Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình sạt lở tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu
Ngày 11/8, Đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu về tình hình sạt lở.
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình sạt lở, sụp lún trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thông tin, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh là 83,85km; trong đó, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22 km; bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85 km.
Trên địa bàn tỉnh có đến 355 điểm sạt lở bờ sông; trong đó, có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724 ha.
Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km; trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km, chủ yếu xảy ra ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi; sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 305 km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa hơn và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn. Sạt lở đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28km lộ giao thông; 334 căn nhà; có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700ha bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác. Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh ước gần 1.120 tỷ đồng.
Ngoài ra, hạn hán mùa khô năm 2023-2034 đã gây sụt lún vùng ngọt hoá trên 700 điểm, gần 20 km đường giao thông nông thôn; trên 2.600 hộ gia đình gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng. Tỉnh đã công bố thiên tai mức độ 2 tại vùng ngọt hoá huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Tại buổi làm việc, Cà Mau đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, làm cơ sở để các địa phương thực hiện về hợp tác đầu tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tỉnh sử dụng nguồn kết dư từ Chương trình nguồn phục hồi kinh tế - xã hội và nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để tiếp tục đầu tư kè phòng, chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Đặc biệt, Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55 km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7 km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng tại vùng ngọt khoảng 200 tỷ đồng và đầu tư hệ thống nước nối mạng khoảng 241 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để dự báo được tình hình sạt lở, sụp lún, tính toán đầu tư các công trình, dự án phải mang tính khả thi, căn cơ, lâu dài, tránh lãng phí. Đối với các công trình, dự án xin chủ trương đầu tư, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có chuyến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển Đông, thuộc địa bàn xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.