Thứ năm, 25/04/2024 13:36 (GMT+7)

Phong tục cổ truyền Tết xưa: Từ tâm linh đến sức khỏe

MTĐT -  Thứ hai, 27/01/2020 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay đã làm thay đổi khá nhiều đến các phong tục đón năm mới nhưng khi năm hết Tết đến người ta lại quay về với những phong tục cổ truyền.

Dựng cây nêu: từ tâm linh đến sức khỏe tâm thần

Người Việt đón năm mới trong giai đoạn chuyển mùa và mở đầu cho một thời vụ mới với nhiều nghi lễ tạ trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu mưa để cho mùa màng được thuận hòa. Phong tục dựng cây nêu cũng hội tụ nhiều yếu tố văn hóa và có cả yếu tố về bảo vệ sức khỏe tâm thần theo y học hiện đại.

Cây nêu ở nhiều vùng quê hiện nay thường là cây tre tước hết cành, nhưng để ngọn là những cụm lá trên cao nhất. Trên ngọn cũng thường buộc vào đó một lúm lông gà trống, một mớ lá đa hay vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái võng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông và khánh nhỏ bằng đất nung phát ra âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới vòng này buộc một cái mũ thần, những miếng trầu, lá dứa và gai xương rồng. Ở đỉnh còn treo một cái đèn để thắp vào ban đêm.

Cây nêu không những là biểu tượng của tâm linh, đón chào năm mới, tưởng nhớ tổ tiên, trấn áp tà ma, cái xấu mà còn là yếu tố tư tưởng, giữ cho tâm thế của mọi người trong gia đình được an vui, mạnh khỏe.

Cây nêu được làm như vậy để chỉ đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình với những người đang sống. Ánh sáng, gai các cành cây, cùng âm thanh của các vật làm bằng đất nung phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm ma quỷ sợ hãi, chúng tưởng đang đứng trước vị thần hay đức Phật.

Với góc nhìn từ y học hiện đại ngày nay, cây nêu không những là biểu tượng của tâm linh, đón chào năm mới, tưởng nhớ tổ tiên, trấn áp tà ma, cái xấu mà còn là yếu tố tư tưởng, giữ cho tâm thế của mọi người trong gia đình được an vui, mạnh khỏe. Đây là cách người dân giải tỏa những lo âu với các thế lực siêu nhiên của thời xa xưa để bằng an đón chào năm mới. Đó cũng là một biện pháp giải trừ âu lo, phiền muộn mà y học hiện đại cần quan tâm khi điều trị các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần, đến tâm lý của con người.

Tắm tất niên, xuất hành, mừng tuổi mới

Trưa 30 Tết ở hầu hết các gia đình người Việt đều có nồi nước thơm đun sôi với hoa mùi già, hương nhu, lá chanh, lá bưởi... để tắm gội. Ngày trước còn ăn nước giếng, người ta gánh nước đổ vào bể ném theo mấy đồng tiền với mong muốn tiền vào như nước.

Trưa 30 Tết ở hầu hết các gia đình người Việt đều có nồi nước thơm đun sôi với hoa mùi già, hương nhu, lá chanh, lá bưởi... để tắm gội.


Ý nghĩa thiêng liêng của lễ giao thừa là cầu phúc, cầu may mắn, mưa thuận gió hòa. Người ta tin và hy vọng chu kỳ mới bắt đầu sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vì vậy phải tống cựu nghinh tân, phải lễ tạ thần linh. Trước đó người ta dọn sạch cửa nhà, vườn tược, chuẩn bị quần áo mới, sắm sửa lễ vật để đón giao thừa.

Gạo là sản vật quý của ngày xưa nên được dùng để chế biến các thứ bánh như bánh chưng, bánh dày...; rồi các loại xôi chè: xôi gấc, xôi đậu, xôi trắng... chè kho, chè hoa cau...

Vào lúc giao thừa, người ta đi xuất hành, xông đất để mong được điều tốt lành. Tết người ta đi chợ mua trầu cau, mua muối cầu may; trong mấy ngày Tết trong nhà luôn luôn có lửa, có đèn sáng, hương được thắp liên tục.

Có nhiều người còn xem chân gà để mong được thông tin tốt lành của năm mới. Người ta mừng tuổi, mừng thọ, chúc tụng nhau, khai bút, khai đàn, thăm viếng nhau, vui chơi giải trí, mời nhau ăn cỗ…

Những nghi lễ phồn thực

Nghi lễ phồn thực thấm đậm trong các lễ hội của làng quê. Người người trẩy hội với niềm tin rằng sự sinh sôi nảy nở của muôn loài là kết quả của sự giao phối giữa đực - cái, nam - nữ, đất - trời và sùng bái tôn thờ sức mạnh siêu nhiên đó với biểu tượng thờ dương vật và âm vật (linga và yoni) cùng với những động tác mô phỏng, thậm chí cả hành động giao phối thực trong nghi lễ nông nghiệp.

Người ta tin rằng việc mô tả những động tác giao hoan ở nam - nữ sẽ kích thích thần linh đem lại sự sinh sôi nảy nở cho cuộc sống, cảm ứng và lan truyền sang vật nuôi, cây trồng, đem lại cho con người nhiều của cải. Nhiều nơi, người dân vẫn thờ sinh thực khí dưới hình thức thờ cúng nõ - nường bằng gỗ.

Trong các lễ hội hạ điền, xuống đồng, người dân còn thi đánh trống cho thủng, chơi đánh đu nam nữ, múa kiếm múa mộc (kiếm bằng nõn chuối, mộc bằng mo cau)... với những động tác mô phỏng giao phối nam - nữ.

Con người là nguồn lực quý của mọi sự phát triển. Những nghi lễ này không những là yếu tố tâm linh dân sinh muốn gửi đến vạn vật mà còn là men say để thúc đẩy sự sinh sản, mong muốn đời sống ấm no, hạnh phúc.

Ngày nay cuộc sống đã đi vào hiện đại. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho đời sống vật chất của con người thay đổi, nhiều hình thức vui chơi giải trí, nhiều sản phẩm văn hóa được kết hợp một cách tinh vi giữa nghệ thuật - kỹ thuật - kinh doanh có sức hấp dẫn mạnh mẽ, nhất là đối với lớp trẻ.

Tuy vậy, những nghi thức và những phong tục tập quán của ngày Tết xưa vẫn còn trong văn hóa đón xuân vui Tết ở nhiều nơi. Nên dù mọi người đi đâu về đâu vẫn háo hức mong chờ ngày Tết để được sum họp với gia đình, bạn bè, làng xóm để vui chơi, nghỉ ngơi, thăm hỏi trong không khí linh thiêng của ngày đầu xuân năm mới.

Phong vị Tết cổ truyền với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” cùng với những truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được giữ gìn và phát huy, không bao giờ phai mờ trong tâm khảm người Việt Nam.

ThS. Lê Quốc Thịnh

Bạn đang đọc bài viết Phong tục cổ truyền Tết xưa: Từ tâm linh đến sức khỏe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới