Thứ sáu, 26/04/2024 01:54 (GMT+7)

Phát triển kinh tế miền Trung: 'Ngay bây giờ hoặc không bao giờ'

MTĐT -  Thứ tư, 21/08/2019 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Hội nghị phát triển kinh tế Miền Trung ngày 20/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện để phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn".

Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung (gồm 14 tỉnh, tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày 20/8, thu hút được sự quan tâm và đóng góp ý kiến để tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn của "khúc ruột miền trung".

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Miền Trung vẫn còn nhiều tiềm năng của "rừng vàng - biển bạc" chưa được khai thác hiệu quả. Miền Trung phải "bám" biển, khai thác lợi thế hiếm có này để phát triển mạnh mẽ hơn nữa".

Đại diện các địa phương khu vực miền Trung cũng ủng hộ quan điểm lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm để quy hoạch phát triển, nhưng cho rằng Nhà nước cần phải làm "bà đỡ", có cơ chế đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy các địa phương bám biển, phát triển kinh tế biển.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định với chiều dài 1.900km, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia và là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.

Khu phố mới phía bắc TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: TTO.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, miền Trung phải trở thành khu vực phát triển năng động, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Để miền Trung cất cánh, theo ông Dũng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách.

Điều cần chú ý nhất là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm, đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển, xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo cần xây dựng theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, biển đảo...

Phát triển kinh tế biển được xác định là trọng tâm của miền Trung trong thời gian tới. Ảnh: TTO.

Nhắc lại câu chuyện Bình Định "xé rào" vừa cho doanh nghiệp triển khai dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng vừa xin trung ương cho cơ chế hoàn thiện một số thủ tục còn thiếu, ông Dũng khẳng định nếu cứ theo khung quy định mà làm, đến nay dự án vẫn chưa xong.

Theo ông Dũng, một địa phương nhỏ thu hút được nhà đầu tư lớn rất khó, nếu không tạo cơ chế sẽ không thể biến một vùng cát trắng hoang vu thành một khu du lịch biển tầm cỡ. "Do vậy, để cất cánh, để khai thác hết tiềm năng "rừng vàng, biển bạc" thì miền Trung rất cần cơ chế, thể chế đặc thù" - ông Dũng nói.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nhìn nhận, cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng chưa được tổ chức tốt, nên chưa phát huy được lợi thế nhờ quy mô. Ông Cường đề xuất liên kết phát triển kinh tế biển, liên kết phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết xây dựng hệ thống logistics và liên kết phát triển đào tạo.

Về vấn đề liên kết giữa các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tập trung bàn thảo những định hướng lớn, đề xuất cụ thể ý tưởng, giải pháp khả thi có thể triển khai ngay.

“Một bác sỹ giỏi phải bắt đúng mạch, đúng bệnh để chữa bệnh. Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng, luôn đặt miền Trung ở vị trí ưu tiên, trang đầu trong sổ tay chương trình nghị sự của mình. Qua đó, Chính phủ, Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cũng coi trọng và đặt miền Trung lên trang đầu trong sổ tay nghị sự của mình”, Thủ tướng nói.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế miền Trung: 'Ngay bây giờ hoặc không bao giờ'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.