Thứ sáu, 29/03/2024 03:13 (GMT+7)

Quản lý dữ liệu đa dạng sinh học nấm lớn tại Vườn Quốc gia Tam Đảo

MTĐT -  Thứ bảy, 13/08/2022 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nấm được con người biết đến và sử dụng từ thời cổ xưa. Đối với khoa học, Nấm là đối tượng để nghiên cứu sinh hóa, sinh lý và di truyền học. Với chu trình phân hủy các nguồn vật liệu hữu cơ của hệ sinh thái, Nấm lớn đóng vai trò rất quan trọng.

1. MỞ ĐẦU

Nấm được con người biết đến và sử dụng từ thời cổ xưa. Đối với khoa học, Nấm là đối tượng để nghiên cứu sinh hóa, sinh lý và di truyền học. Với chu trình phân hủy các nguồn vật liệu hữu cơ của hệ sinh thái, Nấm lớn đóng vai trò rất quan trọng. Đa dạng sinh học nấm lớn góp phần duy trì các chu trình tuần hoàn tự nhiên và cân bằng hệ sinh thái. Những nghiên cứu về nấm lớn được các nhà khoa học bắt đầu thực hiện trên thế giới từ năm 1922 [1], [11]; từ năm 1953 các nhà sinh vật học Việt Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu về loài này [2]. Tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu nấm lớn đã có những công trình tiêu biểu, đặc biệt ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, việc xây dựng CSDL (CSDL) về đa dạng sinh học nấm ở Việt Nam để phục vụ quản lý chưa nhiều, tính đến nay, các đề tài nghiên cứu còn khá ít..

Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo là vùng núi cao thuộc dãy núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tam Đảo nằm trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa ẩm. VQG Tam Đảo là tài sản quý của quốc gia, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân trong khu vực. Vườn có giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu... Đồng thời VQG có tính đa dạng sinh học cao, là kho tàng dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm của nước ta. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này cần được bảo vệ góp phần tính đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Trạm Đa dạng Sinh học (ĐDSH) Mê Linh từ lâu đã được coi là bảo tàng lưu giữ hàng trăm giống động, thực vật quý hiếm từ khắp nơi; là địa điểm có nhiều thuận lợi và phù hợp để thực hiện nghiên cứu ĐDSH. Nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo, Trạm ĐDSH Mê Linh là địa điểm có nhiều thuận lợi và phù hợp để thực hiện nghiên cứu ĐDSH.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu dữ liệu loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh để xây dựng một CSDL nấm lớn đồng bộ, thống nhất và đầy đủ phục vụ cho các việc quản lý cũng như bảo tồn là rất cần thiết.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu

Các mẫu nấm lớn, các nghiên cứu về loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh, kết quả điều tra khảo sát thực tế.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thu thập tài liệu

Thu thập tài liệu, kế thừa kết quả nghiên cứu về các loài nấm lớn và đặc điểm khu vực đã hoàn thành và được công nhận trước đây, gồm:

- Bản đồ vị trí địa lý, địa hình, các tuyến đường;

- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực;

- Các tài liệu về nấm lớn tại các khu vực nghiên cứu khác ở Việt Nam và thế giới;

- Hiện trạng công tác bảo tồn ĐDSH, bảo tồn nấm lớn khu vực;

- Các tài liệu về phương pháp xây dựng CSDL tài nguyên môi trường và các CSDL đã có về loài nấm lớn.

2.2.2. Phương pháp điều tra, khảo sát

- Xây dựng tuyến điều tra khảo sát;

- Khảo sát, sử dụng phiếu điều tra, mô tả nấm ngoài thực địa theo các quy trình cơ bản của Lê Thanh Huyền, 2015 [3].

- Thu thập các loại nấm và bảo quản, khảo sát hiện trạng phân bố, đặc điểm hình thái của nấm lớn khu vực.

2.2.3. Phương phápđiều tra xã hội học

Xây dựng mẫu phiếu điều tra, phỏng vấn 2 đối tượng: Cán bộ quản lý VQG và Trạm ĐDSH, người dân sinh sống xung quanh khu vực. Dựa vào tình hình, đề xuất các biện pháp bảo tồn, phát triển và khai thác nấm lớn tại khu vực.

2.2.4. Phương pháp định loại nấm lớn

Định loại nấm lớn theo Trịnh Tam Kiệt (2011, 2012, 2013 và 2014) [12], [13] và Lê Thanh Huyền (2019) [14].

2.2.5. Phương pháp xây dựngCSDL

- Xây dựng CSDL thông qua phần mềm Excel và Google map để số hóa dữ liệu cùng với các đặc điểm phân bố của các loài nấm.

- Thực hiện theo quy trình xây dựng CSDL tài nguyên và môi trường hướng dẫn tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ban hành quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng CSDL tài nguyên môi trường ngày 28/05/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường [10].

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạngĐDSHloài nấm lớn tại VQG Tam Đảo và trạm ĐDSH Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc

Nấm lớn VQG Tam Đảo và trạm ĐDSH Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc phong phú và đa dạng về thành phần loài.

Kết quả khảo sát và thu mẫu tại khu vực nghiên cứu đối với ngành nấm lớn Basidiomycota phát hiện 04 bộ, 12 họ, 21 chi, 44 loài với tổng số 132 mẫu. Bộ Agaricales có số họ chiếm ưu thế hơn so với 3 bộ còn lại (58,33%). Bộ Polyporales có số loài lớn nhất (78,57%) chiếm ưu thế về loài trong 4 bộ nấm được phát hiện. Bộ Auriculariales có số họ, chi, loài ít nhất.

Tỷ lệ số loài đã xác định trên tổng số loài bộ Agaricales, Auriculariales, Polyporales, Rusulales lần lượt là 3/8, 1/2, 22/31, 2/3. Các bộ nấm lớn được phát hiện được tổng hợp trong bảng sau:

Bảng 1. Tổng hợp nấm lớn tại VQG Tam Đảo, Trạm ĐDSH Mê Linh

tm-img-alt

Ghi chú: n là số lượng; n(%) là tỷ lệ % về số lượng

Bảng 2. Thông tin nấm lớn thu được tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh

tm-img-alt

Họ Polyporaceae thuộc nhóm nấm lỗ có số lượng loài lớn nhất (24 loài, chiếm 54,55%) thu được tại VQG Tam Đảo và trạm ĐDSH Mê Linh. Đứng thứ 2 về số lượng loài là họ Ganodermataceae thuộc nhóm nấm lỗ với 7 loài, chiếm 15,9%. Họ Polyporaceae và Ganodermataceae đều thuộc bộ Polyporales.

Như vậy, tại thời điểm nghiên cứu: khu vực VQG Tam Đảo và trạm ĐDSH Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc rất đa dạng các loài nấm, đặc biệt các loài thuộc nhóm nấm thuộc bộ Polyporales do có số lượng loài vượt trội hơn so với các bộ khác. Điều kiện tại khu vực nghiên cứu: nhiệt độ, độ ẩm, các chất hữu cơ và môi trường xung quanh rất thích hợp cho các loài nấm sinh trưởng và phát triển.

Biểu đồ về số loài nấm thu được thể hiện trong hình dưới đây:

Quản lý dữ liệu đa dạng sinh học nấm lớn tại Vườn quốc gia Tam Đảo và trạm đa dạng sinh học Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ cho mục đích bảo tồn

Hình 1. Số lượng loài theo họ nấm tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh

3.2. CSDL loại các loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo, Trạm ĐDSH Mê Linh

Cấu trúc CSDL nấm lớn được tạo lập bằng sơ đồ quan hệ với nhiều bảng. Cấu trúc CSDL các loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo, Trạm ĐDSH Mê Linh được thể hiện theo mô hình dữ liệu quan hệ biểu diễn CSDL các loài nấm lớn dưới dạng một tập hợp các quan hệ: Ngành nấm -> phân ngành -> lớp -> bộ -> chi -> loài -> mỗi loài sẽ tìm thấy ở các địa điểm khác nhau. Tên của quan hệ, tên của các thuộc tính sẽ góp phần giải thích ý nghĩa của từng bộ.

Việc nhập dữ liệu và CSDL nấm lớn tuân theo cấu trúc xây dựng, nhập lần lượt các lớp dữ liệu vào các bảng tính Excel theo quy trình nhập CSDL tương ứng việc nhập được thực hiện lần lượt theo thứ tự. Khi nhập, sử dụng khóa chính (ID) ở các bảng tầng trên làm khóa ngoại ở bảng tầng dưới, đảm bảo các khóa ngoại phải thuộc danh sách đã nhập ở các bảng trước. Cuối cùng, nhập các thông tin cho bảng “điểm lấy mẫu”.

Sơ đồ phân bố loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh được xây dựng dưới dạng bảng:

Quản lý dữ liệu đa dạng sinh học nấm lớn tại Vườn quốc gia Tam Đảo và trạm đa dạng sinh học Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ cho mục đích bảo tồn

Hình 2. Sơ đồ phân bố các loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh

3.3. Hiện trạng công tác bảo tồn nấm lớn

VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh có nhiều loài nấm lớn có giá trị thực phẩm, dược liệu. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH các loài nấm lớn ở VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu về bảo tồn ĐDSH.

- Người dân: Phần lớn, họ không để ý/ sử dụng nấm trong rừng để làm thực phẩm, dược liệu,... mặc dù biết nấm có nhiều công dụng, vai trò trong cuộc sống như: thực phẩm, dược phẩm, nghiên cứu, cân bằng hệ sinh thái. Trong 120 người dân được phỏng vấn, có 03 người trả lời có vào rừng để thu hái nấm (nấm ngọc cẩu) về bán cho khách ngâm rượu, thời gian vào tháng 9 mùa mưa, nấm phát triển tốt. Người dân ở đây không biết/ không thấy/ không tham gia vào các hoạt động/chương trình ươm, nhân giống các loại nấm lớn cũng như công tác bảo vệ rừng tại địa phương.

VQG Tam Đảo là khu rừng sinh thái lớn nhất miền Bắc, địa điểm tham quan du lịch, thu hút khách du lịch. Du lịch phát triển kéo theo sự gia tăng lượng khách, đồng nghĩa với phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tạo sức ép đến khả năng đáp ứng của tài nguyên môi trường, gây khả năng ô nhiễm cục bộ, nguy cơ suy thoái môi trường.

- Tổ chức quản lý: Theo các cán bộ, áp lực chủ yếu tác động tới ĐDSH nấm lớn hiện nay tại VQG Tam Đảo là hoạt động du lịch và khai thác trái phép vì 2 hoạt động này rất khó kiểm soát. Tại VQG chưa có nhiệm vụ/ dự án/ kế hoạch nào để ươm trồng, nhân giống các loài nấm lớn. Công tác quản lý còn gặp 1 số khó khăn trong việc bảo tồn nấm: văn bản pháp lý chưa có nội dung cụ thể, việc điều tra, khảo sát theo định kỳ để cập nhật, bổ sung danh mục chưa được triển khai.

3.4. Đề xuất giải pháp bảo tồn nấm lớn

3.4.1. Giải pháp phát triển và ứng dụngCSDL trong công tác bảo tồn nấm lớn

- Cần có các quy định đối với các nghiên cứu loài nấm lớn tại khu vực về mặt định dạng, khối lượng dữ liệu đủ yêu cầu để có thể nhập vào cùng hệ thống CSDL đã có.

- Xây dựng CSDL về các loài nấm tại khu vực để dễ dàng việc quản lý và bảo tồn.

- Tổ chức các hội thảo giới thiệu, hướng dẫn sử dụng CSDL loài nấm lớn tại khu vực để các nhà nghiên cứu, các cán bộ kiểm lâm biết đến và áp dụng.

- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nghiên cứu, thu mẫu nấm trái phép. Cần xuất trình giấy tờ chứng minh việc thu mẫu phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

3.4.2. Giải pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

- Cán bộ: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để tất cả tiếp cận những kiến thức mới về bảo vệ rừng, vận động và tuyên truyền đến người dân công tác bảo tồn ĐDSH. Đào tạo đội ngũ có chuyên môn về nấm lớn

- Người dân: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn ĐDSH, tài nguyên môi trường. Cho người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn thông qua các chương trình khoán bảo vệ rừng của nhà nước và một số dự án bảo tồn của các tổ chức phi chính phủ.

3.4.3. Giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

- Khoanh vùng khu vực nấm phát triển mạnh để bảo tồn sự đa dạng của nấm. Đánh dấu, đặt biển báo nơi có loài nấm quý hiếm, nguồn gene mới để du khách tham quan không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và gây hại đến nấm.

- Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu, dự án về bảo vệ và phát triển ĐDSH các loài nấm nhằm xây dựng danh mục các loài nấm tại địa phương; đưa ra danh mục các loài nấm quý hiếm, có giá trị trong đời sống thực tiễn nhằm đẩy mạnh công tác nuôi trồng rộng rãi tại địa phương.

- Nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc trồng, nuôi cấy loài nấm có giá trị; duy trì tìm kiếm, lưu giữ nguồn gen bản địa tạo sự đa dạng phong phú nhóm nấm lớn. Hỗ trợ người dân về kinh phí, kỹ thuật trồng nấm.

- Đưa du lịch sinh thái đi vào thực tiễn; đào tạo, bố trí người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch. Du lịch sinh thái sẽ thu hút khách du lịch, tạo cơ hội cho khách tiếp cận, khám phá thiên nhiên và nâng cao nhận thức cho du khách về giá trị của thiên nhiên đối với cuộc sống con người. Du lịch phát triển gia tăng kinh tế phương, đảm bảo mục tiêu bảo tồn, đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển cộng đồng.

- Cần có đề án phát triển cụ thể, tăng cường mở rộng quan hệ, phối hợp với các tổ chức thực hiện dự án bảo tồn ĐDSH để thu hút vốn đầu tư.

4. Kết luận

Nghiên cứu tổng hợp và xây dựng CSDL các loài nấm lớn tại vực VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với ngành nấm lớn Basidiomycota tại khu vực nghiên cứu phát hiện 04 bộ: Agaricales, Auriculariales, Polyporales, Russulales; 12 họ (Agaricaceae, Coprinaceae, Entolomataceae, Mycenaceae, Pluteaceae, Tricholomataceae, Schizophyllaceae, Auriculariaceae, Ganodermataceae, Polyporaceae, Auriscalpiaceae, Stereaceae); 21 chi (Lycoperdon,Coprinus, Clitopilus, Mycena, Favolaschia, Pluteus, Filoboletus, Schizophyllum, Auricularia, Garnoderma, Coriolopsis, Microporus, Laetiporus, Polyporellus, Polyporus, Pycnoporus, Trametes, Lentinellus, Stereum); 44 loài (Lycoperdon sp., Coprinus sp., Clitopilus sp., Mycena pura, Favolaschia fugisamensps, Pluteus sp., Filoboletus manipularis, Schizophyllum sp6, Auricularia auricula-judae, Auricularia sp., Garnoderma applanatum, Garnoderma brownii, Garnoderma sp1, Garnoderma sp2, Garnoderma sp15, Garnoderma sp16, Garnoderma sp18, Coriolopsis hirsutus, Microporus flabelliformis, Microporus sp14, Microporus vernicipes, Microporus xanthopus, Laetiporus sulphureus, Polyporellus badius, Polyporus adutus, Polyporus affinis, Polyporus alveolarius, Polyporus arcularius, Polyporus chrysoloma, Polyporus fissils, Polyporus leptocephalus, Polyporus perennis, Polyporus sanguineus, Polyporus sp10, Polyporus xanthopus, Polyporus vinosus, Pycnoporus cinnabarinus, Trametes conchifer, Trametes sp4, Trametes sp13, Trametes versicolor, Lentinellus ursinus, Stereum similar poly, Stereum sp. Với tổng 132 mẫu, phát hiện 44 loài, trong đó số loài đã xác định là 33 loài (chiếm 75%), còn lại 11 loài chưa được xác định (chiếm 25%). Bộ Polyporales có số loài lớn nhất (70,45%).

Dựa vào tình hình thực tế, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để bảo tồn ĐDSH nấm lớn tại khu vực như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân sống xung quanh khu vực; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học để phát triển và bảo tồn các loài nấm; ứng dụng và phát triển CSDL trong công tác bảo tồn loài nấm. Nghiên cứu đã cung cấp, bổ sung một số thông tin về nguồn dữ liệu ĐDSH nấm lớn tại VQG Tam Đảo và Trạm ĐDSH Mê Linh nhằm phục vụ công tác quản lý nguồn dữ liệu và bảo tồn nấm lớn tỉnh của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung.

TS. Lê Thanh Huyền
Đoàn Thảo My
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Rea (1922). British Basidiomysetes. Germany.

2. Ngô Anh, Phan Thị Ái Linh (2017). Đa dạng thành phần loài nấm lớn ở thành phố Huế. Hội thảo Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ 7, trang 535 - 540.

3. Ngô Anh, Nguyễn Thị Chi Lê (2015). Đa dạng nấm lớn huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị. Hội thảo Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ 6, 2015, trang 447 - 453.

4. Lê Thanh Huyền, Nguyễn Hồng Thủy, Phạm Bình Minh (2019). Đánh giá đa dạng sinh học của họ nấm Lỗ (Polyporaceae) tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Tạp chí Di truyền và ứng dụng, Chuyên san Nấm và Công nghệ sinh học, 12/2019.

5. Nguyễn Bình Minh (2019). Nghiên cứu thành phần loài và phân bố của họ nấm lỗ Polyporaceae tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

6. Nguyễn Hồng Thủy (2020). Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học của nấm lớn tại VQG Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

7. Ngô Minh Hương (2021). Đánh giá đa dạng sinh học nấm linh chi Ganoderma tại VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

8. Dương Thị Thu Trang (2019). Nghiên cứu xây dựng CSDL nấm lớn phục vụ công tác bảo tồn tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

9. P. W. Crous, W. Gams, J. A. Stalpers, V. Robert and G. Stegehuis (2004). MycoBank: an online initiative to launch mycology into the 21st century, Studies in Mycology 50: 19 - 22.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014). Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 về ban hành quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng CSDL tài nguyên và môi trường.

11. Baltazar, J. M., & Gibertoni, T. B. (2009). A checklist of the aphyllophoroid fungi (Basidiomycota) recorded from the Brazilian Atlantic Forest. Mycotaxon, 109 (439.442).

12. Trịnh Tam Kiệt (2011, 2012, 2013). Nấm lớn Việt Nam (tập 1, 2, 3). Nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ

13. Trịnh Tam Kiệt (2014). Danh lục nấm tại Việt Nam. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

14. Lê Thanh Huyền (2019). Xây dựng phương pháp phân loại nấm lớn Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý dữ liệu đa dạng sinh học nấm lớn tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Môi trường

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.