Thứ năm, 25/04/2024 01:55 (GMT+7)

Quận Ba Đình: Tọa đàm "Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19”

Hạ Vân -  Thứ năm, 13/10/2022 18:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ được ban hành vẫn còn một số vướng mắc trong việc triển khai dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, khiến cho nhiều dự án bị kéo dài, doanh nghiệp không thực sự mặn mà đầu tư.

Ngày 13/10, Đảng ủy khối doanh nghiệp quận Ba Đình tổ chức Hội nghị, tọa đàm với chủ đề "Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19” nhân kỷ niệm 18 năm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2022).

Tham dự buổi tọa đàm, về phía quận Ba Đình, có ông Nguyễn Công Thành, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình; Ông Đinh Xuân Hải, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Ba Đình; Đại diện Lãnh đạo các Ban đảng, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận; các ông, bà trong  BCĐ xây dựng Đảng và các đoàn thể ; Các Ủy viên BCH Đảng bộ khối; Bí thư; Phó Bí thư; lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp các đơn vị trực thuộc Đảng bộ khối Doanh nghiệp quận Ba Đình.

Về phía khách mới có TS Nguyễn Đình Cung , nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Viện kinh tế và pháp luật quốc tế; TS Đinh Ngọc Dương – Trưởng ban Đào tạo Tài chính quản trị Viện kinh tế và pháp luật quốc tế.

tm-img-alt
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành phát biểu khai mạc Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành đã khái quát về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Ba Đình. Theo đó, hiện nay, quận Ba Đình có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, tập trung chủ yếu vào một số ngành như: thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, truyền thông, xây dựng… tạo ra khoảng 60% việc làm cho người lao động, góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định cùng với đó doanh thu của doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Ba Đình nói riêng và Thủ đô nói chung.

Cũng theo ông Nguyễn Công Thành, 9 tháng năm 2022, vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính và và các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự ủng hộ, đồng hành của các doanh nghiệp trên địa bàn, quận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đó là phục vụ chu đáo Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ quận cùng với đó hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như thu ngân sách đạt 108,8% dự toán, giải ngân vốn đầu tư công đạt 142,23% dự toán thành phố giao, công tác cải cách hành chính tăng 2 bậc, nằm trong tốp 10 thành phố, công tác giáo dục đào tạo tăng 3 bậc, nằm trong tốp 3 thành phố. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh

Cũng nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành đã gửi tới cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn quận lời tri ân sâu sắc. Chúc cho sự phát triển của doanh nghiệp ngày một đi lên, quy mô ngày một mở rộng, khẳng định vị thế vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp quận Ba Đình.

tm-img-alt
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì buổi tọa đàm

Chủ trì buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh, mỗi đợt là một cao điểm phòng, chống dịch. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất; đề ra các định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...

Chia sẻ về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong hoạt động doanh nghiệp và sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thời gian qua, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, đó là sự "đồng hành kề vai sát cánh" cùng cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo thông qua lắng nghe các doanh nghiệp và có 3 quyết sách rất lớn là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “zero Covid” sang thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 trên cả nước rất kịp thời; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã luôn đồng hành với Chính phủ để chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn từ những hoạt động phòng, chống dịch và Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người; tổ chức “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.

Đến nay, kinh tế vĩ mô được ổn định, tạo đà phục hồi giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển, giữ vững ổn định về mọi mặt, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, hiện kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi về chính trị, tiền tệ, lãi suất… đang ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước cần ban hành và điều chỉnh các chính sách để bảo đảm được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô - tiền đề cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, hiện nay một vấn đề vừa là điểm nghẽn, vừa là điểm nóng, cũng là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với các doanh nghiệp, điều lo ngại nhất là những chính sách không lường trước được, và để hài hòa những chính sách này thực sự là bài toán rất khó. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Nhà nước đã có giải pháp hợp lý cho bài toán này, nhưng trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng CIENCO1 cho biết, khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, có lợi nhuận thì sự phân phối hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động đã tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thì Nhà nước cũng phải luôn đồng hành, có những hỗ trợ rất cụ thể thông qua những chính sách thuế, hỗ trợ trực tiếp người lao động, lãi xuất ngân hàng.

tm-img-alt
Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng CIENCO1 phát biểu tham luận


Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có mội nội dung rất quan trọng thuộc các gói chính sách tài khóa, tiền tệ là gói hỗ trợ lãi suất. Từ chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách của Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách cụ thể, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Đây được xem là một trong những giải pháp thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, bởi chi phí dành cho lãi vay là một trong những khoản đầu vào có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, Chỉnh phủ và Thành phố Hà Nội đã ban hành rất nhiều văn bản về việc cải tạo chung cư cũ. Cũng có những điểm thuận lợi, nhưng cũng có nhiều vấn đề còn bất cập. Chẳng hạn như Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ được ban hành vẫn còn một số vướng mắc trong việc triển khai dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, khiến cho nhiều dự án bị kéo dài, doanh nghiệp không thực sự mặn mà đầu tư.

Trong đó, về vấn đề tháo dỡ, việc quy định phải đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% của người dân là rất khó triển khai trong thực tế. Theo quy trình, trong trường hợp các hộ dân không chấp hành việc di dời thì được tổ chức cưỡng chế di dời, phá dỡ, nhưng cách thức cưỡng chế như thế nào và được phép làm đến đâu thì pháp luật chưa quy định cụ thể, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư.

"Đối với quỹ nhà tạm cư, nếu như chỉ di dời 1 - 2 chung cư thì doanh nghiệp, chủ đầu tư còn dễ thực hiện, nhưng cùng một lúc phải di dời cả một khu, cụm chung cư trong một thời gian dài thì áp lực tài chính với doanh nghiệp là rất lớn. Do vậy, để thu hút được nhà đầu tư, tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, Nhà nước cần xem xét, có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện cải tạo chung cư về chính sách thuế, chi phí đầu tư hạ tầng trong khu vực dự án…", ông Trần Đức Thắng chia sẻ.

Nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, sức ép cạnh tranh và sự đào thải doanh nghiệp, lao động ngày càng gia tăng. Cùng với đó, vấn đề uy tín, đạo đức doanh nhân ngày càng quan trọng.

Nhấn mạnh bối cảnh tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt thể chế, kỳ vọng là Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng quan tâm, đồng thời có những chính sách, thể chế kịp thời khích lệ việc thực hành đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn, từng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong thực hiện chính sách, chấp hành quy định của pháp luật.

tm-img-alt
Ông Vũ Minh Tú, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Quận Ba Đình phát biểu


Trên cơ sở có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, các đại biểu dự Tọa đàm tin tưởng và kỳ vọng, nhiều xung lực mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được tạo ra, và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tận dụng được tối đa các tiềm năng, lợi thế, cơ hội để vững bước vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chủ động thích ứng với mọi hoàn cảnh, tình hình, phát triển ngày càng lớn mạnh, bền vững, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bạn đang đọc bài viết Quận Ba Đình: Tọa đàm "Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành