Quận Hai Bà Trưng: Cảnh quan môi trường đã dần xanh, sạch trở lại sau bão.
Diện mạo quận Hai Bà Trưng đã được cải thiện trở về với vẻ đẹp thanh bình vốn có, quang cảnh trên các tuyến đường thông thoáng và xanh mát hơn.
Sức tàn phá của bão số 3 khiến nhiều người dân sinh sống tại quận Hai Bà Trưng không khỏi bất ngờ bởi những thiệt hại mà nó gây ra. Thế nhưng chỉ sau 2 ngày toàn dân quân tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp đường phố cùng với dưới sự quyết liệt của chính quyền, nhiều tuyến phố đã gọn gàng sạch sẽ trở lại.
"Giờ đây, người dân đi qua khu vực không còn cảm nhận thấy sự tan hoang sau cơn bão chính vì đã có sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền và người dân trong việc khắc phục, dọn dẹp môi trường sau cơn bão số 3. Dù sau bão thấy xót xa, nhưng đến nay việc đi lại đã dần ổn định, tôi cảm nhận không khí đã quay lại sự vốn có của nó", một người dân phấn khởi chia sẻ.
Để đẩy mạnh công tác thu dọn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn quận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đã huy động toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Ban phối hợp UBND 18 phường và các lực lượng tham gia thực hiện thu dọn cây, cành, lá tổng vệ sinh trong hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật (14-15/9/2024)..
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, thiệt hại của cơn bão số 3 trên địa bàn quận rất lớn, đặc biệt có trên 1.000 cây gãy, đổ, nghiêng, gãy cành, trong đó nhiều cây xanh lâu năm, có giá trị kinh tế cũng như giá trị bảo tồn, gây ảnh hưởng đến an toàn tài sản, tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông.
Đến hết ngày 18/9, công tác thu dọn cây, cành, lá tổng vệ sinh trên địa bàn quận đã cơ bản hoàn thành tại 769 vị trí ảnh hưởng (trong đó 415 vị trí thuộc các tuyến phố do TP quản lý và 354 vị trí thuộc các tuyến phố, khu vực do quận quản lý theo phân cấp).
Lượng củi gỗ, cành, lá chưa kịp vận chuyển về bãi tập kết đã được kịp thời tập kết tạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn), với tổng số trên 1.200 lượt xe vận chuyển, tương đương khối lượng hơn 5.000m3.
Để tiếp tục hoàn thành công tác khắc phục các sự cố thiên tai sau cơn bão số 3, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản, PCCC, tránh thất thoát tài sản gỗ, củi, cành cây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đã đề nghị Công an quận, UBND phường và Công an phường Thanh Nhàn cử lực lượng thường xuyên phối hợp ứng trực đảm bảo an ninh trật tự, tài sản và PCCC tại khu vực tập kết tạm gỗ, củi, cành lá trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Dự kiến tổng thời gian giải tỏa cành lá, phân loại và bàn giao củi gỗ, giải tỏa mặt bằng khoảng 60 ngày.
Song song đó, Ban đã đề nghị Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội - CN Hai Bà Trưng thực hiện tưới nước hàng ngày tại khu vực tập kết tạm gỗ, củi, cành lá trong công viên; lập phương án và tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ cành nhỏ đường kính dưới 5cm và lá cây trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cũng như trên địa bàn quận tới khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) xong trước ngày 30/9 để ổn định sinh hoạt, vui chơi, TDTT của nhân dân.
Đồng thời, Ban đề nghị Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẩn trương rà soát trồng lại cây gãy, đổ trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô xong trước ngày 25/9; tập trung khắc phục sự cố chiếu sáng để phục vụ chiếu sáng trong khu vực, xong trước ngày 21/9; chủ động mời các đơn vị quản lý, Trung tâm quản lý HTKT TP phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan chứng kiến, thống nhất phân loại củi gỗ để bàn giao theo phân cấp quản lý, xong trước ngày 30/9.
Công ty cũng cần khẩn trương rà soát, lập phương án trồng mới lại cây xanh trên địa bàn quận theo nhiệm vụ được giao duy tu, duy trì, bảo đảm đúng chủng loại cây đô thị, phù hợp điều kiện hạ tầng đường phố Hà Nội và đúng quy trình kỹ thuật, an toàn sinh trưởng, phát triển của cây trồng, xong trước ngày 30/9.
Đến hết ngày 18/9, công tác thu dọn cây, cành, lá tổng vệ sinh sau cơn bão số 3 trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng đã cơ bản hoàn thành tại 769 vị trí ảnh hưởng
Ban đã đề nghị UBND 18 phường thuộc quận tiếp tục thống kê danh sách, vị trí cây xanh bị ảnh hưởng, có khả năng gây mất an toàn về tài sản, tính mạng của người dân, ảnh hưởng tới giao thông trên địa bàn, gửi Phòng Quản lý đô thị quận và Ban QLDA ĐTXD quận để tổng hợp, đề xuất phương án xử lý kịp thời.