Thứ sáu, 19/04/2024 19:01 (GMT+7)

Phúc Thọ: Phòng chẩn trị y học cổ truyền quản lý chất thải như nào?

TRANG AN -  Thứ sáu, 01/11/2019 14:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có hay không việc chất thải để ở “sau bụi cây” kia đã được chuyển vào trong nhà sau khi PV liên hệ làm việc? Phải chăng đơn vị chỉ làm “tốt” khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra?

Được biết, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định yêu cầu kỹ thuật khu lưu giữ chất thải, cụ thể: Có mái che cho khu vực lưu giữ; nền đảm bảo không bị ngập lụt; Phải bố trí vị trí phù hợp để đặt các dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế; Dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải phù hợp với từng loại chất thải và lượng chất thải phát sinh trong cơ sở y tế; Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải có nắp đậy kín, có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo đúng quy định tại Thông tư này; Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế thực hiện thống nhất theo quy định của Thông tư này. Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định.

Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng về mặt hồ sơ, còn việc thực hiện lại được “bỏ ngỏ”, làm cho có.

Từ phản ánh của bạn đọc thông qua đường dây nóng của Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, “mục sở thị” tại một phòng chẩn trị y học cổ truyền do Bác sĩ Hoàng Anh Quý phụ trách chuyên môn, có địa chỉ tại Cụm 1, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV, gần khu để xe vào thăm khám, đối diện với phòng khám này có một thùng màu đỏ to, đặt trên nắp thùng là những túi nilon màu vàng đựng rất nhiều chất thải y tế như bơm tiêm, vỏ bơm tiêm. Đặc biệt chiếc thùng này được để khuất, "giấu" sau bụi cây.

Phòng chẩn trị y học cổ truyền do Bác sĩ Hoàng Anh Quý phụ trách chuyên môn.

Liệu đây có phải “nơi lưu giữ” chất thải y tế của Phòng chẩn trị y học cổ truyền do Bác sĩ Hoàng Anh Quý phụ trách chuyên môn hay không? Để có được lời giải đáp, ngày 1/11, PV đã có buổi làm việc với chủ phòng khám là ông Hoàng Anh Quý và bà Nguyễn Thị Hồng – Thư ký.

Chiếc thùng và những túi nilon đựng chất thải y tế được để khuất sau bụi cây.

Trao đổi với PV, ông Quý cho biết hiện nay phòng khám ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với một công ty ở Hà Nội, tuy nhiên không thể cung cấp hồ sơ hay tên công ty cho PV được biết với lý do: “Điều 6 trong Hợp đồng xử lý rác thải là thông tin phải được bảo mật. Nên tôi chỉ cung cấp số hợp đồng thôi”.

Vậy thì cơ quan chức năng vào kiểm tra thì sao, ông Quý cho hay: “Thì tôi có cung cấp, nhưng cũng cung cấp số thôi. Còn các cơ quan liên ngành trực thuộc ngành y tế thì sẽ cung cấp bản hợp đồng”.

Về thời gian giao nhận, ông Quý thông tin: “Do hai bên thỏa thuận, vì là phòng chẩn trị y học cổ truyền nên rất ít rác thải. Không có rác thì về làm gì, căn cứ theo lượng rác, nếu ít bệnh nhân thì phải vài ba tháng”.

Nếu có bệnh nhân châm cứu thì sẽ có rác y tế, tôi sẽ thu gom vào trong lọ, đậy nắp lại cẩn thận. Nếu ít quá thì chúng tôi sẽ bảo quản một cách tốt nhất. Trong đó gồm có kim châm cứu, bơm thủy châm, bông sát khuẩn”, ông Quý nói thêm.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Quý chủ phòng khám chẩn trị y học cổ truyền thông tin: Có phòng lưu giữ, có túi nilon, có thùng đựng chất thải. Ông Quý còn khẳng định thùng đựng đúng theo Thông tư 58.

Ông Quý khẳng định thùng đựng đúng theo Thông tư 58.

Liên quan đến chứng từ giao nhận chất thải, vị này cho biết: “Có hóa đơn chứng từ và người giao nhận ký, tuy nhiên vẫn liên quan đến bảo mật nên tôi sẽ cung cấp mã hóa đơn. Tôi đảm bảo là có”.

Về khối lượng chất thải phát sinh, ông Quý cũng trả lời rằng: “Tôi không cung cấp được, không có căn cứ để mà nhớ được. Nó cũng là thông tin bảo mật”.

Khi được hỏi về việc bản thân ông có nắm được Thông tư 58 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và có tập huấn cho các nhân viên hay không, ông Quý cho hay: “Có, chắc chắn là có. Có tập huấn cho các nhân viên, ở đây có 3,4 nhân viên trong đó một người đang thực tập, một người mới về học việc. Có mình tôi là phụ trách chuyên môn chính thôi. Phòng Y tế có tập huấn Thông tư 58 cho tôi, được đến để tập huấn và sau đó ký xác nhận là đã học qua lớp đó”.

Qua trao đổi, được biết, Phòng Y tế huyện Phúc Thọ đã xuống kiểm tra phòng khám này lần gần nhất là vào tháng 5/2019: “Sở Y tế kiểm tra đầu năm thôi, còn Phòng Y tế huyện xuống kiểm tra thường xuyên. Kiểm tra tất cả, cung cấp đầy đủ hồ sơ. Kết quả kiểm tra không có vấn đề gì cả” ông Quý nói.

Thông tin mà ông Quý cung cấp thì Phòng Y tế huyện Phúc Thọ đã xuống kiểm tra phòng khám này lần gần nhất là vào tháng 5/2019

Cuối buổi làm việc, bà Hằng (một nhân viên phòng khám) đã dẫn PV xuống nơi lưu giữ chất thải nằm đối diện phòng khám, được quây tôn và theo bà Hằng là mượn nhà của hàng xóm để chứa chất thải. Qua quan sát, bên trong nhà có 4 thùng màu đỏ bằng nhựa, có dán giấy phân loại chất thải và một xô nhỏ màu xanh để đựng chất thải sắc nhọn, tuy nhiên lại không có mã chất thải nguy hại.

Hơn nữa, ban đầu ông Quý khẳng định các thùng đựng đảm bảo đúng Thông tư 58 thế nhưng khi PV đi ghi nhận thực tế lại hoàn toàn khác, không có thùng vàng, không có biểu tượng chất thải và cũng không có mã chất thải. Việc thùng đựng không đúng mầu, ông Quý cho hay: “Cái này cũng nhỏ, tôi sẽ cho khắc phục ngay”.

Như vậy, có hay không việc chất thải để ở “sau bụi cây” kia đã được chuyển vào trong nhà sau khi PV liên hệ làm việc? Phải chăng đơn vị chỉ làm “tốt” khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra?

Cũng trong quá trình ghi nhận về quản lý chất thải y tế tại đây, PV tiếp nhận được một số thông tin về việc mặc dù là phòng khám đông y nhưng tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền do Bác sĩ Hoàng Anh Quý phụ trách chuyên môn còn có cả đông tây y kết hợp, có tiêm thuốc? Sự việc này chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ để thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Phúc Thọ: Phòng chẩn trị y học cổ truyền quản lý chất thải như nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...