Phòng bệnh hơn chữa bệnh - bài học trong ứng phó với thiên tai
Thảm họa thiên nhiên là chuyện thường ngày ở Nhật Bản. Quần đảo này nằm dọc theo Vành đai lửa, một cung động đất và núi lửa hoạt động ở Thái Bình Dương.
Điều nổi bật của quốc gia này là cho dù một thảm họa có gây thiệt hại lớn đến đâu, công tác cứu trợ sau thảm họa được tiến hành rất trật tự. Không có tình trạng hỗn loạn ở các điểm sơ tán cũng như không có việc hàng hóa cứu trợ bị lãng phí. Đó là kết quả của chủ trương lâu dài về công tác chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Ứng phó trong thảm họa - môn học được dạy từ mẫu giáo
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Nghiệp đoàn Kanto Joho, ông Kenji Nishikawa, cho biết ngay từ mẫu giáo, người Nhật đã được học các bài học về làm thế nào để giữ được an toàn cao nhất trong trường hợp xảy ra thảm họa, đặc biệt là động đất.
Các cơ sở mầm non phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp, vì trẻ nhỏ khó có thể tự tìm ra cách bảo vệ mình trong những tình huống như vậy. Với trẻ nhỏ, các bài giảng lý thuyết sẽ không có hiệu quả bằng hành động thực tế. Vì vậy, thông qua các hoạt động chuẩn bị hằng ngày và diễn tập sơ tán thường xuyên, trẻ em và nhân viên học trực quan những việc cần làm nếu thảm họa xảy ra. Cha mẹ cũng được khuyến khích giám sát các cơ sở của con mình theo quan điểm chuẩn bị và ứng phó với thảm họa.
Ông Kyoko Tsukigase, Phó giáo sư tại Đại học Kokushikan chuyên gia về ứng phó khẩn cấp, cho biết: "Nếu trẻ em được thực hành sơ tán nhiều lần từ khoảng 3 tuổi, chúng sẽ có thể thực hiện các bước như bảo vệ đầu khi xảy ra động đất". Theo ông Tsukigase: "Nếu không được đào tạo, bạn sẽ không thể thực hiện được trong trường hợp xảy ra thảm họa. Điều quan trọng là phải cải thiện thông qua thử nghiệm và sai sót".
Bên cạnh đó, các hướng dẫn về cách thức sống sót trong thảm họa cũng được đăng tải nhiều trên các website chính thức của chính phủ và các tổ chức xã hội. Nhờ được giáo dục và luyện tập từ nhỏ các kỹ năng ứng phó với thảm họa nên người Nhật Bản luôn thể hiện sự bình tĩnh và trật tự sau thảm họa. Các thảm họa kinh hoành tại Nhật Bản như trận động đất - sóng thần năm 2011 ở vùng Đông Bắc, động đất năm 2016 tại Kumamoto và mới nhất là động đất ngày 1/1/2024 ở Bán đảo Noto… đã khiến cho hàng trăm nghìn người phải sơ tán tới nơi tạm trú và sinh sống trong nhiều ngày. Trong hoàn cảnh các vật dụng thiết yếu đều trông chờ vào sự cứu trợ nên có thể vẫn còn thiếu hụt, song người Nhật Bản không hề hoảng loạn, họ xếp hàng trật tự, chờ đến lượt mình nhận đồ cứu trợ.
Hoạt động cứu trợ do Lực lượng phòng vệ (SDF), các nhân viên cứu trợ của chính phủ, Tổ chức Chữ thập đỏ… đảm nhận, được tiến hành một cách bài bản với sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng. Trong những ngày đầu sau trận động đất ở Bán đảo Noto, Tỉnh trưởng tỉnh Ishikawa, một trong ba tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, đã đăng tải lời kêu gọi ngừng các hoạt động cứu trợ tự phát chủ yếu do người nước ngoài thực hiện. Thứ nhất là để tránh lãng phí do đồ cứu trợ tập trung quá nhiều ở khu vực tiếp cận được nhưng lại không đến được những vùng đang bị cô lập. Thứ hai là việc các đoàn cứu trợ tự phát đổ xô đến sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông trên các tuyến đường vào tỉnh, ảnh hưởng đến hoạt động cứu trợ của chính phủ.
Việc hỗ trợ cho người nước ngoài cũng là một phần trong các hướng dẫn về ứng phó với thảm họa. Có những người nước ngoài, sau những phút bàng hoàng đầu tiên khi trải qua động đất, đã thừa nhận rằng người Nhật rất bình tĩnh. Họ hướng dẫn người nước ngoài cùng chạy đến nơi lánh nạn, cũng như sẵn sàng chia sẻ cho người nước ngoài những nhu yếu phẩm mà họ tích trữ được.
Theo giới chuyên gia, việc giáo dục, luyện tập các kỹ năng tự sống sót trong thảm họa cho người dân là một biện pháp then chốt làm tăng khả năng tự cứu mình và cứu người trong trường hợp thảm họa ập đến bất ngờ.
Saigaishoku - giải pháp dinh dưỡng khi mắc kẹt trong vùng thảm họa
Theo dự báo của chính phủ, có 70% khả năng một trận động đất lớn sẽ tấn công Tokyo trong 3 thập kỷ tới, có thể lấy đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy các tòa nhà và gây mất điện, gián đoạn nguồn cung khí đốt và nước trong nhiều ngày. Các quan chức khuyến cáo rằng mỗi hộ gia đình nên dự trữ đủ thực phẩm và nước để dùng trong 3 đến 7 ngày. Như vậy, ngoài những nguy cơ rõ ràng của thảm họa thiên nhiên, còn có một mối đe dọa tiềm ẩn khác trong những ngày mất điện, nước, gas và các kệ hàng tạp hóa trống trơn sau đó: thiếu hụt dinh dưỡng.
Trong bối cảnh đó, là một quốc gia chịu nhiều thiên tai, Nhật Bản đã chú trọng thúc đẩy ngành sản xuất thực phẩm dùng trong thảm họa, tiếng Nhật gọi là saigaishoku. Những loại đồ ăn được đưa vào danh sách saigaishoku gồm các loại thực phẩm ăn liền không cần nấu nướng như cơm ăn liền, mì cốc, các loại rau ăn liền, cari ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, đậu hộp; các loại thức ăn khô bổ sung dinh dưỡng: bánh quy, kẹo chocolate, thanh lương khô calorie mate…
Nhật Bản có truyền thống lâu đời về bảo quản thực phẩm - miso, konbu (tảo bẹ khô), niboshi (cá mòi khô), umeboshi (mận chua ngâm) và kōya-dōfu (đậu phụ đông khô) có một số chức năng giống như saigaishoku. Tuy nhiên, do phải tích trữ thường xuyên, người Nhật Bản cần loại thực phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn so với những loại đồ khô truyền thống.
Hiroki Hara, chuyên gia cứu trợ thảm họa của Quỹ Ajinomoto tại Tokyo, chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng gần đây có nhiều loại thực phẩm phòng ngừa thảm họa hơn nhiều và công chúng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dự trữ đồ dự phòng khẩn cấp tại nhà”. Vấn đề ở đây là phải kéo dài thời hạn sử dụng.
Onisi Foods là công ty có trụ sở tại Tokyo nổi tiếng với sản phẩm cơm alpha, một loại cơm khử nước có thể chế biến lại nhanh chóng. Thế nhưng, quân đội và người leo núi biết rằng loại thực phẩm này có xu hướng nhanh chóng bị ôi thiu. Ông Hideaki Ito, Tổng giám đốc phát triển sản phẩm của Onisi, cho biết: “Chúng tôi chuyển sang cơm chất lượng cao hơn và bao bì kín khí mới, đồng thời thêm các miếng chèn loại bỏ oxy, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm”. Ngày nay, cơm alpha chiếm 40% tổng doanh số bán saigaishoku.
Nhu cầu cơm sấy tăng đột biến đã dẫn tới một làn sóng sản phẩm mới. Ban đầu, đó là các thương hiệu thực phẩm nhỏ bán các món ăn quen thuộc như càri thịt bò, nikujaga và thịt bò bít tết. Sau khi các trận động đất làm rung chuyển tỉnh Niigata năm 2004 và một trận động đất - sóng thần lớn tàn phá vùng Đông Bắc Tohoku năm 2011, nhiều sản phẩm hơn đã xuất hiện. Súp rau, nước ép rau, món hầm, mì ramen, bánh nướng xốp, món tráng miệng và khoai tây chiên xuất hiện cùng với các mặt hàng dành cho những người có chế độ ăn kiêng: sữa bột dạng lỏng đóng hộp cho trẻ sơ sinh, okayu và zōsui (cháo gạo) cho trẻ mới biết đi, thịt gà và cá dạng thạch dễ nuốt cho người cao tuổi bị khó nuốt, bánh quy bột gạo hương dâu không gây dị ứng...
Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, viện dưỡng lão và bệnh viện là những người mua chính cho tất cả các mặt hàng mới này. Tuy nhiên, một loạt các trận động đất và lũ lụt gần đây, cùng lời kêu gọi chính thức về việc chuẩn bị tốt hơn cho thảm họa và đại dịch COVID-19, đã dẫn đến sự thay đổi trên thị trường.
"Trong đại dịch, nhiều người tiêu dùng đã mua thực phẩm phòng ngừa thảm họa trong trường hợp một thành viên trong gia đình bị nhiễm virus và phải ở nhà", Ikuo Nishina, người phát ngôn của Satake, nhà sản xuất cơm alpha có trụ sở tại Hiroshima mang nhãn hiệu Magic Rice, cho biết. Người tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% và các cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa số hộ gia đình ở Nhật Bản có dự trữ lương thực. Theo Viện nghiên cứu Yano ở Tokyo, đến năm 2027, doanh số dự kiến sẽ đạt gần 32 tỷ yên (210 triệu USD), gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Gần đây, saigaishoku đã trở nên phổ biến với những bậc cha mẹ bận rộn đang muốn có bữa tối nhanh chóng vào các ngày trong tuần. Họ có thể duyệt qua hàng trăm công thức nấu ăn để biến saigaishoku thành bữa ăn hằng ngày trên các trang web như Cookpad và Kurashiru, theo dõi các khóa học nấu ăn và sổ tay hướng dẫn hoặc tìm gợi ý từ các thương hiệu thực phẩm như Kagome và Ajinomoto. Thói quen mới này phù hợp với biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản khuyến nghị người dân, đó là định kỳ tiêu thụ các thực phẩm được tích trữ để có thể mua mới bổ sung vào kho dự trữ.
Chị Kamikawa cho phóng viên TTXVN xem một gói thịt gà đóng hộp và tâm sự: "Đó là một món ăn nhẹ ngon mà tôi có thể mở ra nếu tôi đang uống rượu. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, đó là nguồn protein có giá trị. Có một giới hạn cho những gì bạn có thể làm khi thảm họa xảy ra. Tốt hơn là liên tục chuẩn bị hoặc ít nhất là nghĩ đến cách bạn có thể thích nghi với lối sống của mình trong trường hợp khẩn cấp".
Đó chính xác là những gì Chính phủ Nhật Bản mong muốn. Trong vài năm trở lại đây, chính phủ đã cố gắng đưa saigaishoku vào cuộc sống hằng ngày. Các cơ quan đã khuyến khích mọi người xây dựng một "kho dự trữ" thực phẩm đóng hộp và đóng gói, liên tục sử dụng và bổ sung kho dự trữ và lên lịch cho các bữa tối saigaishoku theo chủ đề được chế biến trong điều kiện thảm họa giả định.
Tại Nhật Bản, hiếm có một tuần nào mà không có những cơn chấn động làm rung chuyển một số khu vực của đất nước. Thảm họa luôn ập đến bất ngờ và hầu như không thể dự đoán trước. Chính vì vậy, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với thảm họa là điều kiện tiên quyết. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Theo Nguyễn Tuyến (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)