Thứ năm, 28/03/2024 22:23 (GMT+7)

Phú Yên chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ ba, 13/08/2019 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phú Yên đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông...

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, hàng năm phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy…

Những tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững.

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, kiểu thời tiết điển hình là nền nhiệt độ tăng cao. Thực tế này khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Phú Yên ngày càng nghiêm trọng, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất đất sản xuất, gây khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, dễ phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (ban hành năm 2016), nếu nước biển dâng 50cm, khoảng 0,55% diện tích của tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị ngập. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì diện tích bị ngập tăng lên 1,08%. Các huyện ven biển có nguy cơ ngập cao là Đông Hòa và Tuy An.

Hạn hán khiến diện tích lúa bị héo, chết khô. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Nước biển dâng sẽ làm mất đất sản xuất lúa, rau màu…, đất lâm nghiệp và đất thổ cư cũng bị thu hẹp. Thực tế, nhiều năm qua, do mực nước biển tăng, một số khu vực ven biển đã ăn sâu vào đất liền vài trăm mét. Tốc độ bình quân bị xâm thực hàng năm từ 10-20m. Có nơi như thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu) và thôn Long Thủy (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) bị xâm thực từ 25-35m/năm.

Tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán trên diện rộng khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên càng khó khăn. Năm 2014, có 576 ha đất trồng lúa vụ hè thu không có nước gieo sạ phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đến nay, diện tích lúa hè thu phải chuyển đổi cây trồng tăng thêm 400 ha. Ngoài ra, có hơn 7.000 ha lúa hè thu đã gieo sạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do thiếu nước. Toàn tỉnh có 600 ha đất bị nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao, hơn 6.000 hộ dân ở các huyện miền núi phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên nhận định: Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra nhiều thiên tai có nguồn gốc biến đổi khí hậu. Các hiện tượng này có chiều hướng tăng về cường độ, tần suất và diễn biến khó lường. Hậu quả là rất nghiêm trọng kéo theo thiệt hại về kinh tế, đời sống của người dân cũng như môi trường…

Chuyển đổi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó. Trong đó, nội dung quan trọng nhất được xác định là các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế.

Ở khu vực đồng bằng, miền núi, việc chuyển đổi được thực hiện từ trồng cây lúa nước sang rau màu, đậu tương ở vùng thiếu nước cục bộ; chuyển đổi từ cây sắn, mía tại vùng năng suất thấp sang cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp…

Bên cạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng nông nghiệp thuần túy, tỉnh Phú Yên đã có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: Những năm qua, Trung ương và địa phương đã dành ngân sách để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Các mô hình đều hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và có khả năng nhân rộng. Cụ thể như mô hình: sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu (tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa); mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để trồng và chế biến cây dược liệu cà gai leo (tại xã An Mỹ, huyện Tuy An).

Khu vực các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên, sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có sự chủ động trong việc phối hợp với các nhà khoa học để xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Tỉnh Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190 km. Người dân chủ yếu sống nhờ các ngành nghề liên quan đến biển như: đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, làm muối... Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề xuất đến các nhà khoa học, mới đây nhất là Viện Địa lý nhân văn (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) quan tâm nghiên cứu sâu về lĩnh vực kinh tế biển vì đây là một trong những ngành nghề quan trọng của tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, có ảnh hưởng lớn đến sinh kế cũng như nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.