Thứ bảy, 20/04/2024 12:39 (GMT+7)

Phố kinh doanh vắng lặng sau mùa dịch Covid-19 ở Sài Gòn

Đỗ Thảo -  Thứ hai, 31/08/2020 08:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch Covid- 19, hệ luỵ mang theo là cơn khủng hoảng kinh tế sau đợt bùng dịch đầu tiên vào tháng 1/ 2020 tại Việt Nam, đã khép lại nhiều cánh cửa kinh doanh dịch vụ thương mại ở TP.HCM.

Lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỉ quan hệ, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phải gặp gỡ và trao đổi thông qua hình thức trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - với vai trò Chủ tịch ASEAN đã nói trong bài phát biểu tại Hội nghị ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/6/2020 khi dịch bệnh đang hoành hành trên các quốc gia “ …Thế giới đang thay đổi không thể đảo ngược, sự kiện này chứng tỏ ASEAN dễ dàng thích nghi với những thay đổi đó..”.

 Sài Gòn  đã dần khởi sắc sau dịch Covid – 19

Dù như thế nào, Việt Nam chúng ta buộc phải tìm cách thích nghi với những gì đã và đang xảy ra trước hay sau dịch. Tuy nhiên, hệ luỵ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch là con số thiệt hại không tưởng cho nhiều quốc gia trên thế giới; Trong đó có cả các quốc gia đông dân; có nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ, Trung Quốc và các châu lục.

 Đã có gần xỉ 23.000 doanh nghiệp (DN) đóng cửa do dịch Covid-19 được Tổng cục thống kê nêu ra trong đợt dịch tháng 4 năm 2020. Quá khủng hoảng, tỉ lệ giảm sút DN đăng kí mới so cùng kì năm 2019 là 47%, giảm 44% tỉ lệ vốn đầu tư so với vốn đầu tư DN cùng kì năm trước, (từ đầu năm 2020 đến tháng 4 cả nước có 7.900 DN với 9.300 tỉ đồng được đăng kí).

 Phố Hàn Quốc ở Quận 7 đìu hiu cả ngày lẫn đêm sau dịch

Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước với con số 22.700 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, (tương đương tăng 33,6 % so với cùng kì năm 2019); 14.000 DN đang chờ làm thủ tục giải thể tính đến đầu tháng 5/2020.

Tính chung, chỉ có 37.600 DN được đăng kí thành lập mới đến cuối tháng 4 ( giảm 13% so với cùng kì năm trước). Cũng theo Tổng Cục thống kê, đến hết tháng 4/2020 có 5,300 DN đăng thông báo giải thể và 5.800 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

TP Hồ Chí Minh, nơi đóng góp nhiều nhất nguồn tài chính cho ngân sách Nhà nước, cũng như bao tỉnh thành trên cả nước đã phải hứng chịu hệ luỵ từ đại dịch Covid-19 với con số thiệt hại không hề nhỏ. Thời gian trong đợt giãn cách xã hội đã làm tê liệt các chuỗi kinh doanh thương mại, dịch vụ kinh doanh, sản xuất…

Tính đến cuối tháng 6/2020, TP.HCM có gần 19.000 DN dừng hoạt động. Theo số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM, 6 tháng đầu năm, 18.743 DN ngừng hoạt động; 3.491 DN phải giải thể vì không trụ nổi; 7.193 DN tạm ngưng hoạt động và có cả 3.397 DN bỏ cả địa chỉ kinh doanh.

Nhìn về con số, các doanh nghiệp buông bỏ kinh doanh, buông bỏ thị trường thương mại, bỏ sản xuất trong một đại dịch thế kỉ; trong khi TP.HCM là nơi kinh tế đầu tàu đất nước; chính quyền và người dân không thể tránh khỏi bàng hoàng, lo lắng, vì mỗi công dân ít hay nhiều đều chịu sự ảnh hưởng tác động của đại dịch thế kỉ này.

Không những các doanh nghiệp sản xuất buộc phải ngừng sản xuất vì thiếu hàng hoá, công nhân phải nghỉ việc vì thiếu việc làm mà cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ buộc phải đóng cửa. Các chuỗi kinh doanh như siêu thị, nhà hàng, kinh doanh nghề nghiệp sửa chữa, mua bán đều phải dừng hoạt động vì thị trường giao dịch thương mại chậm chạp do chịu nhiều tác động không hề nhỏ của đại dịch. 

Những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ bị “khai tử” nhiều nhất, với tỉ lệ hơn 38% và kế đến là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

“Phố vắng lặng”, ba chữ được giới kinh doanh dịch vụ thốt lên ở các  tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố lớn, các chuỗi kinh doanh dịch vụ trên các phố, các tuyến đường không chỉ vắng người trong mùa dịch, mà vắng cả khi dịch tạm chấm dứt, các tuyến đường sầm uất ở TP.HCM trước đây giá thuê rất đắt đỏ, giờ vắng lặng, nhiều bảng cho thuê được giăng lên trên rất nhiều con đường, phường phố.

Các quận trung tâm TP.HCM, nơi có nhiều du khách du lịch qua lại như quận 1, quận3, quận 7, quận 10…và nhiều quận lân cận đều bị ảnh hưởng. Trước đây, thời gian chưa xảy ra dịch bệnh, khó có thể tìm ra một chỗ trống để thuê mặt bằng ở các quận trung tâm với giá rất cao. Ngược lại, từ sau dịch, người có nhu cầu rất dễ để tìm để thuê một mặt bằng vị trí đẹp với giá cả hợp lí.

Không khó để nhìn thấy các băng rôn với dòng chữ “sang nhượng hoặc cho thuê mặt bằng”...Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã không còn kham nổi chi phí mặt bằng, chi phí nhân lực, chi phí vận hành nên đành trả lại mặt bằng hay cho thuê lại nếu đối tác có nhu cầu.

Con phố Hàn Quốc sôi động bậc nhất Sài Gòn nằm ở phường Tân Phong ( quận 7), hiện đã khoác lên mình một chiếc áo ảm đạm, tiêu điều, những bảng hiệu Hàn Quốc dần được tháo dỡ, nhường lại cho những biển rao cho thuê mặt bằng. Trong khi có hơn 11.000 người Hàn Quốc ở quận 7 qua lại làm ăn trước dịch.

Không còn sầm uất, nhộn nhịp nữa, hình ảnh phố sôi động đã tan biến, dòng người qua lại dần thưa thớt. Do các hàng quán khu này thường đa số phục vụ người Hàn Quốc và lao động cũng như khách du lịch Hàn chưa thể sang Việt Nam. Các tuyến đường ở quận 7, không chỉ có người Việt kinh doanh mà còn có cả người Hàn, một số người còn kẹt bên Hàn chưa qua được, giá thuê cao nên đành trả lại mặt bằng.

Những dịch vụ ẩm thực xứ kim chi dần tan biến, đi kèm cùng với nó là các dịch vụ như quày bar, masage, làm đẹp cũng lần lượt đóng cửa. Có nhiều con đường có đến 4-5 cửa hiệu, san sát liền kề nhau mang chung cảnh ngộ “trả mặt bằng”. Làn sóng trả mặt bằng ngày càng nhiều hơn, các hàng quán còn lại đều hoạt động cầm chừng. Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa.

Không những các tuyến phố ở Q7, Q1, Q3 nhiều nơi cũng treo biển trả mặt bằng sau dịch. Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện.., cũng không còn sung túc như trước dịch, các nhà hàng ở khu vực chợ Bến Thành cũng dần đóng cửa vì bế tắc, kinh doanh kém hiệu quả vì không có khách du lịch, chi phí thuê mặt bằng cao nên người thuê không thể tiếp tục duy trì.

Từ tháng 7/2020, theo chủ trương của UBND Thành phố, thứ bảy hàng tuần theo định kì, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được tổ chức biểu diễn nghệ thuật đường phố; nhằm hưởng ứng chương trình tổ chức kích cầu phục hồi thị trường sau dịch covid-19.

Bên cạnh những biến động trong số doanh nghiệp khai tử, bức tranh toàn cảnh ở TP.HCM cũng có nhiều sự thay đổi, một số ít doanh nghiệp có vốn lớn trên 50 tỉ đã được đăng kí mới; 2.878 doanh nghiệp tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp được chuyển đến từ các tỉnh và thành phố khác, tuy chỉ với số lượng 166 DN được chuyển đến TP.HCM là con số không lớn so với số lượng DN đã giải thể, nhưng chứng tỏ TP.HCM có nhiều lực hút lớn, thu hút DN đầu tư vào thành phố. Đó là tín hiệu đáng mừng sau u ám do ảnh hưởng đại dịch Covid -19.

Hiện tại, đợt dịch thứ 2 bùng phát, tình hình dịch bệnh đang còn nhiều diễn biến phức tạp, ổ dịch ở Đà Nẵng đã có nhiều ca tử vong trong những ngày đầu tháng 8/2020, nhiều ca lây nhiễm đang bị cách ly ở các quận như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… nhưng chúng ta luôn hi vọng ở một sự cương quyết của Chính phủ, của Bộ Y tế,  sự đồng lòng của người dân, “chống dịch như chống giặc”. Hy vọng, cả nước, trong đó có TP.HCM luôn đi đầu trong việc bứt phá khôi phục kinh tế.                                                                                        

Bạn đang đọc bài viết Phố kinh doanh vắng lặng sau mùa dịch Covid-19 ở Sài Gòn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ