Thứ năm, 25/04/2024 02:39 (GMT+7)

Quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều gian nan, bất cập

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ năm, 09/04/2020 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chất thải rắn không còn là vấn đề cấp bách của riêng các đô thị và thành phố lớn mà đã trở thành vấn đề đáng báo động cả ở các vùng nông thôn trong toàn quốc.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các ngành nghề ở nông thôn, việc thay đổi tập quán sinh sống làm cho các áp lực từ chất thải rắn khu vực nông thôn gia tăng cả về thành phần, tính độc hại và tải lượng rác thải. Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý chất thải là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Phong trào xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải ở nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương nhưng hoạt động chưa hiệu quả và không bền vững. Vì vậy cần có những giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới, thực hiện tiêu chí môi trường là rất quan trọng. Trong đó, việc thu gom, vận chuyển rác tưởng chừng như chỉ là một khâu rất nhỏ là đưa rác từ khu vực dân cư ra đến khu xử lý tập trung. Thế nhưng, thực tế ở cơ sở thì triển khai hoạt động này vẫn còn không ít những gian nan, thậm chí là bất cập.

Việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom cũng như xử lý rác ở khu vực này.

Đặc điểm chất thải theo hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn là chất thải rắn sinh hoạt phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, trường học, công sở, nơi công cộng. Trong thành phần chất thải sinh hoạt có khoảng 55-69% là chất hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp, rau, hoa quả…; 7-16% là chất thải có thể tái chế như nilon, giấy, nhựa, sắt vụn… được những người thu nhặt đồng nát thu gom; chất trơ khó phân hủy chiếm khoảng 12-36% chủ yếu là xỉ than, gạch vỡ…; chất thải nguy hại như pin, ắc qui không đáng kể, chỉ có khoảng 0,4%.

Khu vực tập trung rác thải, đồ phế liệu bừa bãi sai nơi quy định ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Chất thải rắn chăn nuôi là phân, nước thải, xác gia súc, gia cầm. Chất thải chăn nuôi chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng và có yếu tố lây lan dịch bệnh nên được xếp vào loại chất thải nguy hại, thường được xử lý để làm phân bón trong nông nghiệp.

Vỏ bao thức ăn gia súc thường được sử dụng để đựng lương thực hoặc đựng rác mà không thải ra ngoài. Còn chất thải là bao bì, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tồn tại ở dạng chai, lọ thủy tinh, chai nhựa, túi nilon, túi nhựa tráng kẽm, khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

Trong các loại chất thải rắn nông thôn chỉ có chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp quản lý tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất. Các loại chất thải còn lại được thu gom, xử lý tập trung mà không tách riêng từng loại.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên cả nước khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 24.000 tấn/ngày. Thống kê theo địa phương cho thấy các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có khối lượng chất thải phát sinh rất khác nhau. Các địa phương có khối lượng phát sinh lớn như thành phố Hồ Chí Minh (9.100 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Bình Dương (1.764 tấn/ngày), Đồng Nai (1.838 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng phát sinh ít là Bắc Kạn (190 tấn/ngày), Kon Tum (212 tấn/ngày), Lai Châu (260 tấn/ngày), Hà Nam (265 tấn/ngày). Thống kê cho thấy có hơn ¼ các địa phương có khối lượng phát sinh trên 1.000 tấn/ngày.

Kết quả khảo sát thực tế của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh.

Tuy công tác thu gom chất thải rắn tại nông thôn cũng đã được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Còn ở khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn).

Theo thống kê, khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản, song tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7.5.2018, quan điểm của Chiến lược là chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước. Việc đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTR sinh hoạt phải được thực hiện bằng những công nghệ tiên tiến, đi thẳng vào hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế thấp nhất lượng CTR sinh hoạt phải chôn lấp.

Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến, thì mục tiêu quản lý CTR sinh hoạt nông thôn đến năm 2025:

- 80% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ;

- 95% các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường;

- Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý CTR sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

Về chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu gom; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra.

Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với đặc thù, tính chất chất thải và đặc điểm của từng địa phương; ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung vùng tỉnh, vùng liên tỉnh phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn và bảo đảm quản lý vận hành ổn định, hiệu quả.

Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tự phát và ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng chất thải.

Xây dựng lộ trình, kế hoạch và triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư phát triển và quản lý vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

Để cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn, biện pháp quan trọng nhất và mang tính chiến lược là vận động, tuyên truyền cộng đồng để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Ảnh TL

Tóm lại, trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đã và đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương. Chính việc phân công không rõ ràng về đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã khiến cho công tác quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng./.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều gian nan, bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành