Thứ sáu, 29/03/2024 15:30 (GMT+7)

Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội- Một số giải pháp từ khía cạnh quy hoạch

MTĐT -  Thứ năm, 01/12/2022 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm qua, kinh tế đô thị tại Thủ đô đã được quan tâm phát triển, ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được hết lợi thế.

1. Phạm vi của kinh tế đô thị đề xuất đối với thành phố Hà Nội

Hiện nay, do cách định nghĩa, cách giải thích về đô thị khác nhau nên cũng có nhiều cách giải thích về kinh tế đô thị. Trong giáo trình “Kinh tế đô thị” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra khái niệm “Kinh tế đô thị là kinh tế của một đơn vị hành chính là đô thị”.

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, dựa trên cơ sở kinh tế đô thị là kinh tế của các đơn vị hành chính được xác định là đô thị và tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn nhưng khu vực đô thị là chính, đóng vai trò chủ đạo.

Với góc nhìn như trên, kinh tế trên toàn bộ lãnh thổ của thành phố Hà Nội được nhìn nhận là khu vực kinh tế đô thị, mặc dù trong đó có cả kinh tế khu vực nông thôn (các huyện, xã ).

Khi thực hiện Chuyên đề nghiên cứu “Phát triển kinh tế đô thị TP. Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp”(1), Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu về kinh tế đô thị là toàn bộ các vấn đề phát triển kinh tế trên địa bàn toàn Thành phố, gồm cả các huyện ngoại thành.

Khi xét đến vai trò kinh tế đô thị đối với một đơn vị hành chính cấp tỉnh, đặc biệt với đặc điểm khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ rất lớn cả về diện tích và dân số của thành phố Hà Nội, việc định nghĩa kinh tế đô thị theo khái niệm “Kinh tế đô thị là kinh tế của một đơn vị hành chính là đô thị” sẽ giúp làm rõ, đưa ra các giải pháp cụ thể để phát huy tốt hơn sự phát triển kinh tế của khu vực đô thị, tăng cường vai trò của khu vực này trong phát triển toàn bộ lĩnh vực kinh tế của Thành phố. Trong bài viết này, nội hàm kinh tế đô thị sẽ được xác định trong phạm vi khu vực đô thị của Hà Nội.

(1) Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - năm 2020, Chuyên đề phục vụ Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Kinh tế Trung ương

2. Hiện trạng kinh tế đô thị của Hà Nội

(1) Kết quả đạt được về phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội

- Tốc độ tăng trưởng khu vực đô thị tương đối cao và ổn định. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tại các quận nội thành thường đạt cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của thành phố, đặc biệt tại một số quận như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng,…tốc độ tăng trưởng bình quân đạt cao trên 10%/năm.

Khu vực 12 quận và thị xã Sơn Tây đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất của thành phố, năm 2015, giá trị sản xuất khu vực đạt 507.055.139 triệu đồng, đóng góp khoảng 76.8% tổng giá trị sản xuất toàn Thành phố, đến năm 2020 giá trị sản xuất khu vực đạt 974.459.398 triệu đồng, đóng góp khoảng 81,89% tổng giá trị sản xuất toàn Thành phố.

Khu vực này đóng góp lớn thu ngân sách trên địa bàn Thành phố trên 80%. Năm 2020 khu vực đóng góp khu vực giảm còn 79,92% thu ngân sách trên địa bàn Thành phố do tác động của dịch Covid-19, trong đó các quận đứng top đầu về số thu ngân sách với số thu trên 10 nghìn tỷ đồng như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm.

Giai đoạn 2015 -2019, khu vực 12 quận và thị xã Sơn Tây trung bình đóng góp khoảng 80% số doanh nghiệp và khoảng 90% vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp.Trong ngành thương mại, dịch vụ, khu vực này đóng góp số cơ sở kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ cá thểgần 50%. Điều này phản ánh khu vực phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp.

Giai đoạn 2015-2020, mật độ kinh tế toàn khu vực tăng từ 1.215.599 triệu đồng/km2 lên 2.166.339 triệu đồng/km2 (gấp 1,78 lần). Khu vực nội đô lịch sử phát triển nhanh với mật độ cao, từ 6.632.592 triệu đồng/km2 lên 11.809.275 triệu đồng/km2 (gấp 1,78 lần). Khu vực nội đô lịch sử vẫn thể hiện vai trò là khu vực trung tâm phát triển kinh tế của Thành phố. Khu vực nội đô mở rộng tăng từ 728.709 triệu đồng/km2 lên 1.484.675 triệu đồng/km2 (gấp 2,04 lần). Trong khi toàn Thành phố mật độ kinh tế năm 2020 chỉ đạt 303.600 triệu đồng/km2.

- Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, thể hiện đầy đủ đặc trưng của một đô thị hiện đại như Thủ đô các nước phát triển với tỷ trọng và đóng góp của khu vực dịch vụ chiếm từ 70-90%. Điển hình là các quận nội đô lịch sử; ngoài ra một số quận mới thành lập cũng có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, không còn khu vực nông nghiệp.

- Một số ngành trọng điểm trong kinh tế đô thị được xác lập và phát triển. Một số lĩnh vực phát triển tốt như thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã thể hiện rõ vai trò của ngành bán lẻ giúp đảm bảo cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô; dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Ngành du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các điểm du lịch trọng điểm. Dịch vụ giáo dục, đào tạo; y tế chất lượng cao ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân dân Thủ đô. Các dịch vụ tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa.

- Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiệu quả hơn, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành khu vực thành thị năm 2020 đạt 8605 nghìn đồng (cao gần gấp 1,9 lần so với khu vực nông thôn, cao hơn 1,4 lần so với toàn thành phố); xuất hiện nhiều nhóm người trung lưu, thu nhập cao với lối sống đô thị được tạo lập.

Kinh tế đô thị không chỉ tạo việc làm cho khu vực đô thị, mà còn tạo rất nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hoá (ĐTH) nhanh có tác động tích cực đến lao động việc làm khu vực ngoại thành Hà Nội. Số lượng việc làm tăng nhiều tại khu vực ĐTH nhanh, bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành. Hình ảnh dòng người ùn tắc giao thông theo chiều vào khu vực nội đô vào buổi sáng và ra ngoại thành vào buổi chiều tại các cửa ngõ Thủ đô là minh chứng cho việc người lao động ngoại thành ngày càng có nhiều việc làm trong nội thành.

tm-img-alt
Biểu đồ: Cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế lớn

Nguồn: Tổng hợp Niên giám thống kê Hà Nội

Biểu đồ trên cho thấy sự biến động rõ rệt từ khối lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực thương mại – dịch vụ (trong khi tỷ trọng lao động công nghiệp – xây dựng hầu như không thay đổi). Dấu hiệu này cho thấy kinh tế đô thị góp phần đáng kể trong chuyển đổi cơ cấu lao động toàn Thành phố, đặc biệt khu vực nông nghiệp.

- Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khu vực đô thị tiếp tục được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Với số lượng doanh nghiệp đăng kí tăng hằng năm, chiếm 80%/tổng số doanh nghiệp toàn địa bàn, thu hút 77% lực lượng lao động toàn thành phố; Tổng số vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp khu vực đô thị chiếm 90,16% tổng số vốn bình quân của các doanh nghiệp trên địa bàn;đóng góp đáng kể cho ngân sách Thành phố.

(2) Những khó khăn, hạn chế:

- Tăng trưởng kinh tế đô thị chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị còn chậm.

Tỷ trọng ngành công nghiệp ở nhiều quận còn ở mức cao. Các sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh ở mức thấp. Còn thiếu doanh nghiệp mang tầm toàn cầu tạo nòng cốt để hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế đô thị.

Ngành dịch vụ phát triển chủ yếu vào lĩnh vực thương nghiệp chiếm đến trên 70% doanh thu của ngành dịch vụ tại các quận. Tuy nhiên, hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn. Chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao. Các ngành dịch vụ chất lượng cao cấp chậm phát triển, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển chung theo tiến trình hội nhập quốc tế cũng như chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của khu vực đô thị; Dịch vụ du lịch vẫn chưa thực sự phát huy được tối đa tiềm năng lợi thế khu vực đô thị.

Nông nghiệp đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa thể hiện rõ nền nông nghiệp đô thị, chưa mang đặc điểm đặc trưng của nông nghiệp đô thị và phục vụ trực tiếp cho khu vực đô thị.

- Các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới phát triển còn mang tính tự phát, còn nhiều bất cập hạn chế, việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao.

- Một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người của Hà Nội ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị. Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

- Việc phát triển đô thị và đô thị hóa thời gian qua chưa thể hiện rõ bản sắc của từng địa phương; chưa phát huy tối đa các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế đô thị như tiềm năng, lợi thế về quy mô kinh tế, vị trí địa lý, văn hóa - xã hội đặc sắc,…

- Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, nhất là tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép. Hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy cũng chiếm 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

3. Đề xuất một số giải pháp từ khía cạnh quy hoạch để phát triển kinh tế đô thị Hà Nội giai đoạn tới

Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành đã khẳng định vai trò quan trọng của phát triển đô thị nói chung và kinh tế đô thị nói riêng giai đoạn tới để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Các nội dung về phát triển kinh tế đô thị đã được xác định khá cụ thể, từ mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp.

Hà Nội là một trọng hai Thành phố đặc biệt của Việt Nam, vì vậy có trách nhiệm rất lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị đã đề ra trong Nghị quyết 06-NQ/TW.

Trong đó, Hà Nội phải là Thành phố đạt được ngưỡng cao trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đô thị, là nơi thực hiện chỉ tiêu “ Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”; đến năm 2045 là một trong “5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn”.

Bên cạnh đó, tháng 5/2022, Trung ương ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều chỉ tiêu phát triển rất cao về tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại.

Trước những yêu cầu rất cao trên, kinh tế đô thị Hà Nội trong giai đoạn tới phải có những bước phát triển đột phá theo hướng văn minh, hiện đại, thông minh, mang lại sự thay đổi vượt bậc về kinh tế, đồng thời góp phần xây dựng đô thị đáp ứng được các chỉ tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TW.

Để thực hiện được điều này, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp đã được định hướng trong Nghị quyết 06-NQ/TW, một trong những giải pháp quan trọng là việc lập và triển khai quy hoạch.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện cùng lúc nhiều công việc liên quan đến phát triển đô thị, đó là: (1) lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và (3) Chương trình phát triển đô thị. Việc nghiên cứu, phân bổ không gian phát triển đô thị, kinh tế đô thị sẽ được thực hiện ở cả 3 văn kiện quan trọng này với từng cấp độ, nội dung khác nhau theo quy định. Người viết khuyến nghị một số nội dung về quy hoạch để phát triển kinh tế đô thị như sau:

1) Về định hướng chung phát triển kinh tế đô thị tại các khu vực đô thị của Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 2012 đã xác định Hà Nội phát triển theo mô hình trùm đô thị, trong đó có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT) và hệ thống các thị trấn sinh thái. Theo nghiên cứu bước đầu, định hướng này về cơ bản vẫn phù hợp đối với Hà Nội. Ngoài ra, Nghị quyết 15-NQ/TW cũng định hướng phát triển một số đô thị mới như mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; các đô thị theo mô hình TOD đối với các tuyến giao thông lớn… Dựa trên những định hướng này, đề xuất định hướng phát triển kinh tế đô thị theo các khu vực như sau:

- Khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội:

Đây là trung tâm đầu não chính trị, cũng đồng thời là biểu tượng văn hoá của Hà Nội, hiện nay và trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển theo phương châm: xanh, đẹp, văn minh.

Đô thị được chỉnh trang, hoàn thiện để cả khu vực nội đô lịch sử đều đẹp (đường phố, nhà, cửa hàng, chợ dân sinh, hệ thống giao thông, sông hồ, khu tập kết chất thải…) và xanh mọi nơi có thể (mái công trình, chợ, đường, công viên..). Hoàn thành cải tạo các hồ (đặc biệt bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả hồ Tây), các dòng sông, trả lại giá trị lịch sử của các sông (Tô lịch, Nhuệ, Đáy, Kim Ngưu…); khai thác các dòng sông đa mục đích (bảo tồn lịch sử, văn hoá ; điều hoà khí hậu; phát triển dịch vụ; thoát nước).

Cả khu vực nội đô được cải tạo, chỉnh trang để khai thác kinh tế đô thị hiệu quả nhất – biến cả khu vực nội đô lịch sử thành khu có thể đi bộ (thiết kế, chỉnh trang sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất để đi bộ: vỉa hè mát, đường đi bộ riêng, nhiều ghế dừng nghỉ, nhiều cây xanh…), để kinh tế vỉa hè, kinh tế hộ phát triển bên cạnh ngành kinh tế hiện đại (thay vì chỉ vài khu phố đi bộ như hiện nay).

Với khu vực này: ưu tiên phát triển các ngành thương mại – dịch vụ, tập trung vào dịch vụ tài chính – ngân hàng, trụ sở chính của các tổ chức kinh tế đa quốc gia; đồng thời phát triển thương mại, du lịch với việc khai thác tối đa lợi thế văn hiến nghìn năm; văn hoá 36 phố phường….

Rà soát lại các quỹ đất công, quỹ đất do di dời các công ty, trường đại học ra khu vực ngoại thành để ưu tiên phát triển không gian công cộng; ưu tiên cho phát triển dịch vụ trình độ cao, giá trị cao: tài chính ngân hàng. Khai thác tối đa diện tích khu vực để quản lý đô thị và phát triển kinh tế: khai thác cả không gian, mặt đất và không gian ngầm một cách hợp lý (vừa để xây dựng hạ tầng, vừa phát triển kinh tế); tăng thời gian kinh doanh, sản xuất bằng cách phát triển kinh tế đêm…

- Các khu vực phát triển đô thị mới:

+ Về định hướng phát triển đô thị: theo hướng xanh, thông minh, hiện đại; bao gồm các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trong Thủ đô, các đô thị chuyên ngành (đô thị công nghiệp, đô thị giáo dục, đô thị sinh thái…): rà soát các đô thị vệ tinh; các khu vực đã được quy hoạch phát triển các khu đô thị; nghiên cứu bổ sung các đô thị mới theo mô hình TOD dọc theo các trục giao thông lớn (vành đai 4, vành đai 5), theo các khu vực chức năng (sân bay, khu đại học, khu công nghiệp…).

+ Định hướng phát triển kinh tế đô thị: Mở rộng không gian kinh doanh thương mại - dịch vụ khi phát triển mới các khu vực đô thị của Thành phố. Đối với các khu vực định hướng phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Hòa Lạc và Xuân Mai), ưu tiên hình thành các trung tâm bán buôn, trung tâm mua sắm Outlet cho khách du lịch, trung tâm thương mại vùng, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung... (gắn với hệ thống sân bay); Đối với khu vực phát triển đô thị thông minh hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài, ưu tiên hình thành các trung tâm thương mại vùng, trung tâm đại diện thương mại, khu dịch vụ logistics, khu tổng kho tập trung …; Đối với khu dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, hình thành các trung tâm mua sắm, khu tổng kho tập trung...; Các khu vực vành đai 4, hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị, sửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh tại các đô thị theo mô hình TOD.

(2) Về quy hoạch, rà soát, phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai

+ Đánh giá hiệu quả sử dụng đất đô thị, rà soát các dự án chậm triển khai để thu hồi, giao phát triển các dự án kinh tế khác, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị.

+ Tiếp tục phát triển các diện tích thương mại, khu mua sắm, cửa hàng tiện ích, dịch vụ văn phòng… trong các toà nhà cao tầng; các không gian công cộng phía trên mặt đất. Nghiên cứu, tham mưu chính sách chuyển quyền phát triển không gian trên địa bàn Hà Nội.

+ Nghiên cứu, tham mưu dành một phần quỹ đất khi di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành để xây dựng các trung tâm tài chính, thu hút các định chế tài chính hàng đầu thế giới.

+ Nghiên cứu, quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (các đầu mối giao thông công cộng lớn của TP, hầm ngầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe công cộng ngầm…), tổ chức các siêu thị, cửa hàng tiện ích để phục vụ dân cư trong vùng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

(3) Định hướng quy hoạch một số ngành kinh tế đô thị quan trọng:

- Quy hoạch, phát triển thương mại – dịch vụ để tiếp tục giữ vai trò trung tâm thương mại

– dịch vụ hàng đầu khu vực phía Bắc.

+ Quy hoạch để xây dựng, cải tạo các chợ trong đô thị đảm bảo mỹ quan đô thị, trở thành các điểm đến văn hoá, thúc đẩy phát triển du lịch.

+ Phát triển mạnh các trung tâm thương mại chất lượng cao; hình thành các khu mua sắm, vui chơi đa chức năng tầm khu vực.

+ Quy hoạch đủ quỹ đất trong đô thị để xây dựng các trung tâm bán buôn lớn, phát huy vai trò là đầu mối phân phối hàng hoá khu vực phía Bắc.

+ Quy hoạch đủ quỹ đất trong các đô thị để thu hut đầu tư các trung tâm dịch vụ giáo dục, khoa học công nghệ, y tế công nghệ cao, thể thao… có quy mô và chất lượng hàng đầu cả nước và ngang tầm với các nước trong khu vực.

- Quy hoạch, phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hoá đặc sắc của nội đô lịch sử

+ Xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao: khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và phụ cận… Trọng điểm đầu tư phát triển công viên Hoàng thành Thăng Long thành công viên văn hóa lịch sử quốc gia.

+ Xây dựng các tour du lịch gắn với điểm đến là các trung tâm mua sắm (khu Outlet), trung tâm sáng tạo, không gian trình diễn thời trang, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, công viên chuyên đề, công viên bảo tàng thiên nhiên, trung tâm du lịch làng nghề truyền thống…

Tăng cường thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng. Xây dựng mới nhằm tăng số buồng khách sạn theo dự báo cho từng giai đoạn phát triển; nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng hiện có để đáp ứng nhu cầu chất lượng dịch vụ du lịch. Cải tạo, chỉnh trang các ngõ ngách khu vực phố cổ, phố cũ, tạo điều kiện để người dân tham gia phát triển phòng khách sạn.

Tập trung quy hoạch một số địa điểm để phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao tại một số quận như: Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Nam Từ Liêm gắn với phát triển du lịch MICE, hạn chế phát triển các khách sạn quy mô nhỏ. Đối với khu vực trung tâm Thủ đô, tập trung mở rộng, nâng cấp chất lượng các khách sạn hiện có.

- Quy hoạch, mở rộng mạng lưới tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Phát triển mạng lưới giao dịch theo các trục, điểm nhấn phát triển về tài chính ngân hàng như: khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công (trục Nhật Tân – Nội Bài)… Tạo điều kiện thuận lợi để các dịch vụ tài chính, ngân hàng tăng chi nhánh, phòng giao dịch ở địa bàn các khu đô thị mới. Tạo điều kiện về quỹ đất để thu hút các định chế ngân hàng hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại khu vực trung tâm Hà Nội.

- Quy hoạch phát triển công nghiệp – xây dựng công nghệ cao tại khu vực đô thị mới. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, gắn với yêu cầu của dịch vụ (quà tặng phẩm du lịch, công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp văn hóa, dược liệu, hóa mỹ phẩm, thiết bị y tế...), công nghệ tin học (cả phần mềm và phần cứng), công nghệ vật liệu mới (vật liệu nano, vật liệu các bon, kim loại cao cấp, vật liệu sinh học…), công nghệ chế tạo khuôn mẫu; xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Phát triển công nghiệp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

- Phát triển nông nghiệp đô thị tại các khu vực chuẩn bị chuyển từ Huyện thành Quận theo hướng sinh thái góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường, hài hòa giữa thiên nhiên với con người, đồng thời, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm gồm rau xanh, hoa tươi, thực phẩm cho cư dân thành thị, khách sạn, nhà hàng…

- Quy hoạch để phát triển các mô hình kinh tế đêm phù hợp với tính chất khu vực đô thị. Tại khu vực nội đô lịch sử, định hướng phát triển kinh tế đêm chủ yếu là ẩm thực và mua sắm; khu vực đô thị mới phát triển, có thể phát triển thêm các loại hình trò chơi cho giới trẻ./.

Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội- Một số giải pháp từ khía cạnh quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.