cấp cứu trên tàu (phần nào đó là công việc của thủy thủ). Chương trình học tại trường là hai năm, liền sau đấy thực hành hai năm ở Hải quân rồi mới được thi và lãnh bằng tốt nghiệp.

Hoặc, Trường Thương mại Đông Dương ra đời năm 1920, có cơ sở đào tạo ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Ngoài các môn học về thương mại, ngân hàng, tài chính, kế toán, sinh viên trường này được học về hải quan, luật thương mại và luật hàng hải, thiết bị hàng hải, buôn bán giữa Đông Dương và các nước. Đặc biệt, sinh viên còn được học tiếng Anh thương mại và ngay cả văn chương Anh.

Thêm nữa, trước đây thành phố còn có Trường Cao đẳng Hàng Hải (thuộc Trung tâm kỹ thuật quốc gia Phú Thọ) thành lập năm 1957. Đây là trường chuyên đào tạo thuyền trưởng và kỹ sư cơ khí tàu thuyền. Đặc biệt, Hải học viện Nha Trang, ra đời hoạt động độc lập từ năm 1930 nhưng đến năm 1969, đã được đặt dưới sự quản lý của Viện đại học Sài Gòn. Nhờ vậy, Viện Đại học Sài Gòn, bắt đầu đào tạo Cử nhân về Hải học (Ocean studies). Trong khi ấy, trường Cao đẳng, về sau là Đại học Nông Lâm Súc, từ năm 1963 đặt tại Sài Gòn, cũng đã đào tạo ngành ngư nghiệp.

Như vậy, không gian đặt các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cho kinh tế biển không nhất thiết chỉ đặt ở ven biển mà còn có thể đặt ở nhiều nơi khác để sử dụng lợi thế có sẵn về cơ sở vật chất và nhân lực.

Bảo tàng Hàng hải Úc. Bảo tàng thành lập năm 1988, đặt tại khu vực cảng Darling ở Sydney. Năm 2019, nơi đây đã thu hút một triệu khách (nguồn: sea.museum)

Hiện tại, TP.HCM vẫn đang rất cần một Đại học Hàng hải, Đại học Hải học và Ngư nghiệp xứng tầm quốc gia và Đông Nam Á. Ngay tại Cần Giờ, ngoài các cơ sở du lịch, chính quyền nên tính đến thiết lập các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại chỗ về khắc phục biến đổi khí hậu, xử lý rừng ngập mặn, năng lực tái tạo, trang trại trên biển, dược phẩm từ biển (kể cả từ việc nuôi yến), hàng hải… Các cơ sở này kết nối chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà máy ở các quận huyện không giáp biển và các tỉnh thành khác.

Mặt khác, để phát triển kinh tế biển ở quy mô thành phố hay quốc gia, rất cần đưa các nội dung giảng dạy về pháp lý giao thương kinh tế biển, chủ quyền biển, kiến thức xã hội liên quan biển đảo vào các trường đại học kinh tế và nhân văn.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, toàn bộ việc thay đổi và kiện toàn hệ thống đào tạo phục vụ kinh tế biển còn phải bắt đầu từ việc nuôi dưỡng ý thức về Quốc gia biển, Đô thị biển, Kinh tế biển cho thế hệ trẻ ngay từ bậc học mầm non đến trung học và cao hơn.

Việc này cần thực hiện thông qua giáo dục kiến thức căn bản về sông nước, biển đảo, giao thương quốc tế, các ngành nghề hàng hải, thủy sản, dầu khí, đóng tàu và các ngành liên quan, luật pháp quốc tế. Nhà trường cần truyền giảng các kiến thức trên một cách phù hợp, tùy bậc học vào trong các môn học từ học vần, văn học đến sử - địa, giáo dục công dân, luật pháp và sinh hoạt ngoại khóa. Mặt khác, nhà trường cần sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện công nghệ số, nghệ thuật và phim ảnh để đẩy mạnh việc thông tin, quảng bá nói trên.

Qua đấy, chúng ta sẽ phải chấm dứt việc dạy thế hệ trẻ rằng đất nước ta giàu có “rừng vàng biển bạc” mà ngược lại cần nhấn mạnh chỉ có trí tuệ và khát vọng mạnh mẽ thì Việt Nam mới có thể khai phá và giữ gìn các tài nguyên này. Trong đó, muốn làm giàu cho đất nước bằng tài nguyên biển, cần thông qua phát triển đa ngành bao gồm: công nghệ, thương mại và hợp tác quốc tế.

Người dân, doanh nhân TP.HCM và cả nước, không thể chỉ tập trung tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh địa ốc ở vùng biển hay các khu nghỉ dưỡng và đô thị du lịch ven biển!

Chú thích:

(1) Xem ps://tienphong.vn/bi-thu-thang-goi-y-xay-bien-nhan-tao-o-can-gio-post938820.tpo

(2) Xem https://www.saigonvillas.vn/2020/09/du-an-lan-bien-can-gio-cua-vingroup-quy-mo-the-nao/

(3) Xem https://vietnambiz.vn/can-gio-se-phat-trien-thanh-khu-do-thi-du-lich-sinh-thai-bien-20210425082147835.htm

(4) Xem https://unctad.org/topic/trade-and-environment/oceans-economy

(5) Xem các tài liệu tham khảo tại:

https://www.bluebioalliance.pt/links/sea-economy/

https://www.scseagrant.org/south-carolinas-ocean-economy-infographic/

https://www.examrace.com/Current-Affairs/NEWS-Blue-Economy-Versus-Ocean-Economy.htm

https://bioengineer.org/ocean-100-small-group-of-companies-dominate-ocean-economy/

http://www.worthminer.com/ocean-infographics/2/

https://coast.noaa.gov/states/fast-facts/tourism-and-recreation.html

https://aambpublicoceanservice.blob.core.windows.net/oceanserviceprod/economy/Blue-Economy%20Strategic-Plan.pdf

https://www.weforum.org/agenda/2019/06/world-oceans-day-blue-bonds-can-help-guarantee-the-oceans-wealth/

https://www.weforum.org/agenda/2019/06/world-oceans-day-blue-bonds-can-help-guarantee-the-oceans-wealth/

(6) Xem tham luận Phát triển kinh tế biển cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạocùng người viết, Kỷ yếu Hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” ngày 30.3.2021

Theo Trần Hữu Phúc Tiến/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế biển: không chỉ có đô thị nghỉ dưỡng!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới