Thứ năm, 25/04/2024 12:17 (GMT+7)

Phó Thủ tướng chỉ đạo các vấn đề trọng tâm trong cải cách hành chính

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 07/08/2020 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung cải cách hành chính, trong đó lưu ý một số vấn đề trọng tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 do Bộ Công thương tổ chức vào chiều ngày 6/8/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung cải cách hành chính, trong đó lưu ý một số vấn đề trọng tâm, cụ thể: 

Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành CCHC, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC thời gian qua. Hàng năm, kịp thời xây dựng và ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý; gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của Bộ; làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính. Đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Thứ hai, tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, bảo đảm hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Công Thương được phân công. Trước mắt, Bộ Công Thương cần kịp thời hoàn thiện các Dự án Luật, Pháp lệnh và các đề án trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Thứ ba, Bộ Công thương cần triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Cục, Tổng cục, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 27/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thành xây dựng bản mô tả công việc, xây dựng khung năng lực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Tuyển dụng, sử dụng, lựa chọn công chức, viên chức cần công khai, minh bạch tiêu chí, tiêu chuẩn để ứng viên cạnh tranh công bằng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng được người có tài năng vào bộ máy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ nổi cộm được dư luận, xã hội quan tâm, không để tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng thực chất con người bổ nhiệm không xứng đáng với các tiêu chuẩn và điều kiện để được bổ nhiệm vào các vị trí công vụ.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế tự chủ tài chính. Tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của Bộ Công Thương và ngành Công Thương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. 

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng chỉ đạo các vấn đề trọng tâm trong cải cách hành chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới