Thứ sáu, 29/03/2024 13:05 (GMT+7)

Quản lý tốt hồ đô thị trong cải tạo cảnh quan và giảm thiểu úng ngập

MTĐT -  Thứ tư, 03/04/2019 14:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hồ điều hòa trong đô thị là một bộ phận của hệ thống thoát nước đô thị, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho hệ thống làm việc ổn định và giảm thiểu úng ngập cho đô thị do mưa và do lũ.

1. Đặt vấn đề

Hồ trong khu vực Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội, ngoài chức năng điều tiết nước mưa (điều hòa) giảm thiểu úng ngập, hồ còn có vai trò quan trọng trong cải tạo điều kiện vi khí hậu, tạo vẻ đẹp cảnh quan đô thị, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao…

Hồ điều hòa trong đô thị là một bộ phận của hệ thống thoát nước đô thị, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho hệ thống làm việc ổn định và giảm thiểu úng ngập cho đô thị do mưa và do lũ. Tuy nhiên, qua biến động của thời gian, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử số lượng hồ cũng như diện tích mặt nước của hồ trong Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội ngày càng giảm sút. Công tác quản lý đã không kiềm chế được nạn lấn chiếm, san lấp hồ để xây dựng công trình. Lý do là đất đô thị bây giờ “ tấc đất mười tấc vàng”, cũng như do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác.

Theo số liệu tại “Báo cáo hồ Hà Nội 2015” của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng thì trong 5 năm qua (từ 2010 đến 2015) trên địa bàn Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Như vậy, tổng số ao, hồ Hà Nội hiện nay là 122 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010. Về diện tích nước mặt hồ năm 2015 là gần 7.000.000m2, giảm 72.540m2 so với năm 2010. Tính riêng quận Hai Bà Trưng, một trong những quận có nhiều ao hồ nằm trong đất dự án của thành phố, từ năm 2010-2015, toàn quận đã mất đi 26.640m2 diện tích mặt nước.

Về mặt quản lý hồ hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Việc phân công, phân cấp quản lý hồ, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành còn chồng chéo, chưa thật sự rõ ràng, chưa có được sự phối hợp đồng bộ trong quản lý… 

Từ thực tế trên cho thấy rất cần một giải pháp tổng thể về quản lý hồ đô thị không chỉ về mặt công nghệ, kỹ thuật, mà cả về chính sách, cơ cấu tổ chức quản lý phù hợp, đảm bảo hài hòa vai trò điều tiết nước mưa giảm thiểu ngập úng với các vai trò khác của hồ đô thị.

Việc đánh giá hiện trạng hệ thống hồ cũng như thực trạng công tác quản lý hồ là việc làm cần thiết để có những giải pháp quản lý đúng đắn, phù hợp với các vai trò khác nhau của hồ đô thị. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài báo này tác giả chỉ đi sâu phân tích thực trạng việc quản lý hồ khu vực Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội mà chưa đề cập đến các giải pháp về quản lý hồ hiện nay.

Hình 1. Bản đồ phạm vi ranh giới 38 quy hoạch phân khu Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội

2. Thực trạng về hệ thống hồ trong Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội

Khái quát sự biến động về hồ trong Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội trong khoảng thời gian 5 năm gần đây nhất như thống kê ở phần trên để chúng ta hiểu sự biến động của hồ trong suốt chiều dài lịch sử của Thủ đô. Nhưng, số liệu cụ thể về hiện trạng hồ của Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội được cập nhật vào thời điểm gần nhất được thống kê như sau:

Theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 09/03/2017 về việc Phê duyệt danh mục các tuyến thoát nước, hồ nước, trạm xử lý nước thải sinh hoạt do thành phố quản lý sau đầu tư theo quy định tại Quyết định số 41/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 9 năm 2016 và theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thì trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 2.623 hồ hình thành từ tự nhiên và hồ đào nhân tạo, trong đó có 122 hồ trong 12 quận nội thành và 2.503 hồ phân bố trên 18 huyện và thị xã Sơn Tây. Ngoài ra còn nhiều ao nhỏ trên địa bàn các quận chưa được thống kê hết.

Được sự quan tâm của thành phố, hiện có 98/122 hồ trong nội thành Hà Nội đã được cải tạo kè bờ chống lấn chiếm, 14 hồ đang cải tạo và 10 hồ chưa cải tạo. Trong số 98 hồ đã cải tạo kè bờ có một số được đầu tư xây dựng đảm bảo mục tiêu điều hòa tiêu thoát nước, môi trường có xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh với đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ, có hệ thống cống tách nước thải, cửa phai, trạm bơm thoát nước. Các hồ đó gồm: Hồ Giảng Võ, Thành Công, Thiền Quang, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2A, Thanh Nhàn 2B, Hào Nam, Hố Mẻ, Đống Đa, Xã Đàn, Ngọc Khánh, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Đền Lừ, Khương Trung 1, 2, Tân Mai, Định Công, Linh Đàm, Tai Trâu, Cầu Tình, Trung Văn...  Đa phần các hồ này được cải tạo trong Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I, giai đoạn II sử dụng vốn vay ODA của JICA Nhật Bản. Các hồ còn lại chủ yếu chỉ được kè chống lấn chiếm bằng các nguồn vốn khác.

Hầu hết các hồ nội thành Hà Nội đã được cải tạo hoặc đang có dự án cải tạo, hiện chỉ còn 10/122 hồ chưa cải tạo và một số hồ đã có dự án nhưng chưa thực hiện xong.

3. Vai trò và chức năng của hồ trong Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội

Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội (gọi chung là hồ Hà Nội) là một phần rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội với các chức năng khai thác sử dụng hồ:

- Điều hoà nước mưa, giảm thiểu ngập úng;

- Tạo cảnh quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử;

- Cải tạo điều kiện vi khí hậu trong khu vực;

- Nơi kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện (đặc biệt đối với các hồ lớn như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu…)

- Nơi kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản (gần đây thành phố bỏ chức năng nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên vẫn còn một số hồ tổ chức nuôi cá) và việc trồng các bè mảng thực vật trên rất nhiều hồ có tác dụng làm sạch nước hồ.

Ngoài ra, hồ còn được khai thác sử dụng trong quần thể di tích văn hóa lịch sử (hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch …) với mục đích phục vụ khách tham quan, du lịch… Riêng đối với khu vực hồ Hoàn Kiếm có tới hàng ngàn khách tham quan, du lịch mỗi ngày.

Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều biển hiệu quảng cáo, đủ sắc màu, kích cỡ trên mặt hồ và khu vực xung quanh hồ, tạo nên những mảng sáng tối về kiến trúc cảnh quan, các vị trí đặt các thùng, thiết bị thu gom rác quanh hồ và một số trạm quan trắc mực nước và chất lượng nước hồ…

Đối với phát triển kinh tế, hồ Hà Nội là một nguồn tài nguyên được khai thác trực tiếp để phát triển kinh tế thông qua chức năng kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện và kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản. Hiện trên các hồ nội thành trong công viên thường được khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí như: Đạp vịt, du thuyền nổi trên hồ, thực hiện tổ chức các sự kiện. Ví dụ: Hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất, hồ Bách Thảo trong công viên Bách Thảo, hồ Thành Công trong Công Viên Gradian, hồ Nghĩa Tân trong công viên Nghĩa Đô, hồ Công viên Cầu Giấy, hồ Công viên Hoà Bình, hồ Thủ Lệ trong khuôn viên vườn Thú, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Văn, hồ Võ. Chức năng là nơi nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu phát triển ở các hồ ngoại thành bởi các hồ trong nội thành hiện không được phép kinh doanh nuôi thả cá.

Với chức năng là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, hồ là nơi tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, góp phần phát triển nền kinh tế du lịch của Hà Nội. Điển hình là hồ Hoàn Kiếm - một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, là biểu tượng đặc trưng của Hà Nội, là nơi thu hút rất nhiều khách thăm quan đến Hà Nội; hay như hồ Tây cũng là một danh lam thắng cảnh gắn với văn hóa tâm linh như Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây hồ, Chùa Vạn Niên. Và đặc biệt là vào mùa sen, một góc hồ Tây hoa nở rất đẹp tạo nên dấu ấn cho Hà Nội.

Hình 2. Hình ảnh đẹp của đàn thiên nga bơi lội trên hồ Thiền Quang, thành phố Hà Nội.

4.Thực trạng về công tác quản lý hồ khu vực Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội

Về vấn đề quản lý hồ của khu vực Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội chúng ta có thể liệt kê ra đây các công việc quản lý chính như sau:

- Quản lý các hoạt động kinh doanh, buôn bán quanh hồ và trên mặt hồ

- Quản lý các hoạt động liên quan đến sản xuất như nuôi trồng thủy sản, trồng rau bè trên mặt nước hồ

- Quản lý các hoạt động vui chơi giải trí hoạt động văn hóa thể thao, quảng cáo quanh hồ, trên mặt hồ

- Quản lý cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công trình kiến trúc quanh hồ

- Quản lý bảo vệ môi trường nước không bị ô nhiễm bởi nước thải

- Quản lý vận hành mực nước hồ đảm bảo khả năng điều tiết nước mưa khi có mưa xảy ra

- Quản lý chống lấn chiếm, san lấp hồ sử dụng cho việc xây dựng công trình…. 

Hình 3. Sơ đồ tổng hợp quản lý hồ Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội.

Để quản lý, bảo tồn, tôn tạo các hồ đô thị, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng. Qua nhiều thời kỳ khác nhau thì các cơ chế chính sách quản lý này lại được thay đổi để phù hợp tình hình thực tế về sự phát triển của Thủ đô.

Để cải thiện môi trường hồ Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 12/2/2010 về việc phê duyệt đề án Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội và Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 18/5/2011 về Quy chế quản lý, duy trì chất lượng nước các hồ sau xử lý ô nhiễm.

Gần đây là quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ thành phố Hà Nội (quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014), quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố (quyết định 70/2014 ngày 12/9/2014). Quy chế quản lý QHKT khu phố cũ Hà Nội...

Việc phân cấp quản lý các hồ Hà Nội lại được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó toàn bộ các hồ thoát nước, hồ điều hòa có giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường trên địa bàn các quận do thành phố (Sở Xây dựng) quản lý.

Từ 01/01/2017, theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/09/2016 của UBND Thành phố ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý mực nước để điều tiết thoát nước giảm thiểu úng ngập 113 hồ, quản lý chất lượng nước 122 hồ.

Đối với 2 hồ lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có Ban Quản lý hồ riêng đó là Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Các Ban Quản lý hồ này được thành lập theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.

Ngoài ra các hồ của Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội còn chịu sự quản lý của quy chế quản lý kiến trúc – quy hoạch của các đồ án quy hoạch đô thị.

Chức năng điều tiết nước mưa của các hồ điều hòa trong Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội cũng suy giảm theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc ngập úng đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn (ngập sâu hơn, thời gian ngập lâu hơn). Theo đánh giá của Sở Xây dựng thành phố thì nguyên nhân chính là một số hồ bị lấp, một số bị lấn chiếm nên diện tích và thể tích hồ bị thu hẹp, một số hồ duy trì mực nước cao để nuôi cá, kinh doanh, phục vụ mục đích sinh hoạt văn hóa thể thao (đua thuyền), kinh doanh nhà hàng nổi…. nên không còn khả năng điều tiết nước mưa.

Chức năng điều tiết thoát nước của hồ phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý hồ và quy trình vận hành của toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố. Chính vì điều này, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về thoát nước cho đô thị Hà Nội đã có bộ phận quản lý hồ (Đội quản lý duy trì Hồ) trong cơ cấu tổ chức của Công ty.

Quản lý chất lượng nước hồ tạo cảnh quan, cải thiện điều kiện vi khí hậu cũng liên quan đến chức năng điều tiết thoát nước chống ngập úng và ngược lại. Nếu duy trì mực nước thấp thì việc điều tiết nước mưa của hồ tăng lên, tuy nhiên sẽ giảm chức năng cải tạo điều kiện vi khí hậu và môi trường, chức năng kiến trúc – cảnh quan và các chức năng khác như văn hóa, thể thao… Chính vì điều này, không thể để mực nước hồ ở mức cạn kiệt mà nên giữ ở mức có lợi cho các chức năng khác. Tuy nhiên, chức năng điều tiết nước mưa của hồ chỉ khi có mưa, vì vậy cần có biểu đồ duy trì mực nước hồ, theo dự báo mưa, bão, đặc biệt các trận mưa lớn kéo dài.

Về tầm quan trọng, chúng ta phải đặt ở vị trí trung tâm của hồ là quản lý điều tiết nước mưa, chống ngập úng đô thị. Việc điều tiết mực nước trong hồ phải luôn được ưu tiên cho mục đích chống ngập úng đô thị. Việc theo dõi tình hình thời tiết để duy trì mực nước hồ ở mức tối ưu nhất ứng phó với những trận mưa lớn sắp xảy ra. Bên cạnh đó, các hồ có trạm bơm, có các phai đóng mở phải được vận hành một cách nhịp nhàng với hệ thống thoát nước, hệ thống sông thoát nước, các trạm bơm đầu mối của thành phố. Đây là công tác phức tạp gắn với công tác dự báo và công tác điều hành trên toàn hệ thống thoát nước.

Hiện nay, mỗi hồ thường có 3 đơn vị trực tiếp quản lý chính: Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý nước hồ và lòng hồ, Công ty công viên cây xanh quản lý cây xanh Hà Nội ở hành lang bờ, Công ty môi trường đô thị chịu trách nhiệm về vệ sinh xung quanh bờ. Các công ty này làm việc qua hợp đồng giao nhiệm vụ của Sở Xây dựng, quận hoặc phường trực thuộc tùy theo phân cấp của mỗi hồ.

Tuy nhiên, chính tính đa ngành trong công tác quản lý hồ dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý, việc phân bổ chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các bên liên quan chưa được rõ ràng. Hơn nữa, việc có nhiều cơ quan, tổ chức xã hội cùng tham gia quản lý, khai thác hồ dẫn đến tình trạng các chủ quản lý đều chạy theo mục đích riêng nên khó khăn cho việc phối hợp quản lý hồ.

Hình 4. Sơ đồ mối quan hệ phối hợp và mối quan hệ quản lý trong cơ cấu tổ chức quản lý hồ Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội

5. Một vài bàn luận thay cho lời kết

Hệ thống hồ ở Hà Nội là những hệ sinh thái thực hiện đồng thời nhiều chức năng khác nhau, cho nên công tác quản lý hồ đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban ngành nhằm đảm bảo khả năng quản lý tốt các chức năng đa mục tiêu của hồ. Tuy nhiên, chính tính đa ngành trong công tác quản lý hồ dẫn tới sự chồng chéo trong quá trình quản lý, việc phân bổ chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các bên có liên quan chưa được rõ ràng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý hồ.

Nhiều chủ thể quản lý trong cơ cấu tổ chức quản lý của UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị quản lý chuyên ngành của cơ quan Trung ương như quản lý về quy hoạch, quản lý về đầu tư, quản lý trật tự xây dựng, quản lý các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy phạm môi trường…

Sự phức tạp, chồng chéo trong công tác quản lý, khai thác các hồ đô thị với các mục đích khác nhau dẫn đến tình trạng không thống nhất. Do vậy, các hồ không phát huy hết chức năng phục vụ như điều tiết nước mưa giảm thiểu úng ngập, tạo vẻ đẹp cảnh quan và điều hoà khí hậu trong vùng.

Từ những phân tích và số liệu trên đây cho thấy việc quản lý hồ khu vực Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội hết sức phức tạp đòi hỏi có sự thống nhất từ văn bản pháp luật đến việc phân công, phân cấp cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức tham gia quản lý. Chính cơ cấu tổ chức này đòi hỏi cần có cơ chế phối hợp trong quản lý từ cấp Trung ương tới địa phương.

Chỉ khi chúng ta có được một mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, hay giải pháp quản lý hồ phù hợp đảm bảo được lợi ích của các bên liên quan, lợi ích của cộng đồng khi đó chúng ta mới có một mô hình cơ cấu tổ chức quản lý hay giải pháp quản lý bền vững và cũng chỉ khi đó mới chấm dứt được tình trạng lộn xộn, chồng chéo như hiện nay, đồng thời phát huy được tối đa các chức năng của hồ trong đô thị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2014), Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải, Hà Nội.

2. Trần Đức Hạ (2016), Hồ đô thị - Quản lý kỹ thuật và kiểm soát ô nhiễm. Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

3. Nguyễn Ngọc Lý và nnk (2015), Báo cáo hồ Hà Nội 2015, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Hà Nội.

4. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc phê duyệt Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

5. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 725/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

6. Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (2017), Bảo tồn, tôn tạo, quản lý để phát huy giá trị các hồ của thủ đô Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội.

ThS. Chu Mạnh Hà

Cộng tác viên 

Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Quản lý tốt hồ đô thị trong cải tạo cảnh quan và giảm thiểu úng ngập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới