Thứ năm, 25/04/2024 16:24 (GMT+7)

Phố đi bộ Kỳ Lừa, Lạng Sơn: Điểm vui chơi hấp dẫn, đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc

Khánh Hà -  Thứ tư, 07/09/2022 15:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn đã trở thành điểm vui chơi hấp dẫn, đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc, thu hút ngày càng nhiều người dân, du khách mỗi dịp cuối tuần.

Tạm quên những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng tại xứ Lạng để hòa mình cùng không khí sôi động của phố đi bộ Kỳ Lừa. Đây là điểm đến thu hút người dân địa phương và du khách với nhiều hoạt động vui chơi và khám phá ẩm thực đặc sắc tại Lạng Sơn.

Phố đi bộ Kỳ Lừa chính thức đi vào hoạt động vào ngày 16/10/2020 tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Không gian của phố đi bộ được tổ chức trên các tuyến đường: Bắc Sơn, Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri và khu vực quanh chợ Kỳ Lừa. Tổng tuyến phố đi bộ dài 1.300m. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng phố đi bộ ở Lạng Sơn này trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách.

Phố đi bộ được tổ chức vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Thời gian từ 18h - 24h. Tham gia phố đi bộ Lạng Sơn bạn sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, mua sắm  và khám phá khu ẩm thực

tm-img-alt
Thành viên CLB Điếp Sli Then, huyện Cao Lộc biểu diễn tại Phố đi bộ Kỳ Lừa trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Cao Lộc

Theo ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Lạng Sơn : Phố đi bộ Kỳ Lừa có các điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cố định mang phong cách từ hiện đại đến dân gian được duy trì thường xuyên. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, phố đi bộ đã mang lại hình ảnh mới và đã trở thành “thương hiệu” du lịch, điểm nhấn của thành phố Lạng Sơn nói riêng và tỉnh Lạng sơn nói chung; tạo không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách…

Trong những năm qua, có thể thấy những lợi ích thiết thực mà không gian phố đi bộ đã đem lại cho cộng đồng. Cái lợi đối với người dân là rất rõ, đó là có thêm không gian rèn luyện “văn hóa đi bộ”; rất nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, trò chơi cộng đồng diễn ra tại phố đi bộ như: kéo co, nhảy dây, ô ăn quan… Cùng với đó, không gian phố đi bộ còn là “sân khấu” của những người đam mê biểu diễn nghệ thuật, từ truyền thống đến hiện đại.

tm-img-alt
Phố đi bộ thu hút đông đảo du khách vào dịp cuối tuần

Nổi bật, phố đi bộ còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các địa phương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các tỉnh bạn. Theo tổng hợp từ Ban Quản lý Phố đi bộ Kỳ Lừa, từ sau khi phố đi bộ đi vào hoạt động đến nay, nơi đây đã diễn ra gần 100 sự kiện văn hóa lớn, nhỏ thu hút được sự tham gia của các huyện và các tỉnh lân cận. Trong đó, có nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Cao Lộc, Bắc Sơn, Chi Lăng; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và Ngày sách Việt Nam 21/4; giao lưu nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Các sự kiện được tổ chức tại phố đi bộ đã tái hiện thành công không gian văn hóa sống động về các nét đẹp trong bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người xứ Lạng. Từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu như: Gà đất, đầu sư tử, đàn tính, đồ đan lát… đến các làn điệu dân ca ngọt ngào và các sản vật đặc trưng như: cao khô, mác mật, măng ớt, hoa hồi, na, hồng không hạt, rượu Mẫu Sơn… đã tạo sự hiếu kỳ, thu hút đối với du khách.

Theo chị Nguyễn Thị Nhung, du khách đến từ Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang : Đến phố đi bộ, tôi bị hấp dẫn bởi các tiết mục hát then, sli, múa sư tử mèo… Tôi cũng được thưởng thức bánh ngải, bánh dày gấc và vịt quay tại các sạp hàng ăn. Qua những hoạt động này, giúp tôi hiểu hơn về những nét văn hóa độc đáo của Xứ Lạng”…

Thông qua các sự kiện được tổ chức tại không gian phố đi bộ, những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của anh đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn đã được tôn vinh, quảng bá.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: “Việc tái hiện các nét đẹp văn hóa của bà con nhân dân trên địa bàn huyện Cao Lộc tại Phố đi bộ Kỳ Lừa là cơ hội để huyện đưa các nét văn hóa đặc trưng của huyện như những bộ trang phục của đồng bào Nùng Phàn Slình Cúm Cọt, múa sư tử mèo, hát then, sli, lượn, nghề may thêu trang phục dân tộc… đến với người dân và du khách. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác kết nối, mời gọi để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư du lịch trên địa bàn huyện”.

Được biết, Phố đi bộ Kỳ Lừa đã mang đến sức hút rất lớn cho thành phố Lạng Sơn với trung bình từ 5.000 đến 7.000 lượt khách mỗi tuần. Đặc biệt, trong những dịp lễ hoặc những ngày diễn ra các sự kiện do các đơn vị sở, ngành, huyện tổ chức, các hoạt động tại Phố đi bộ Kỳ Lừa thu hút khoảng 10.000 lượt người.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn, Trưởng Ban Quản lý Phố đi bộ Kỳ Lừa : Để thu hút du khách, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, thường xuyên tổ chức các sự kiện giới thiệu những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, ẩm thực của tỉnh tại Phố đi bộ Kỳ Lừa. Trong đó, chú trọng xây dựng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian tại phố đi bộ trở nên hấp dẫn hơn, các hoạt động sẽ được thiết kế theo chủ điểm, chủ đề, bám sát những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước trên tinh thần phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của Lạng Sơn nhằm tạo điểm nhấn cho phố đi bộ.

Bên cạnh phố đi bộ Kỳ Lừa, có thể kết hợp khám phá các địa điểm nổi tiếng khác như:

Thành nhà Mạc: Cách phố đi bộ khoảng 1,2km được xây dựng từ thế kỷ XVI, hiện tại chỉ còn đoạn đường dài 300m được phủ đá đầy rong rêu. Khi đứng trên thành nhà Mạc bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh đẹp của thành phố Lạng Sơn.

tm-img-alt
Kết hợp tham quan Thành Nhà Mạc


Núi Tô Thị: Có khoảng cách từ phố đi bộ là 1,1km. Địa điểm nổi tiếng ở Lạng Sơn này gắn liền với sự tích nàng Tô Thị ôm con chờ chồng và hóa đá. Núi Tô Thị biểu tượng cho tình yêu chung thủy của người phụ nữ Việt Nam.

Động Tam Thanh cách khoảng 1,5km: Quần thể di tích nổi tiếng ở Lạng Sơn gồm 3 hang động lớn. Tham quan hệ thống hang động tại Tam Thành bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vòm đá cao có hình dáng độc đáo và khối thạch nhũ tuyệt đẹp. Sâu bên trong động Tam Thanh là hồ nước trong không bao giờ cạn và được thông với cổng trời đẹp lung linh.

Đền Kỳ Cùng cách 950m: Ngôi đền nổi tiếng ở Lạng Sơn tọa lạc ở đầu của dòng sông Kỳ Cùng, đền thờ Quan Tuần Tranh. Nếu tới Lạng Sơn vào tầm 22 tháng Giêng bạn sẽ được hòa mình cùng lễ hội đền Kỳ Cùng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Bạn đang đọc bài viết Phố đi bộ Kỳ Lừa, Lạng Sơn: Điểm vui chơi hấp dẫn, đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.