Thứ sáu, 29/03/2024 02:17 (GMT+7)

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 24/01/2023 14:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm qua, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng vào các ngành công nghiệp từ rất sớm và thu được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, ở nước ta, khái niệm KTTH đang còn rất mới mẻ...

tm-img-alt

Đặt vấn đề

KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu. KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

KTTH giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 được coi như là văn bản pháp lý đầu tiên thừa nhận việc phát triển mô hình KTTH tại nước ta.

Theo đó, Điều 142 Luật BVMT năm 2020 quy định, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Trước đó, các chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo hướng của nền KTTH tại Việt Nam cũng được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các cương lĩnh, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đặc biệt từ khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho đến nay nhằm nỗ lực hướng tới các mục tiêu của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.

Khái quát về KTTH

KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì KTTH chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Định nghĩa về KTTH được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).

Có thể thấy, KTTH là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

KTTH thường được gắn với phát triển bền vững, có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý môi trường, giúp các doanh nghiệp (DN) tiết kiệm năng lượng, tiền bạc và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững và KTTH mang lại những lợi ích ở cấp độ toàn cầu gồm: Tối ưu hóa nguyên vật liệu; nguồn thu nhập mới và sáng tạo; nâng cao mối quan hệ giữa các bên liên quan và uy tín thương hiệu; giảm thiểu rủi ro. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền KTTH giống như một “chiếc hồ”, trong đó việc tái xử lý hàng hóa và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm và tiết kiệm năng lượng, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ nguồn lực và lượng rác thải.

Như vậy, nền KTTH là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nền KTTH tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế… Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Phát triển KTTH tại Việt Nam

Ở Việt Nam, những yếu tố cấu thành của KTTH đã được thể hiện trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị đưa ra các định hướng về khuyến khích tái chế, sử dụng sản phẩm tái. Đến năm 2020, lần đầu tiên thuật ngữ KTTH chính thức được giải thích tại khoản 59, điều 3 của Luật BVMT cụ thể: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp - Liên hợp quốc (UNIDO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu, Việt Nam đã thu hút được 72 DN tham gia vào 4 khu công nghiệp sinh thái ở: Ninh Bình, TP. Cần Thơ và TP. Đà Nẵng (trong đó có 1 khu công nghiệp theo mô hình KTTH) đã áp dụng các công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD.

KTTH thường được gắn với phát triển bền vững, có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý môi trường, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, tiền bạc và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững và KTTH mang lại những lợi ích ở cấp độ toàn cầu gồm: Tối ưu hóa nguyên vật liệu; nguồn thu nhập mới và sáng tạo; nâng cao mối quan hệ giữa các bên liên quan và uy tín thương hiệu; giảm thiểu rủi ro.

Trong đó, hiện nay đã có một số mô hình triển khai thành công về KTTH như Heineken Việt Nam. Mô hình KTTH RESOLVE của Heineken Việt Nam là phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm tạo ra giá trị bền vững cho môi trường, bao gồm giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ tài nguyên nước và tối ưu hóa tài nguyên: (1) Regenerate – Tái tạo: 5 trong số 6 nhà máy của Heineken Việt Nam hiện đang sử dụng năng lượng nhiệt tái tạo, không phát thải carbon; (2) Sharing – Chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững cho toàn bộ nhân viên thông qua chương trình Văn phòng xanh; (3) Optimizing – Tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa giúp giảm 2.000 tấn khí thải CO2; (4) Loop – Tái sử dụng/Tái chế: Heineken Việt Nam hiện gần như không còn chất thải chôn lấp, nhờ tái sử dụng hoặc tái chế 99% chất thải và phụ phẩm.

Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần, và một két bia có thể tái sử dụng trong 5-10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa; (5) Virtualize – Số hóa: Tiến hành chuyển đổi số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh; (6) Exchange – Chuyển đổi: Chuyển sang lắp đặt 100% tủ lạnh xanh thân thiện với môi trường, sử dụng quạt tiết kiệm năng lượng, đèn LED chiếu sáng, môi chất hydrocarbon và được trang bị hệ thống quản lý năng lượng. Điều này giúp giảm bớt chi phí vận hành cho khách hàng.

Ngoài Heineken, một số DN khác đang rất tích cực áp dụng mô hình KTTH như: Unilever Việt Nam, Ly and Man Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam… Theo Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam, mô hình KTTH là mô hình hiện đại, phù hợp xu thế phát triển bền vững, đóng góp những giá trị tích cực về xã hội và bảo vệ môi trường. Những kinh nghiệm hay, những bài học tốt về KTTH Heineken cũng như một số DN khác đang áp dụng chắc chắn sẽ lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng phát triển KTTH ở các khu công nghiệp

Các hình thức áp dụng KTTH trong ngành Công nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện nay nhiều DN đã nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tham gia vào KTTH. Điển hình như Nhà máy Heineken Việt Nam, năm 2016, doanh nghiệp này nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 - 2016, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu của họ để dùng làm nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất của nhà máy.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước của Công ty Lộc Phát là một ví dụ điển hình khác của doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (Gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng. Nhau thai heo và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản là nguồn thực phẩm cho khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn giải quyết tốt vấn đề môi trường, đem lại nguồn lợi rất lớn cho Lộc Phát.

Từ câu chuyện của Heineken và Lộc Phát, có thể hiểu rằng, việc sử dụng nguyên liệu sơ cấp chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là mô hình KTTH, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ đi khái niệm “chất thải”. KTTH có thể hiểu một cách đơn giản là “nền kinh tế phi phát thải”.

Than là nhiên liệu chính cho các lò hơi trong hệ thống máy phát điện chạy bằng hơi nước. Sau quá trình đốt trong lò, sau quá trình sản xuất điện, mỗi nhà máy nhiệt điện thải ra tro xỉ than đáng kể, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, tro xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện được sử dụng rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng và luôn luôn được khuyến khích, đôi khi là một điều kiện bắt buộc.

Ở Việt Nam, đã có dự án nghiên cứu xây dựng một trung tâm tro than để thu gom và xử lý tro của các nhà máy Phả Lại, Uông Bí và Ninh Bình. Tại đây, thành phần than chưa cháy hết còn lẫn trong tro được tách ra, vì để sử dụng được thì tro xỉ than chỉ được phép có dưới 6% lượng than chưa cháy. Sau đó, tro xỉ than được chia làm 2 phần: Tro thô và tro bay. Đây là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, ngành Công nghiệp Xi măng của Việt Nam chưa quan tâm đến nguồn nguyên liệu này, vì cho rằng lượng than chưa cháy nhiều quá làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng than chưa cháy quá cao, nhất là tro của các nhà máy đã quá cũ kỹ như Phả Lại 1, Uông Bí, Ninh Bình. Hơn nữa, hiện chưa có một chính sách khuyến khích nào để đảm bảo lợi nhuận cho đơn vị tái sử dụng nguyên liệu. Với tro của nhà máy mới được xây dựng gần đây là Phả Lại 2 thì chất lượng tốt hơn, hàm lượng than chưa cháy tuy vẫn còn cao nhưng có thể sử dụng được nếu qua xử lý.

Áp dụng KTTH trong công nghiệp ở Việt Nam

Tại Việt Nam, nền kinh tế đang được định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp nên thời gian qua rất được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Đến hết năm 2019, cả nước thành lập được 905 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 30.747,7 ha. Trong các CCN được thành lập, có 358 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư nhiều ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 88,7%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 65,7%), Đồng bằng sông Hồng (chiếm 38,6%), Trung du miền núi Bắc Bộ (36,4%) và thấp ở vùng Duyên hải miền Trung (chiếm 21%), Tây Nguyên (chiếm 15,3%). Năm 2020, cả nước có 696 CCN với tổng diện tích khoảng 21.700 ha đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 65%. Các CCN thu hút gần 12.000 dự án đầu tư và tạo việc làm cho khoảng 600.000 lao động. Trong đó, có 123 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 17,6%); đa số các CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành. Tại các CCN này, các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải trước khi xả trực tiếp ra môi trường.

Đặc điểm của CCN bao gồm phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động phân tán, rời rạc, công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý yếu và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, lượng chất thải từ các cơ sở này thải ra là thách thức lớn. Bên cạnh đó, việc chưa có mô hình xử lý chất thải theo CCN với quan điểm xử lý tận gốc, gia tăng giá trị của các vật chất thải bỏ và giảm chi phí xử lý càng khiến doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả, giảm sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khái niệm “KTTH” còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp của nước ta và chưa có bất kỳ cụm công nghiệp hay doanh nghiệp nào áp dụng vào dây chuyền sản xuất và xử lý chất thải. Điều này càng làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, tiếp đó là hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, việc áp dụng KTTH là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống đang tồn tại, giúp các doanh nghiệp tránh lệ thuộc quá mức vào nguồn nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất, thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu thụ bền vững. Mô hình kinh tế trong các CCN được chuyển đổi cũng là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, Việt Nam chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH. Gần đây, Chính phủ đã tạo điều kiện thúc đẩy áp dụng KTTH. Ngày 16/09/2019, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực KTTH. Nội dung hợp tác trong lĩnh vực KTTH, hướng tới nền sản xuất giảm phát thải, như: Tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp; xây dựng chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật để phát triển các dự án từ chất thải thành năng lượng; giảm thiểu chất thải nhựa, thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện môi trường...

Định hướng phát triển KTTH tại Việt Nam

Để thực hiện KTTH phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam sẽ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền KTTH. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới; quản lý dự án theo vòng đời; thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.

Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích hình thành, phát triển các mô hình KTTH; hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp và công nghệ môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; DN phải là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện KTTH của quốc tế vào lộ trình của mình, đó là: (i) Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu (Group of sectors, products, materials and substances) - có thể gọi tắt là tiếp cận theo loại vật liệu; (ii) Cách tiếp cận theo quy mô kinh tế (Systemic economy-wide implementation): thành lập các không gian địa lý như: Khu công nghiệp, CCN, các thành phố kiểu mẫu, những hoạt động kinh doanh và sản xuất trong các không gian này được thiết kế sao cho kết nối với nhau thành các vòng tuần hoàn, sau đó nhân rộng các mô hình thành công.

Thứ ba, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới; quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Thứ tư, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Thứ năm, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để phục vụ cho việc quản lý và điều chỉnh việc thực hiện KTTH. Thực tế cho thấy, các nước hàng đầu về KTTH trên thế giới đều có hệ thống cơ sở dữ liệu rất tốt về KTTH, trong khi đó ngay cả những dữ liệu cơ bản như ô nhiễm và tỷ lệ chế chất thải rắn qua các năm Việt Nam vẫn chưa thống kê được.

Thứ sáu, thực hiện KTTH cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình KTTH.

Thứ bảy, xây dựng Chương trình giáo dục phổ cập kiến thức KTTH và tiêu dùng thông minh, nhằm nâng cao nhận thức mọi người về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.

Kết luận

KTTH đang là một xu hướng tất yếu. Các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến phát triển nền KTTH nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Điều này đã được cụ thể hóa qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiềm năng áp dụng KTTH có thể trải rộng trong tất cả các ngành và lĩnh vực khác nhau, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ; từ các quy mô nhà máy, doanh nghiệp, ngành công - nông - lâm nghiệp, kinh tế địa phương, vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế trong đó, việc kế thừa, xây dựng và phát triển những mô hình kinh doanh KTTH là nền tảng quan trọng.

Trong những nằm gần đây, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp đang dần hội nhập vào ngành công nghiệp thế giới. Để hội nhập sâu rộng hơn nữa nhằm bắt kịp các nước đã phát triển thì các doanh nghiệp nước ta phải vượt qua được những quy định khắt khe của các hiệp định thương mại liên quan tới bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn phát thải và tuần hoàn chất thải. Do vậy, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH là bắt buộc.

Để thực hiện được, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra các chính sách và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng KTTH, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người dân về trách nhiệm của họ đối với sản phẩm, về việc phân loại và tái chế rác thải, coi rác thải là nguồn nguyên liệu thứ cấp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (1998), Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/06/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
  2. Bộ Chính trị (2004), Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14;
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Báo cáo môi trường quốc gia 2017 – Chuyên đề quản lý chất thải. Hà Nội: NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam;
  4. Nguyễn Thế Chinh (2020), Cơ hội và thách thức cho phát triển KTTH ở Việt Nam, Việt Nam;
  5. Ngọc Quỳnh (2019), Lan tỏa mô hình KTTH tới DN nhựa;
  6. Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Trọng Hạnh (2019), Thực hiện KTTH: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam. VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4, tr.68 - 81;
  7. Nguyễn Hoàng Nam (2020), KTTH và hướng hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Tạp chí Tài nguyên Môi trường, kỳ 2. tr.15 - 17;
  8. Delphine G. et al (2016). Circular Economy, Industrial Ecology and Short Supply Chain, Wiley, Hoboken;
  9. Walter R.S (2010), The Performance Economy, 2nd ed., Palgrave Macmillan, Hampshire;
  10. Walter R.S (2019), The Circular Economy A User’s Guide, Routledge, Oxon.Sadhan K.G (2020). Circular Economy: Global Perspective, Springer, Singapore;
  11. World Economic Forum (2014), Towards the circular economy: accelerating the scale-up across global supply chains, Geneva, Switzerland;
  12. Mika S. et al (2019). The circular economy Case Studies about the Transition from the Linear Economy, Academic Press, London.

Nguyễn Sỹ Tĩnh – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Tài chính

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.