Thứ sáu, 29/03/2024 20:12 (GMT+7)

Phát triển “lá phổi xanh”

MTĐT -  Thứ tư, 25/10/2017 09:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ năm 2016 đến nay, cùng với nỗ lực cải tạo, xử lý ô nhiễm nguồn nước hồ, TP Hà Nội đã có chủ trương phát triển các hồ nhân tạo.

Các dự án đầu tư được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, được người dân Thủ đô đánh giá cao, góp phần giữ gìn và phát triển “lá phổi xanh” ở thành phố.

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính được kỳ vọng sẽ “giải nhiệt” cho một trong những vùng đô thị đông đúc của Thủ đô. Ảnh: Sơn Hà

Bổ sung hồ điều hòa tại các khu đô thị

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính nằm giữa các khu đô thị lớn, với hàng chục chung cư cao tầng dọc theo các trục đường Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng được kỳ vọng là một "lá phổi xanh" giải tỏa ngột ngạt cho một trong những vùng đô thị đông đúc nhất Thủ đô. Với diện tích khoảng 13,23ha, công viên được chia làm 3 khu chức năng, trong đó hồ điều hòa rộng 8ha, trạm bơm (diện tích khoảng 200m2); công viên cây xanh, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời, đường dạo, diện tích hơn 5,2ha... Dự kiến, sau khi hoàn thành, công viên sẽ trở thành một điểm nhấn giữa lòng Thủ đô.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ xây thêm 25 công viên, trong đó sẽ đào thêm 25 hồ. Khu công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy là một trong những dự án được khởi công trong năm 2016, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), có diện tích khoảng 31,76ha nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Dự án được duyệt với tổng mức đầu tư 938 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Đào hồ điều hòa với diện tích 19ha; còn lại là các hạng mục cây xanh, sân vườn, khu phụ trợ vui chơi với các công trình điển hình như nhà thuyền, khu vực hoạt động vui chơi, nhà hát ngoài trời... Dự án khởi công vào tháng 7-2016 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý III-2018.

Tương tự, Dự án khu công viên - hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch đã vào những giai đoạn thi công cuối cùng. Sau gần một năm khởi công, phần phía Nam của dự án đã cơ bản xong phần hồ điều hòa. Dự án được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư khoảng 957 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 15,1ha, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Cạnh trục đường Tố Hữu và các khu đô thị mới: Trung Văn, Phùng Khoang, Vinaconex 3 là Dự án công viên hồ điều hòa Phùng Khoang. Công trình có tổng diện tích 11,9ha, trong đó, diện tích mặt hồ là 7,1ha; diện tích cây xanh cảnh quan chiếm 4,8ha.

Cải thiện chất lượng nước ở các hồ hiện hữu

Khu công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy

Bên cạnh việc phát triển hồ điều hòa, thành phố đang tập trung cải tạo môi trường nước các hồ hiện hữu. Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội đã và đang nạo vét, cải tạo môi trường nước hơn 100 hồ, trong đó có hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến, tại hồ Tây sẽ nạo vét 1,5 triệu mét khối bùn, sau khi hoàn thành vào tháng 2-2018 sẽ tăng thêm hơn 1 triệu mét khối nước cho hồ. Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã nạo vét các hồ Giáp Bát (quận Hoàng Mai), hồ Công viên quận Long Biên bằng dây chuyền cải tiến, tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm. Dự kiến, trong thời gian tới, công ty tiếp tục nạo vét hồ Kim Liên, hồ Đền Lừ... Sau xử lý, các hồ đã giảm ô nhiễm.

Liên quan đến việc cải tạo hồ nước bị ô nhiễm, ông Nguyễn Đăng Khôi, 76 tuổi, cư trú tại ngõ 354 đường Lê Duẩn (quận Đống Đa) đánh giá rất cao việc thành phố làm sạch nước 2 hồ lớn là Ba Mẫu và Bảy Mẫu (trong Công viên Thống Nhất). “Tôi sống ở đây hơn 40 năm, khi hồ Ba Mẫu chưa được kè, gặp hôm thay đổi thời tiết, tảo chết bốc mùi rất khó chịu. Còn bình thường, hồ là nơi xả rác của một số người dân thiếu ý thức. Nhưng giờ đã khác, hồ được kè sạch sẽ, mặt nước được xử lý nên hơn một năm nay không còn ô nhiễm, nước hồ trong xanh” - ông Nguyễn Đăng Khôi chia sẻ.

Tương tự, ở hồ Hoàng Cầu, chị Nguyễn Phương Chi, nhân viên một công ty truyền thông trên đường Mai Anh Tuấn cho biết: "Chất lượng nước tại hồ đang ngày một tốt lên. Việc cải tạo đã giải quyết tình trạng ô nhiễm nước hồ, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Ở đây giờ đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, tập thể dục hằng ngày".

Không riêng ông Khôi, chị Chi, nhiều người dân sống quanh khu vực ở hơn 100 hồ lớn nhỏ đã được xử lý ô nhiễm trên địa bàn thành phố đều tỏ ra phấn khởi và ủng hộ chương trình cải tạo môi trường hồ nước thực hiện thời gian qua. Nhiều người mong muốn cơ quan chức năng cần duy trì thường xuyên việc giữ gìn môi trường nước, vì mặt nước một số hồ thỉnh thoảng xuất hiện trở lại tình trạng đóng váng.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển “lá phổi xanh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

Tin mới