Thứ sáu, 19/04/2024 06:17 (GMT+7)

Phát triển môi trường nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

MTĐT -  Thứ tư, 17/02/2021 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nói cách khác, xây dựng nông thôn mới chính là thể hiện một bước của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhà nước đã cụ thể hóa 19 tiêu chí này sao cho sát, đúng với từng vùng miền, địa phương, dân tộc sẽ quyết định sự thành bại của quá trình này, cần hết sức tránh tư duy nhất loạt, áp đặt như chúng ta đã từng vấp phải. Trở ngại lớn nhất của việc xây dựng nông thôn mới chính là giải quyết mối quan hệ giữa người nông dân và đất đai, trao đất vào tay người nông dân luôn là nguyên lý bất di bất dịch, để người nông dân có môi trường sống, có nguồn sống, có thu nhập cao trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đó còn là việc tạo cơ chế thích hợp để có thể tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp nông thôn dựa trên việc phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp mới. Đó còn là tạo dựng môi trường văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) vì thiếu môi trường văn hóa lành mạnh thì không thể xây dựng được nông thôn mới theo đúng nghĩa của nó [1].

Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ; giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo, bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng. Phát triển hệ thống kho chứa nông sản, góp phần điều tiết cung cầu. Tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức để phát triển kinh tế hợp tác phù hợp với cơ chế thị trường. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và gióng phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác. Hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo chất lượng an toàn dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Quy hoạch rõ ràng và có chính sách phát triển phù hợp với các loại rừng: rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với chất lượng rừng được nâng cao. Nhà nước đầu tư và có chính sách đồng bộ để quản lý và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đồng thời bảo đảm cho người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có cuộc sống ổn định. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng với nguyên liệu với công ngiệp chế biến ngay từ trong quy hoạch và dự án đầu tư. Lấy nguồn thu từ rừng là làm giàu từ rừng.

Phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị nông thôn mới

Rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch và có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế của từng vùng, tạo sự liên kết giữa các vùng. Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tác động lan tỏa đến các vùng khác, đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh Trung Bộ. Lưạ chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển, để hình thành một số khu vực kinh tế là đầu tàu phát triển. Việc thực hiện các định hướng phát triển phải gắn với các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng để đảm bảo phát triển bền vững.

Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế

Tạo bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa, xã hội. Tăng đầu tư của nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa, xã hội. Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội, trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Những năm gần đây, nông dân xã Võng La (huyện Đông Anh) đã biến vùng đất bãi hoang hóa trở thành những vườn cây ăn quả, ao nuôi trồng thủy sản. Cảnh quan môi trường vùng đất bãi ven sông Hồng của Võng La đang thay đổi từng ngày với các mô hình nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao.[3]

Phát triển các mô hình nông nghiệp sạch

Từ triền đê Võng La nhìn xuống, cả một vùng đất bãi trải dài tầm mắt, màu xanh xen lẫn màu vàng của những vườn chuối, vườn cam, vườn bưởi. Đang thu hoạch những trái cam Canh cuối cùng bán cho thương lái, đưa đi tiêu thụ trong ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Đại Độ chia sẻ: "Cách đây quãng 10 năm, vùng đất bãi này bỏ hoang. Tiếc đất hoang hóa, tôi mạnh dạn hỏi thuê của các hộ lân cận để trồng cam Vinh và cam Canh. Ban đầu là 10ha rồi mở rộng lên 30ha. Loại cây này hợp với vùng đất bãi, chất lượng quả đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Mỗi năm, với 30ha trồng cam các loại, gia đình tôi thu về hơn 10 tỷ đồng”.

Nối liền thôn Đại Độ là thôn Sáp Mai. Tận dụng ưu thế của vùng đất bãi, người dân nơi đây đã lựa chọn trồng giống chuối của Thái Lan. Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Sáp Mai kể với phóng viên Báo Hà Nội mới: "Năm 2014, thấy vùng đất màu mỡ này bỏ không, tôi thuê lại để trồng chuối giống Thái Lan. Đất bãi màu mỡ không phụ công người, qua nhiều năm, đến nay gia đình tôi đã có vườn chuối rộng gần 11ha với khoảng 2 vạn gốc. Toàn bộ vườn trồng chuối đều sản xuất theo quy trình VietGAP nên tiêu thụ rất thuận lợi. Mỗi năm, vườn chuối cho thu hoạch hai vụ, thu về hơn 1 tỷ đồng. Riêng vụ Tết Nguyên đán này, gia đình tôi bán cho thương lái 1.500 buồng chuối”.

Lựa chọn hướng đi khác, ông Hà Huy Giảng ở thôn Sáp Mai, đã đầu tư phát triển mô hình trang trại tổng hợp trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh và nuôi trồng thủy sản chất lượng cao. “Với hơn 1ha trang trại tổng hợp, hiệu quả kinh tế mỗi năm đạt hơn 200 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là người nông dân chúng tôi đã không để đất hoang hóa và sản xuất sạch nên vừa tạo được sinh kế, vừa bảo vệ và làm đẹp cảnh quan môi trường”, ông Hà Huy Giảng nói.

Chia sẻ về sự phát triển của vùng đất bãi ven sông Hồng của Võng La, Chủ tịch UBND xã Võng La Phùng Văn Nghĩa cho biết: "Những năm trở lại đây, người dân Võng La đã biến vùng đất bị bỏ hoang nhiều năm trở thành những trang trại trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản trù phú. Ngoài hiệu quả kinh tế cho người nông dân, việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch đã biến đất bãi ven sông Hồng của Võng La trở thành vùng sinh thái xanh, vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường".

“Đất vàng” - vùng đệm xanh

Ông Hà Huy Giảng ở thôn Sáp Mai nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Tôi đã hơn 70 tuổi, người làm nghề nông luôn coi "tấc đất" là "tấc vàng", khi thấy vùng đất bãi bỏ hoang thì xót xa lắm. Người dân Võng La đã "hồi sinh" vùng đất ven sông này với các mô hình sản xuất khác nhau. Chúng tôi luôn tâm niệm, dù nuôi con gì, trồng cây gì thì nông dân Võng La cũng chọn sản xuất sạch để bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình”. Nói về việc phát triển mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái ở vùng đất bãi, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Đại Độ, chia sẻ: Đô thị hóa thì vẫn cần giữ không gian xanh, vùng đệm xanh. Nếu tìm hướng đi đúng, vùng đất bãi ven sông Hồng sẽ trở thành vùng “đất vàng” và như vậy người dân nơi đây vừa có thể sống trong môi trường xanh, vừa phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch UBND xã Võng La Phùng Văn Nghĩa thông tin: Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 164ha, trong đó có 32ha trồng lúa, gần 10ha nuôi trồng thủy sản khép kín ứng dụng công nghệ cao, còn lại là diện tích vùng bãi trồng cây ăn quả. Đang trong lộ trình trở thành phường, song Võng La xác định, cùng với đô thị hóa, phát triển hạ tầng giao thông… xã vẫn duy trì vùng bãi với những mô hình sản xuất sạch để nơi đây thật sự trở thành một vùng đệm xanh. “Tận dụng ưu thế của vùng đất bãi để phát triển các mô hình trang trại tổng hợp, mô hình nông nghiệp sinh thái…, xã sẽ căn cứ theo quy hoạch để hỗ trợ nông dân về nguồn vốn và công nghệ; đồng thời trợ giúp người dân trong việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cam và chuối của Võng La”, ông Phùng Văn Nghĩa cho hay.

Từ sự khát khao và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, người dân Võng La đã biến vùng đất hoang ven sông trở thành những trang trại trù phú, cho thu nhập cao. Đặc biệt là ý thức tạo không gian xanh với việc lựa chọn hướng đi rõ ràng - tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái... đã đem đến những hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.

Đến Võng La, nơi có những vườn chuối, vườn cam, vườn bưởi trĩu quả, mỗi người như cảm thấy thư thái hơn giữa cảnh sắc quê hương đang từng ngày đổi mới. Mong rằng, mô hình phát triển ở Võng La tiếp tục được nhân rộng tại những vùng bãi ven sông của các địa phương trên địa bàn Thủ đô đang trong tiến trình đô thị hóa.

Với mục tiêu xây dựng thành vùng nông nghiệp sinh thái của Thủ đô, những năm qua, huyện Thanh Oai đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn phát triển những mô hình nông nghiệp sạch chất lượng cao. Từ những mô hình này, nông nghiệp sinh thái Thanh Oai đã hình thành từng bước được mở rộng.[4]

Được coi là “vựa lúa” chất lượng cao của thành phố đến nay Thanh Oai đã hình thành nhiều vùng lúa chất lượng cao, sản xuất sạch điển hình là vùng lúa Tam Hưng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên chia sẻ Hợp tác xã đang duy trì 4000ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250ha lúa nếp cái hoa vàng sản xuất theo quy trình VietGAP. Hợp tác xã đã cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng và ký kết với một số công ty để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.

"Đặc biệt, đến nay, Hợp tác xã có 2 sản phẩm gạo đạt chứng nhận xếp hạng "4 sao" trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Từ tiền đề này, Hợp tác xã tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói... phấn đấu đưa sản phẩm lên mức "5 sao" và hướng tới xuất khẩu. Cùng với phát triển sản phẩm gạo, Hợp tác xã đang đề xuất UBND huyện hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông để xây dựng vùng lúa Tam Hưng thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm với nền văn minh lúa nước sông Hồng” - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết thêm.

Tương tự, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Cao cũng bước đầu xây dựng các mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao, hướng tới phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp sinh thái. Điển hình là mô hình trang trại trồng hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Dưỡng ở thôn Thanh Giang (xã Thanh Cao).

Theo anh Nguyễn Xuân Dưỡng, với hơn 3.000m2 nhà lưới, anh đã trồng hơn 100 giống hoa lan các loại, dịp Tết này, toàn bộ số hoa lan của trang trại đã được bán hết với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/giỏ. Dự kiến, năm nay, doanh thu từ vườn lan của anh đạt hơn 1,6 tỷ đồng. Trang trại của anh cũng là một trong những điểm tham quan du lịch của nhiều người dân Hà Nội...

Hay như tại vùng bãi xã Kim An với diện tích hơn 120ha trồng các loại cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đài Loan, táo… đã trở thành vùng nông nghiệp sinh thái ven sông đặc biệt của Thanh Oai. Những ngày cuối năm, người dân khắp nơi đổ về tham quan, đặt mua sản phẩm...

Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh thông tin: Nhờ khai thác lợi thế đất vùng bãi, Kim An đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả chất lượng tốt. Thời gian tới, UBND xã đề xuất xin đầu tư hệ thống giao thông, quy hoạch nhà sơ chế, chế biến... hướng tới phát triển vùng chuyên canh chất lượng cao gắn với chuỗi; đồng thời, kết hợp các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn.

Đánh giá về các mô hình nông nghiệp sinh thái của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, Thanh Oai đã có hơn 10.000ha trồng lúa chất lượng cao; vùng cây ăn quả tập trung 394,2ha; vùng rau an toàn 123,8ha; vùng nuôi trồng thủy sản 593,05ha. Đặc biệt, Thanh Oai đã có 25 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi. Huyện đang quy hoạch và có chính sách thu hút đầu tư xây dựng 2-4 nông trại giáo dục có quy mô từ 2ha đến 5ha trở lên gắn với phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm nhằm từng bước đa dạng loại hình du lịch trên địa bàn huyện...

Dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội (Chương trình số 04) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đang được lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện. Với nhiều nội dung mới, Chương trình số 04 được kỳ vọng tiếp tục mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho khu vực nông thôn của Thủ đô.[2]

Tạo nguồn lực để phát triển mạnh mẽ

Nội dung dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy cho thấy có nhiều khác biệt so với Chương trình số 02-CrT/TU đã thực hiện ở giai đoạn trước, nên cần có hướng tiếp cận mới để tạo nguồn lực phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, việc đặt vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn phải làm rõ từng nội hàm để triển khai bảo đảm hiệu quả trong thực tế.

Về vấn đề cơ chế, chính sách để thực hiện, theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến, triển khai Chương trình số 02-CrT/TU giai đoạn trước, UBND thành phố đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND “Quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016” giúp các địa phương đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất... Vì vậy, để triển khai hiệu quả Chương trình số 04 cũng rất cần những chính sách hỗ trợ tương tự. Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười nhận định: Khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật sẽ mở "cánh cửa" cho sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao....

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết thông tin: Theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ dành nguồn vốn đầu tư phát triển toàn thành phố tăng khoảng 180% so với giai đoạn trước. Do đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng sẽ được Sở Tài chính tính toán để tham mưu cho thành phố ở mức cao hơn.

Liên quan đến chỉ tiêu về số xã, huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều ý kiến cho rằng, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy cần giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, trên cơ sở đó, mỗi đơn vị xây dựng kế hoạch, xác định quyết tâm thực hiện.

Cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, Sở NN&PTNT cần rà soát kỹ các chỉ tiêu, tiếp thu, hoàn chỉnh các văn bản theo ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo. Nội dung Chương trình số 04 cần tập trung đánh giá những thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các giai đoạn trước; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Cùng với đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành... xây dựng các chuyên đề, đề án, kế hoạch cụ thể hóa chương trình, nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất dự kiến nguồn lực thực hiện..., để chương trình được ban hành phù hợp, sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. PGS,TS Nguyễn Đức Khiển, “Môi trường nông nghiệp và nông thôn – Hiện trạng và hướng phát triển”, sách nhà nước đặt hàng, NXB Thông tin và Truyền thông – 2019
  2. Nguyễn Mai, “Phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp”, Báo Hà Nội mới 5/2/2021.
  3. Đỗ Minh, “Đổi thay trên đất Võng La”, Báo Hà Nội mới 5/2/2021
  4. Đào Huyền, “Thanh Oai mở rộng mô hình nông nghiệp sinh thái”, Báo Hà Nội mới 5/2/2021.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phát triển môi trường nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.