Thứ bảy, 20/04/2024 13:15 (GMT+7)

Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 05/04/2021 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống.

Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thành ủy Hà Nội khóa XVII chỉ rõ trong Chương trình 04/Ctr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống.

Nón lá làng Chuông

Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai nổi tiếng với nghề làm nón lá. Nghề này không chỉ tạo việc làm và tu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn mà còn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa Việt Nam… Cuối năm 2020 vừa qua, nón làng Chuông đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội và có 6 sản phẩm được công nhận 4 sao.

Nghề làm nón ở làng Chuông có từ lâu đời. Lúc đầu, người dân làm nón chỉ để dùng trogn làng, sau ngày càng nổi tiếng, bán khắp nơi với các sản phẩm: Nón thúng quai thao, nón mười, nón lá già ghép sống… Nón làng Chuông hiện nay có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp.

Theo Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng, nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là phụ nữ làm nghề… Hiện cả làng có khoảng 2.400 hộ làm nón, giá một chiếc nón lá trên thị trường dao động từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng tùy chất liệu và cách làm. Nghề làm nón truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, ở làng Chuông, Nghệ nhân Tạ Thu Hương được đánh giá là người thành công trong phát triển nghề làm nón truyền thống. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình bà tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, gia đình nghệ nhân Tạ Thu Hương có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”: Nón quai thao, nón trắng kỹ thuật, nón lá trên lụa, nón lá già ghép sống, nón bõng kỹ đẹp, nón Thái…

Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân

Xã Hoàng Long thuộc vùng chiêm trũng của huyện Phú Xuyên, người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao đời sống cho người dân, xã đã tập trung phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp… Đến nay, xã đã có 4 làng được công nhận là làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề bánh kẹo thôn Cổ Đường, làng nghề mây, tre đan thôn Nhị Khê và Kim Long Trung, làng nghề xây dựng thôn Kim Long Thượng. Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Đào Đức Hội cho biết: Thu nhập bình quân của một lao động làng nghề từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Riêng thôn Cổ Đường có gần 100 hộ chuyên sản xuất kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, chè lam. Nhiều hộ đã đưa máy móc vào các công đoạn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, tại huyện Thường Tín, nhiều làng nghề đã trở thành điểm tựa để phát triển kinh tế nông thôn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết: Thường Tín có 126 làng nghề (trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp thành phố, 48 làng nghề truyền thống) với 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân. Làng nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40.000 lao động địa phương.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Ước tính, tổng doanh thu của các làng nghề đạt 22.000 tỷ đồng/năm. Một số làng nghề như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai (huyện Hoài Đức), cơ khí Phùng Xá, mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)... doanh thu đạt từ hơn 1.000 tỷ đồng/năm đến gần 3.000 tỷ đồng/năm... Tại các làng nghề phát triển, thu nhập của người dân rất cao.

Tuy nhiên, việc phát triển nghề và làng nghề ở Hà Nội còn một số hạn chế. Trong đó, hoạt động sản xuất ở nhiều làng nghề mang tính tự phát, phân tán, thiếu bền vững; quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn...

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế

Khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hà Nội sẽ công nhận thêm hơn 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đồng thời thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đối với các cụm công nghiệp làng nghề hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp mới để thu hút các hộ sản xuất, doanh nghiệp vào hoạt động. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố giai đoạn 2021-2025; qua đó, đưa các sản phẩm làng nghề vào quy chuẩn, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế... Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng tại mỗi huyện, thị xã ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề...

Để phát huy lợi thế làng nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: Huyện đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội bố trí mặt bằng sản xuất cho các làng nghề tại 10 cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Đông Phú Yên (51,83ha), Đông Sơn (4,84ha), Đại Yên (1,4ha)... Hiện tại huyện Chương Mỹ đang kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp là: Đông Phú Yên, Lam Điền, Thụy Hương nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Còn tại huyện Phú Xuyên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh, toàn huyện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 43 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Nhằm khơi dậy tiềm năng, huyện đang tập trung xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để tạo mặt bằng sản xuất, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương đang thúc đẩy nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế để làng nghề phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Xây dựng mô hình kinh tế trang trại

UBND huyện Mỹ Đức cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 150 trang trại, gia trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với diện tích gần 810 ha.  Trong đó có 78 trang trại đạt theo tiêu chí mới của Bộ NN &PTNT (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28-2-2020).

Nhìn chung, doanh thu các trang trại, gia trại trên địa bàn đạt 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 1.100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng. Điểm đáng ghi nhận là cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều phát triển kinh tế trang trại đa dạng loại hình, như: Chăn nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm; chăn nuôi lợn bản địa ở xã An Phú; nuôi ba ba, nhím ở xã Hương Sơn; trồng cây cảnh ở xã Tuy Lai; trồng rau an toàn ở xã Phù Lưu Tế...

Thời gian tới, huyện Mỹ Đức tiếp tục phối hợp với các xã hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại, gia trại; phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nâng cao vai trò HTX trong xây dựng nông thôn mới.

Bằng nhiều hoạt động đa dạng, liên kết sản xuất, xây dựng mô hình chất lượng cao, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, địa phương… những năm qua, HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Ba Vì, HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa) là đơn vị hoạt động hiệu quả, có những đóng góp thiết thực trong nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Việt Hùng cho biết, hợp tác xã thành lập từ năm 2016, đến nay có 15 thành viên, vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng, nuôi hơn 200 con bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó có khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, đời sống của thành viên hợp tác xã và nhiều lao động trong khu vực được cải thiện…

Trưởng phòng kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn giáp Đông cho biết, ngoài hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các hợp tác xã trên địa bàn huyện còn luôn đồng hành, tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang.

 Thực tế, những năm qua, các hợp tác xã phát huy mạnh mẽ vai trò trong phát triển kinh tế địa phương, đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Theo Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội), đến nay, toàn thành phố có 1.253 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.096 hợp tác xã đang hoạt động, 154 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính riêng trong năm 2020, các hợp tác xã đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn...

Khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác xã nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, một số hợp tác xã vẫn chưa phát huy được thế mạnh, tiềm năng... Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đầy đủ; nguồn vốn hoạt động ít...

Để tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời, tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, sẽ thực hiện giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã ngừng hoạt động; giảm số hợp tác xã hoạt động trung bình hoặc yếu; khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, doanh nghiệp trong hợp tác xã. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã về quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, khu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, Hà Nội phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên; hỗ trợ từ 50 hợp tác xã trở lên. Hằng năm, Hà Nội tiếp tục tổ chức diễn đàn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã; triển lãm, trưng bày, giới thiệu thành tựu về kinh tế hợp tác và sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nhân rộng mô hình hay; tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, các hợp tác xã hoạt động hiệu quả...

Chương Mỹ sẽ giải ngân 150 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm

Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, năm 2021, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ có kế hoạch giải ngân 150 tỷ đồng cho khoảng 3.000 lao động trên địa bàn huyện. Để nâng cao hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ nay đến cuối năm 2021, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các mô hình, dự án phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện Chương Mỹ có khoảng 3.300 lượt hộ vay giải quyết việc làm. Nhìn chung, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ nuôi bò 3B Tráng Việt

Phát huy lợi thế vùng bãi ven sông Hồng, đất đai màu mỡ, những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò 3B, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng sản xuất này tạo đòn bẩy để kinh tế của địa phương phát triển bền vững...

Trang trại nuôi 40 con bò 3B theo phương thức vỗ béo của gia đình ông Đinh Công Hiện ở thôn Tráng Việt (xã Tráng Việt) là một trong những hộ điển hình về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Hiện cho biết, gia đình nuôi giống bò 3B từ năm 2015. Theo dõi quá trình nuôi bò 3B, cũng như một số hộ tại địa phương đã nuôi thử nghiệm giống bò này cho thấy, hiệu quả kinh tế rất cao so với giống bò khác, bình quân mỗi lứa bò 3B xuất chuồng, gia đình ông Hiện thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

"Để chăn nuôi bò 3B đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, người nuôi phải chủ động trong khâu chăm sóc, phòng bệnh. Bò 3B thường mắc bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, xoắn khuẩn nên khi nhập bò về nuôi phải tiêm vắc xin đầy đủ và tiêm nhắc lại sau 6 tháng. Ngoài ra, cần duy trì mối liên hệ với cán bộ thú y để được hướng dẫn, tư vấn, chữa bệnh kịp thời cho đàn vật nuôi", ông Hiện thông tin thêm.

Cũng là người chăn nuôi bò 3B, chia sẻ kinh nghiệm, anh Trần Văn Quang ở xã Tráng Việt cho biết, để đàn bò đạt chất lượng cao, người nuôi phải quan tâm đến chế độ ăn uống của bò. Ngoài thức ăn chính là cỏ voi và cám, 3 tháng trước khi xuất bán, vỗ béo đàn bò 3B bằng cách cho bò ăn thêm bã bia, mật mía, bỗng rượu để tăng cường dinh dưỡng cho bò. “Với cách chăm sóc này, 30 con bò 3B của gia đình tôi luôn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Đặc biệt, sau chu kỳ 15-16 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con bò 3B xuất chuồng đạt bình quân 600kg. Với giá bán 95.000-98.000 đồng/kg, mỗi con bò có giá 55-57 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 25-30 triệu đồng/con”, anh Trần Văn Quang nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Trần Văn Khang, thực tế, mô hình nuôi bò 3B trên địa bàn xã đang phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ trở nên khá giả. Hiện, toàn xã có 40 hộ chăn nuôi bò 3B theo hướng hàng hóa với quy mô 10-50 con/hộ, đem lại thu nhập 250-800 triệu đồng/hộ/năm.

Nhìn thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò 3B, các hộ dân trong xã đã đăng ký mở rộng chuồng trại chăn nuôi, tăng quy mô đàn từ 800 con trong năm 2020 lên khoảng 1.000 con bò trong năm 2021.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), để phát triển chăn nuôi bò 3B cần vốn khá lớn nên các địa phương cần khuyến khích những gia đình có kinh tế khá chăn nuôi quy mô nhỏ, mở rộng quy mô qua từng năm, không tăng đàn ồ ạt. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn huyện để đầu tư chăn nuôi bò 3B. Đồng thời, thường xuyên mời cán bộ, chuyên gia chăn nuôi, bác sĩ thú y về tập huấn, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giúp người dân yên tâm phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi...

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

                                       

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ